Thursday, 21/11/2024

Lạ kỳ trường hợp xét nghiệm Covid-19 các nơi đều âm tính, chỉ BV Hồng Ngọc cho kết quả dương tính

16:34 04/03/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Khách phản ánh xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng xét nghiệm tại 2 bệnh viện khác lại cho kết quả âm tính. Đáng chú ý, bệnh viện nào cũng khẳng định kết quả của mình là... chính xác.

Khách phản ánh xét nghiệm Covid-19 nhưng mỗi nơi một kết quả

Ngày 1/3, trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn H. (ở Hà Nội) phản ánh về việc mẹ chồng chị bị bệnh cần được nhập viện và điều trị. Theo quy định của bệnh viện phải có phiếu xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 thì mới đủ điều kiện nhập viện.

Ngày 16/2, bố mẹ chị H. là ông Chế Ngọc Th. (SN 1963) và bà Phạm Thị Th. (SN 1969) làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, kết quả mẹ chị âm tính, bố dương tính chỉ số CT 30. 

Ngày 28/2, bố mẹ chị H. xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 với chỉ số CT 30. Ảnh chụp màn hình

Mẹ chị H. làm thủ tục nhập viện 1 mình không có người nhà, sau 4 ngày làm đủ xét nghiệm trong bệnh viện thì đến ngày chọc sinh tiết bị huỷ vì trên hệ thống là F1 của chồng bà nên bà phải xuất viện về quê cách ly đủ ngày rồi mới ra nhập viện lại. 

Trong quá trình cách ly ở quê, bố mẹ chị 3 ngày lên trạm y tế xã xét nghiệm nhanh 1 lần đều âm tính. Vì dương tính nên bố chồng chị H. cách ly tại nhà mình, tuy nhiên ông không hề có triệu chứng gì và xét nghiệm nhanh tại nhà luôn có kết quả âm tính. 

"Sau 10 ngày, để chắc chắn bố đã khỏi Covid-19 chưa, tôi gọi điện đến Bệnh viện Medlatec xét nghiệm PCR tại nhà thì có kết quả âm tính. Hôm qua, ngày 28/2, mẹ tôi ở quê ra, hai ông bà sang Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc xét nghiệm PCR lại để lấy giấy vào viện. Để cho chắc, lần này chị để 2 ông bà xét nghiệm riêng không đi cùng nhau. Kết quả 2 ông bà đều dương tính, chỉ số CT 30", chị H. kể lại.

Cùng ngày bố mẹ chị H. xét nghiệm tại Bệnh viện Medlatec cho kết quả âm tính. Ảnh chụp màn hình
Tương tự tại Bệnh viện Chữ Thập Xanh cũng cho kết quả âm tính. Ảnh chụp màn hình

Cảm thấy quá vô lý, vì mấy lần đều xét nghiệm dương tính ở các thời điểm, thời gian khác nhau nhưng đều chung chỉ số CT 30, chị H. đưa bố mẹ chồng đi xét nghiệm lại ở Bệnh viện Medlatec và gọi thêm 1 bên thứ 3 là Bệnh viện Chữ Thập Xanh đến xét nghiệm PCR tại nhà cùng ngày. Kết quả cả 2 ông bà ở 2 bệnh viện đều là âm tính với SARS-CoV-2. 

Chị Hồng đặt dấu hỏi kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và nghi ngờ có khi nào bố mẹ chị chưa từng mắc Covid-19 hay không? "Sau sự việc tôi có gọi điện lên số hotline trên phiếu xét nghiệm nhưng nhân viên trả lời là 'bên em trả kết quả chứ không liên quan bộ phận xét nghiệm'. 

Tôi có nhắn lên fanpage thì lại bảo gọi lên tổng đài. Sau tôi thấy không cần thiết phải gọi nữa vì mình cũng không cần bồi thường hay hoàn tiền gì cả. Tôi chia sẻ để mọi người tự đánh giá thôi", chị H. nói.

Qua việc này, chị H. mong muốn Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc lý giải rõ ràng, chính xác để tránh ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống.

Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, ngày 3/3, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cho hay, sau khi tiếp nhận thông tin đơn vị đã tiến hành xác minh làm rõ. 

Bệnh viện lý giải chỉ số CT là một giá trị trong xét nghiệm RT-PCR, tiêu chuẩn để phát hiện virus SARS-CoV-2. Giá trị CT trong xét nghiệm PCR đề cập đến chu kỳ mà virus SARS-CoV-2 bị phát hiện bởi tín hiệu khuếch đại huỳnh quang. Chu kỳ ghi nhận tín hiệu khuếch đại được xác định khi thực hiện xong quy trình xét nghiệm. 

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Mỹ Đình. Ảnh: BVCC

Do đó, xét nghiệm RT-PCR không chỉ cho kết quả dương tính hay âm tính mà còn cho biết một khoảng tương đối tải lượng virus có trong mẫu bệnh phẩm, chỉ số CT càng thấp nghĩa là tải lượng virus SARS-COV-2 càng cao. Ngược lại, chỉ số CT càng cao, tải lượng virus SARS-CoV-2 càng thấp. 

Đối với xét nghiệm định tính, mỗi phòng xét nghiệm khi thiết lập phương pháp sẽ phải đánh giá và xác định giá trị ngưỡng kỹ thuật của phương pháp sử dụng (gọi là CT ngưỡng hay Cut-off) tương ứng với giới hạn phát hiện của phương pháp. Như vậy, các phòng xét nghiệm sử dụng quy trình xét nghiệm khác nhau có thể có giá trị CT ngưỡng cũng khác nhau. 

"Hiện nay, quy trình xét nghiệm sàng lọc và khẳng định đối với virus SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc được xây dựng dựa trên quy trình xét nghiệm Realtime RT-PCR theo Charite Berlin – một trong những quy trình được WHO khuyến cáo được nêu trong Quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, bệnh viện sử dụng sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép và được WHO thẩm định, khuyến cáo. Theo quy trình Charite Berlin và hướng dẫn của nhà sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, các mẫu bệnh phẩm có chỉ số CT < 36 được biện luận kết quả là dương tính, điều này đồng nghĩa với việc phát hiện virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm tại thời điểm lấy mẫu", đại diện Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc nêu.

Bệnh viện này cho hay, theo một số nghiên cứu, với CT trên 30 thì các kit xét nghiệm khác nhau có thể cho kết quả không đồng nhất (âm tính giả hoặc dương không rõ ràng), do lúc này tải lượng virus thấp nên giá trị CT thay đổi phụ thuộc hóa chất và máy móc xét nghiệm, giá trị cut-off tại mỗi phòng xét nghiệm. 

Lý giải tại sao ở các thời điểm xét nghiệm đều cho chỉ số CT 30, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho rằng, trong giai đoạn mới chớm bệnh, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm có thể thấp dẫn đến CT cao, sau đó theo thời gian nồng độ virus có thể tăng lên và khi xét nghiệm chỉ số CT sẽ thấp. Một thời gian sau khi đến giai đoạn thoái chuyển bệnh (bệnh thuyên giảm) thì chỉ số CT lại tăng lên, có nghĩa là nồng độ virus đã giảm dần, dẫn đến việc tại các thời điểm lấy mẫu về sau cho ra kết quả với chỉ số CT gần giống với giai đọan mới chớm bệnh. 

Về vấn đề này, Bệnh viện Medlatec khẳng định và cam kết kết quả tại thời điểm khách hàng lấy mẫu và trên mẫu đó cho kết quả âm tính là chính xác. Hiện tại mẫu của khách hàng vẫn được lưu tại khoa xét nghiệm nếu cần làm rõ khi khách hàng yêu cầu. Khi trả kết quả xét nghiệm âm tính không có chỉ số CT.

"Kết quả chạy tại Medlatec, chúng tôi xin cam kết về mặt kết quả của mình tại thời điểm lấy mẫu. Khi bệnh viện kết luận âm tính khi phản ứng realtime PCR không có tín hiệu huỳnh quang của sản phẩm gen đích", đại diện Bệnh viện Medlatec thông tin.

Chị H. cũng chia sẻ: "Trong khi đó bố mẹ tôi xét nghiệm 2 bệnh viện khác đều âm tính. Trước tình huống trên tôi đã sử dụng phiếu kết qủa âm tính từ hai bệnh viện để gửi tới bệnh viện và mẹ tôi sau đó nhập viện điều trị bình thường",.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, chỉ số CT trên 30 không có khả năng lây nhiễm Covid-19. 

"Người nhiễm Covid-19 có chỉ số CT 14-15 là giai đoạn đỉnh. Sau đó chỉ số CT cao dần dần lên hết chu kỳ sẽ khỏi bệnh. Ngưỡng chỉ số 30 mỗi nơi xét nghiệm có thể xảy ra chênh lệch một chút. Điều quan trọng chúng ta cần phân biệt mới bị hay giai đoạn khỏi bệnh và dựa vào triệu chứng lâm sàng", ông Hải nêu.

 Đồng quan điểm trên, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, chỉ số CT trên 30 là dương tính yếu, không có khả năng lây nhiễm Covid-19. 

"Chính vì vậy xét nghiệm tại thời điểm khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Chỉ số CT trên 30 nồng độ virus thấp nên máy có thể hoặc không phát hiện được nên do vậy việc âm tính hay dương tính là điều bình thường. Thậm chí trong cùng bệnh viện thời điểm này lấy xét nghiệm âm tính, sau lấy kết quả lại âm dương tính yếu là chuyện thường. Tỉ lệ này không có khả năng lây nhiễm Covid-19", bác sĩ Thiệu nói. 

Theo Dân Việt

https://danviet.vn/la-ky-truong-hop-xet-nghiem-covid-19-cac-noi-deu-am-tinh-chi-bv-hong-ngoc-cho-ket-qua-duong-tinh-2022030316141041.htm

 

 

 

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke