Nhắc đến Quảng Yên hôm nay, có lẽ hầu hết chúng ta đều hình dung về một thị xã trẻ đang vươn mình đổi thay không ngừng. Đó là một Quảng Yên với những khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại, thông minh đang từng bước hình thành. Song, nếu đã từng đặt chân đến đây, từng gắn bó, từng nhớ về mảnh đất này, chắc hẳn mỗi người sẽ không thể quên được hình ảnh về một Quảng Yên giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, nét đẹp văn hóa dòng họ nơi đây đã trở thành một dấu ấn đậm nét, đặc sắc được người dân gìn giữ, vun đắp từ bao đời nay...
Niềm tự hào nhà thờ họ
Nếu lần đầu tiên đến với khu vực đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên và lầm tưởng khi thấy những công trình đình, chùa dày đặc. Song trong số đó, phần lớn lại là từ đường của các dòng họ ở đây được xây dựng với lối kiến trúc giống đình, chùa cổ kính, trang nghiêm, tạo nên một nét văn hóa rất đặc biệt.
Theo lời giới thiệu của cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên, chúng tôi tìm về phường Phong Cốc – nơi có nhiều dòng họ Tiên công tiêu biểu, đã trở thành niềm tự hào của mỗi người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.
Một điều đặc biệt tại Phong Cốc nói riêng và khu vực đảo Hà Nam nói chung, ngoài việc xây miếu thờ các Tiên công thì con cháu các dòng họ Tiên công còn lập từ đường thờ các thủy tổ là tiên công. Vì vậy, các dòng họ Tiên công ở Phong Cốc như dòng họ Vũ (thủy tổ Vũ Song), dòng họ Vũ (thủy tổ Vũ Hồng Tiệm), dòng họ Ngô (thủy tổ Ngô Bách Đoan), dòng họ Nguyễn (thủy tổ Nguyễn Phúc Cốc, Nguyễn Phúc Thắng, Nguyễn Phúc Vinh), dòng họ Lê (thủy tổ Lê Mở, Lê Khép)... đều xây dựng nhà thờ họ khang trang, bề thế, tọa lạc ở những vị trí đẹp.
Là một trong những dòng họ nổi tiếng ở Phong Cốc, từ đường dòng họ Ngô được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Theo ghi chép gia phả, di tích từ đường họ Ngô thờ thủy tổ là Tiên công Ngô Bách Đoan và các thế tổ, cùng danh sách đinh các đời nối tiếp của dòng họ. Di tích nhà thờ họ Ngô trước đây đặt ở nhà trưởng tộc, đến đời thứ 6 được tách ra làm từ đường riêng (khoảng năm 1630) tại xóm Thượng, xã Phong Cốc, huyện Yên Hưng (nay là khu 3, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên). Ban đầu từ đường làm bằng tranh tre, khoảng đến đời thứ 10 (năm 1734) mới xây dựng khang trang bằng gạch, lợp ngói.
Trải qua nhiều lần trùng tu, từ đường họ Ngô vẫn giữ được nét kiến trúc cổ, có cổng tam quan, sân tế Tổ, nhà thờ kiến trúc theo chữ Nhị, bái đường và hậu cung đều có năm gian lợp ngói, hai hồi bít đốc, đắp trụ... Trong nhà thờ còn có nhiều đồ thờ tự có giá trị và các câu đối, đại tự...
Ông Ngô Doãn Thiềng, Trưởng tộc họ Ngô, cho biết: Từ đường họ Ngô là di tích lưu niệm danh nhân có công mở đất thuộc cụm di tích Tiên công trên đảo Hà Nam. Ở Phong Cốc, chỉ riêng dòng họ Ngô có khu lăng mộ liền kề cạnh từ đường tạo nên một tổng thể thống nhất, độc đáo. Cũng chính nhờ đó, từ đường họ Ngô được thị xã lựa chọn đưa vào là một điểm đến cùng với điểm du lịch đình Phong Cốc trên địa bàn phường.
Và dù có trải qua biết bao suy chuyển của thời gian, sự chuyển mình của nhịp sống hiện đại thì từ đường dòng họ Ngô vẫn luôn là nơi để hằng năm con cháu cùng nhau trở về tưởng nhớ công ơn tổ tiên, báo cáo với dòng họ những việc tốt, thành tích đã đạt được trong học tập, lao động, động viên nhau cùng cố gắng, phấn đấu. Qua đó, nhân lên tình yêu, niềm tự hào về gia đình, dòng họ, vun đắp thêm truyền thống văn hóa quê hương.
Không riêng dòng họ Ngô, trong từ đường các dòng họ Tiên công ở phường Phong Cốc như dòng họ Nguyễn, dòng họ Vũ, dòng họ Lê... đều được xây dựng khang trang, được con cháu cung tiến trùng tu, tôn tạo thường xuyên. Hiện trong từ đường các dòng họ đều còn lưu giữ được khá nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị như các mảng chạm khắc của vì kèo, đầu dư, đầu bẩy, cửa võng, án gian… được chạm trổ công phu, sắc nét tạo thành các bức tranh sống động hình tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phượng uốn lượn mềm mại.
Ngoài ra, trong từ đường còn có các bản gia phả, sắc phong và các đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của Tiên Công khai canh, khai sáng đồng điện, đề cao phúc ấm của tổ tiên, nhắc nhở con cháu phải giữ gìn gia phong dòng họ, phát huy truyền thống của tổ tiên.
Chính bởi những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn ấy mà nhà thờ họ hay từ đường luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi thành viên dòng họ. Bởi đó, không chỉ là chốn trở về thân thuộc của con cháu khắp mọi miền với mong muốn được tề tựu, quây quần vào mỗi dịp lễ, tết, chạp tổ, tế tổ... để thắp lên nén hương thành kính truy ơn tổ tiên mà đó còn là điểm tựa tinh thần to lớn, là “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại. Từ đây, giáo dục con cháu đời đời về truyền thống quai đê, lấn biển, khoanh biển, lập làng ở vùng đảo Hà Nam, để cùng nhau chung tay, góp sức gìn giữ, phát huy thống văn hóa đẹp đẽ của dân tộc.
Phát huy truyền thống tốt đẹp
Theo thống kê, trên địa bàn TX Quảng Yên hiện có trên 120 dòng họ. Trong đó, có 103 dòng họ đã được kiểm kê lập hồ sơ đưa vào danh mục di tích - lịch sử văn hóa, 23 dòng họ Tiên công đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Có thể nói trong nền văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa, nhắc đến văn hóa dòng họ là nhắc tới một cộng đồng văn hóa mà ở đó sự trật tự, nền nếp gia phong luôn được coi trọng, tinh thần yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, gắn bó, kính trên nhường dưới, quan hệ hàng xóm láng giềng luôn được mọi người nâng niu và gìn giữ. Đó cũng chính là cội nguồn để hàng trăm dòng họ trên địa bàn TX Quảng Yên đã được con cháu đời đời gìn giữ, vun đắp, dựng xây, không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hôm nay.
Cùng với việc tổ chức các hoạt động tri ân tổ tiên, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho con cháu thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, tết hằng năm khi con cháu có điều kiện tụ hội đông đủ thì phong trào khuyến học, khuyến tài cũng trở thành một dấu ấn nổi bật trong hoạt động của các dòng họ ở Quảng Yên.
Theo đó, hầu hết các dòng họ đều thành lập, duy trì hiệu quả Ban Khuyến học của dòng họ để tạo nguồn quỹ kịp thời khen thưởng, động viên con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Nhiều dòng họ đã tổ chức cho con cháu đỗ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về vinh quy bái tổ và ghi danh vào bảng vàng của dòng họ, coi đây là niềm tự hào, sự rạng rỡ, vẻ vang của dòng họ. Tiêu biểu phải kể đến dòng họ Hoàng, dòng họ Bùi, dòng họ Đinh Viết, dòng họ Lê, dòng họ Đặng, dòng hộ Đỗ, dòng họ Dương Đình…
Không chỉ xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ học tập, các dòng họ đều khuyến khích con cháu thi đua xây dựng gia đình văn hóa; thôn, khu văn hóa, tích cực đóng góp cùng địa phương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội...
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng gia tộc họ Nguyễn (phường Phong Cốc), chia sẻ: Không chỉ cổ vũ, động viên con cháu cố gắng phấn đấu thành tài, làm rạng danh gia đình, dòng tộc, dòng họ còn giáo dục con cháu sống và làm việc tuân thủ quy định của pháp luật, coi trọng đạo lý tốt đẹp của dân tộc, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy, trong những năm qua, con cháu dòng họ Nguyễn đã ủng hộ kinh phí, hiến đất với trị giá hàng tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, văn hóa... của địa phương. Nhiều người còn nhận đỡ đầu con em của các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn sinh sống, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo được địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Hay dòng họ Ngô (phường Phong Cốc) đến nay là dòng họ duy nhất ở địa phương đã được nối gia phả với dòng họ Ngô của Việt Nam. Qua đó, gắn chặt thêm tình đoàn kết, tạo điều kiện để con cháu trong dòng họ khắp mọi miền đất nước có thể đùm bọc, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công việc dù ở bất cứ nơi đâu.
Ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên, cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, trong đó có các dòng họ, hằng nằm, TX Quảng Yên đều xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để thực hiện gắn với các nhiệm vụ phát triển du lịch địa phương. Qua đó, nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa của dòng họ, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo.
Đặc biệt, các dòng họ Tiên công luôn là những địa chỉ văn hóa hấp dẫn đối với nhân dân và du khách bốn phương. Các hoạt động chính của dòng họ thường được tổ chức vào các dịp chạp tổ (mùng 2 tháng chạp) và ngày ra cỗ họ (mùng 4 tháng giêng), gắn với Lễ hội Tiên công hằng năm tạo thành một ngày hội văn hóa, hướng về cội nguồn riêng có của vùng đất Tiên công Quảng Yên.
Trải qua hàng trăm năm lịch sự, bằng sự vun đắp của biết bao thế hệ, những hoạt động dòng họ ở Quảng Yên đã trở thành cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, làng xóm. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các dòng họ tiếp tục được người dân quê hương Bạch Đằng Giang bảo tồn, phát huy, trở thành di sản văn hóa quý báu của quê hương, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc trên mỗi chặng đường phát triển.