Thời tiết giao mùa, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm bên cạnh độ ẩm giảm dần tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển. Cơ thể dễ đổ bệnh 'vặt' và gây nhiều phiền toái trong cuộc sống.
Theo BSCKI Lê Thị Trâm Anh, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, một số loại bệnh sau đây người dân dễ gặp vào mùa thu
Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói... là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản... Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sống sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế mắc bệnh.
Sốt và cảm lạnh
Triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết khi mắc sốt do virus là sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu... Nếu ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày, sau đó tự khỏi. Ở thể nặng hơn người bệnh sốt li bì 5 - 7 ngày và dễ gặp các biến chứng viêm đường hô hấp cấp trên, viêm phổi...
Sốt virus lây truyền nhanh qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) nhất là trong môi trường tập thể như: trường học, công sở, nơi công cộng.
Để phòng tránh sốt virus, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng fluor. Do thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí cao nên phải giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Đặc biệt là vào lúc sáng sớm và buổi tối hay khi ngủ.
Cảm lạnh là bệnh hay gặp ở mùa đông nhưng cũng dễ mắc vào mùa thu khi đi ngoài trời bị mưa ướt, nằm ngủ bật quạt thốc thẳng vào đầu và người hoặc khi thời tiết thay đổi. Dấu hiệu bị cảm lạnh là nhức đầu, nóng sốt, ớn lạnh, đau ê ẩm khắp toàn thân, đau họng, ho...
Các bệnh đường hô hấp
Có thể kể đến bệnh viêm đường hô hấp trên (viêm họng, VA, amidan) cấp tính và mạn tính; viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm thanh quản, khí quản, tiểu phế quản, phổi. Mùa này, 3 loại virus cúm A, B, C gây bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát mạnh, trong đó cúm A dễ tạo thành dịch, biến chứng có thể gây viêm xoang cấp, viêm tai giữa. Các triệu chứng này biểu hiện bệnh đã nặng, cần đi khám chữa ngay, không nên tự chữa ở nhà, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Đau nhức xương khớp
Đau nhức xương khớp là bệnh điển hình vào mùa thu, nó không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, hiện nay, phụ nữ sau tuổi 35 đều có thể bị bệnh khớp. Để hạn chế đau nhức xương khớp trong mùa thu, người cao tuổi nên chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh thất thường. Điều chỉnh mức độ tập luyện phù hợp thể trạng từng người.