Các loại cá chứa nhiều axit béo omega 3 giúp kháng viêm và giảm sưng khớp, còn rau củ chứa vitamin C ngăn ngừa mất xương và cũng là chất chống oxy hóa.
Thoái hóa khớp là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Lúc này, hệ thống cơ xương khớp, dây chằng đều bị tổn thương do quá trình thoái hóa, làm suy giảm chức năng vận động và khởi phát những cơn đau. ThS.BS.Vũ Yên Khánh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, dinh dưỡng là một trong những yếu tố chính làm chậm quá quá trình phát triển thoái hóa khớp, ngăn chặn khớp tiếp tục bị tổn thương.
Các nhóm thực phẩm người bệnh thoái hóa khớp nên ăn để tăng cường sự dẻo dai của sụn, dây chằng cũng như sự chắc khỏe của cơ xương như:
Thực phẩm giàu Omega 3
Axit béo omega 3 giúp kháng viêm và giảm sưng khớp bằng cách hạn chế sản xuất các cytokine, enzyme gây phá vỡ sụn. Ngoài ra, omega 3 còn có tác dụng giảm cholesterol, hỗ trợ cho sự phát triển của xương.
Omega 3 có nhiều trong các loại cá mỡ như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm... và quả hạch như óc chó, hạnh nhân, mắc ca,... Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người trưởng thành nên cung cấp cho cơ thể tối thiểu từ 250 - 500mg omega 3 mỗi ngày.
Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin C giúp tạo ra sụn, bảo vệ xương khớp gối, ngăn ngừa mất xương và cũng là chất chống oxy hóa tốt. Chúng có nhiều trong các loại trái cây và rau quả như đu đủ, ổi, dứa, cam, bưởi, dưa lưới, dâu tây, kiwi; súp lơ, bông cải xanh, cải xoăn, ớt chuông, cà chua... Mỗi ngày nên cung cấp khoảng 100g trái cây các loại để cơ thể hấp thu đủ lượng vitamin C cần thiết.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, giảm sự phá vỡ sụn và giảm nguy cơ thu hẹp không gian khớp. Một nghiên cứu cho thấy, người có hàm lượng canxi trong máu cao thì mức độ tổn thương xương khớp thấp hơn. Vitamin D có thể được bổ sung thông qua việc tắm nắng và tăng cường các loại thực phẩm như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, tôm, trứng, ngũ cốc, đậu hũ... Tuy nhiên, người bệnh thoái hóa khớp nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng vitamin D cần tiêu thụ mỗi ngày.
Vitamin K là vitamin tan trong chất béo, tham gia vào quá trình tổng hợp các protein quan trọng của hệ xương, ngăn ngừa loãng xương. Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K như rau cải, rau bina, dầu đậu nành, dầu oliu...
Vitamin E làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, yếu cơ. Vitamin này có thể tìm thấy trong dầu lúa mì, dầu mè, đậu phộng, cá hồi,...
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa chứa 18 trong số 22 chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp xương chắc khỏe, bao gồm canxi, phốt pho và vitamin D.... Do đó, đây là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của người thoái hóa khớp và mắc các vấn đề về xương như loãng xương, gãy xương...
Bioflavonoid
Bioflavonoid có đặc tính chống oxy hóa mạnh, vô hiệu hóa các gốc tự do và ngăn chặn tổn thương tế bào. Từ đó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, khả năng hấp thụ vitamin C và cải thiện sức khỏe tổng thể, trong đó có sức khỏe cơ xương khớp. Bioflavonoid được tìm thấy trong ớt xanh, chanh, quả anh đào, nho...
Đạm
Bản chất của cơ là chất đạm. Các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng... sau khi được ăn vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit amin và tổng hợp thành các khối cơ. Vì vậy, để giữ cho hệ cơ khỏe mạnh, người thoái hóa khớp nên tăng cường các loại thực phẩm giàu đạm. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đạm có nguy cơ phát triển bệnh gout, mỡ máu. Do đó, trung bình mỗi bữa ăn, người bệnh nên cung cấp cho cơ thể ½ chén thịt hoặc ⅔ chén cá.
Bác sĩ Yên Khánh cho biết, người bệnh thoái hóa khớp cũng cần hạn chế các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, chất béo động vật, nhiều đường, nhiều muối... Đồng thời, đừng quên tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ và thăm khám định kỳ.