Monday, 06/05/2024

Người bệnh hô hấp trở nặng vì thời tiết thay đổi

20:02 25/10/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Thời tiết khô hanh, nóng lạnh thất thường khiến nhiều người bùng phát triệu chứng hen suyễn, viêm mũi họng, có ca nguy kịch do điều trị không đúng cách.

Anh Trần Tuấn Ngọc (34 tuổi, Hà Nội) mắc hen suyễn nhiều năm, phải dùng thuốc corticoid và thuốc giãn phế quản xịt hàng ngày. Từ tháng 10, anh Ngọc hết thuốc nhưng do bận việc gia đình nên không tái khám, cũng không mua thuốc. Sau đó, anh xuất hiện các đợt khó thở, tức nặng ngực về đêm. Anh Ngọc từng cảm thấy không thở được sau khi chạy xe máy về, phải cấp cứu tại khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Các bác sĩ nhanh chóng điều trị bằng corticoid tiêm tĩnh mạch, khí dung corticoid, thuốc giãn phế quản, thở oxy để cắt cơn hen. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, xuất viện sau một tuần điều trị.

PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết từ đầu tháng 10, lượt bệnh nhân đến khám triệu chứng hô hấp do thay đổi thời tiết tăng mạnh, chiếm phần lớn các mặt bệnh. Phổ biến nhất là viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn, COPD, nhiều ca trở nặng phải nhập viện.

Thời tiết giao mùa thu đông không tốt cho đường thở, đặc biệt với người có sẵn bệnh hô hấp mạn tính. Hít thở không khí lạnh khô khiến lớp chất lỏng bao phủ trên bề mặt niêm mạc phế quản bị khô nhanh, không kịp tái tạo dễ dẫn đến kích ứng, gây triệu chứng ho, thở khò khè, khó thở. Các đợt nóng lạnh đan xen nhau cũng khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập. Hai tác nhân này gây bùng phát đợt cấp ở người bệnh hen suyễn, COPD với tần suất dồn dập, đặc biệt là về đêm hoặc khi gắng sức.

Nếu không nhận biết, xử lý kịp bằng cách dùng thuốc cắt cơn, thuốc kháng viêm, tình trạng khó thở kéo dài có thể dẫn đến giảm oxy máu, thiếu máu não, ngất, mất ý thức, thậm chí tử vong. Nguy cơ gặp cơn hen cấp tính nặng cao hơn khi người bệnh gián đoạn dùng thuốc kháng viêm (corticoid hít, xịt) do tâm lý chủ quan, thường bỏ thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc.

PGS Chu Thị Hạnh thăm khám cho bệnh nhân COPD nặng phải thở máy. Nguồn ảnh: BVĐK Tâm Anh

Giao mùa thu đông cũng là nỗi ám ảnh với người bệnh viêm mũi họng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng. Ghi nhận tại khoa Tai mũi họng BVĐK Tâm Anh Hà Nội từ đầu tháng 10, số ca bệnh mũi họng tăng 10-30%, bao gồm cả trẻ em, người lớn, trong đó nhiều ca tái phát viêm mũi dị ứng. PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai mũi họng, nhận định không khí khô hanh và phấn của các loại hoa nở rộ vào mùa thu như hoa sữa làm kích hoạt phản ứng dị ứng, gây hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, sưng đau hốc mũi. Triệu chứng thường kéo dài dai dẳng gây mệt mỏi, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

Theo PGS Kỳ, tâm lý người dân khi xử trí bệnh mũi họng còn chủ quan, thường tự điều trị tại nhà thay vì đi khám, dễ mắc một số sai lầm như lạm dụng kháng sinh, thuốc chống co mạch để điều trị ngạt mũi, lạm dụng súc miệng/rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tự ý ngưng thuốc khi thấy bệnh đỡ, nghe theo các bài thuốc truyền miệng không có cơ sở khoa học... Nhiều ca sau một thời gian điều trị sai cách, bệnh chuyển nặng mới đến bệnh viện, lúc này việc điều trị rất khó khăn, có thể không chữa khỏi hoàn toàn vì đã thành mạn tính.

Do đó PGS Kỳ khuyến cáo khi có dấu hiệu của viêm mũi họng cần đi khám, điều trị dứt điểm để ngăn tái đi tái lại. Hiện nay bệnh lý mũi họng có thể phát hiện chuẩn xác qua nội soi, chụp CT-scan...; điều trị dứt điểm bằng phác đồ nội khoa tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Đối với nhóm bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, COPD, PGS Hạnh cho biết kết hợp điều trị nội khoa, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng phổi là phác đồ "vàng" để ngăn bệnh tái phát hoặc trở nặng. Vật lý trị liệu bao gồm phương pháp tập hít thở, vỗ rung, vận động trị liệu làm sạch đường thở... giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng, thở dễ chịu hơn, giảm nguy cơ biến chứng khi thay đổi thời tiết.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, lịch tái khám, kết hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ đường hô hấp, tiêm các loại vaccine phòng cúm, phế cầu, ho gà, Covid-19... để phòng bệnh tái phát mùa lạnh. Những người không mắc bệnh cũng cần chú trọng bảo vệ sức khỏe hô hấp trong thời điểm này, bởi các yếu tố kích thích đường thở như không khí lạnh, phấn hoa, bụi khói, khí độc có thể là tác nhân khởi phát các bệnh hô hấp tiềm ẩn.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/nguoi-benh-ho-hap-tro-nang-vi-thoi-tiet-thay-doi-4527572.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke