Friday, 29/03/2024

Kinh nghiệm luyện tập của cụ ông 75 tuổi nhiều bệnh nền đi qua mùa dịch

11:39 26/08/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Ở tuổi 75, mắc đủ các bệnh nền từ bệnh mạch vành, bệnh tiểu đường, cao huyết áp nhưng TSKH Vũ Công Lập vẫn luôn duy trì nếp sống và rèn luyện tích cực, mỗi ngày đi bộ 10 cây số trong nhà.

LTS: Thời gian giãn cách xã hội là dịp để thay đổi lối sống, luyện tập tăng cường thể trạng sức khỏe.

TSKH- Đại tá Vũ Công Lập, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý y sinh thuộc Viện Khoa học và công nghệ quân sự (Bộ Quốc Phòng) đã chia sẻ bí quyết của mình trong việc gìn giữ sức khỏe thời dịch bệnh. Ông đồng thời còn là một nhà báo- nhà bình luận thể thao nổi tiếng.

Thêm một ngày đặc biệt. Lệnh phong tỏa được siết chặt. Thành phố tĩnh lặng một cách đáng ngạc nhiên.

Từ trên tầng 19 một căn hộ chung cư sát bờ sông Sài Gòn và có tầm nhìn thẳng về Quận 1, thấy đường phố vắng lặng đến không ngờ. Đã sống trong giãn cách từ hơn 80 ngày, cũng đến 6 tuần không bước chân ra khỏi cửa, nhưng không khí hôm nay vẫn thật khác lạ. Một cái tĩnh lặng hơi căng thẳng, lắm đợi chờ và nhiều quyết tâm.

TSKH Vũ Công Lập vẫn duy trì đều đặn thói quen đi bộ trong nhà đủ 10km mỗi ngày (ảnh: tác giả cung cấp)

Tôi thuộc nhóm người "yếu thế" trong cuộc chiến chống Covid-19 theo các tiêu chí phổ biến: người cao tuổi (75), lại có nhiều bệnh nền: mạch vành (đã nhồi máu cơ tim, đã phẫu thuật bắc đến 4 cầu), cao huyết áp và tiểu đường (từ 23 năm nay). Cho nên, quả thật cũng nhiều tâm trạng.

Nhưng lại có một lợi thế khác: đã quen với bệnh tật, lại liên tục chiến đấu với bệnh hiểm nghèo, nên hình như có chút "kinh nghiệm chiến trường". Mà kinh nghiệm lớn nhất là, ngay cả khi có bệnh, người ta vẫn có thể sống khỏe. Cả lần này nữa, chúng ta sẽ sống khỏe để đi qua mùa dịch, dù vất vả khó khăn, và dù những hoang mang vẫn đôi khi lẩn khuất. Mỗi người đều cố gắng, theo cách riêng của mình.

Tôi bị nhồi máu cơ tim năm 1993. Suốt 3 ngày đau đớn vật vã, sau rồi may mà tìm đúng nguyên nhân rồi được cứu chữa kịp thời ở Bệnh viện Quân y 175. Sau đó là thời gian khá bi quan, khi biết mạch vành của mình tổn thương nghiêm trọng và khá phức tạp, khiến nhiều phương pháp điều trị thông thường không thể ứng dụng. Các hoạt động bị hạn chế, nhiều vui thú phải kiêng khem. Đến năm 1998, phát hiện thêm bệnh tiểu đường. Mọi sự càng nặng nề.

Mãi cho đến năm 2004, sang Đức làm việc, gặp được bác sĩ chuyên về phục hồi chức năng tim mạch, mới biết với những bệnh nhân như tôi, có một phương pháp vừa điều trị, vừa dự phòng thứ cấp, lại vừa phục hồi chức năng, gọi là tập luyện trị liệu y học (MTT - Medical Training Therapy). Nói đơn giản là tập luyện thể thao theo đơn của bác sĩ.

Giống như uống thuốc theo đơn. Trong "đơn tập" của tôi, phần then chốt là luyện tập sức bền theo phương pháp phân đoạn, có thể thực hiện bằng đạp xe hay đi bộ. Không hiểu sao, đối với riêng tôi, đi bộ lại là thứ mà tôi rất thích. Có lẽ vì nó liên quan đến những ngày hành quân, những bữa tản cư, sơ tán từ hai cuộc kháng chiến trước đây. Đi bộ trong điều kiện tự nhiên, nó phóng khoáng, sinh động, và rất vui vẻ.

Đi bộ theo đơn được kiểm soát bởi nhiều tham số y học - thể dục thể thao, như tốc độ đi, tổng số quãng đường đi (liên quan đến năng lượng sinh ra), nhịp tim trong quá trình đi,... Phải vừa đảm bảo an toàn, lại vừa đủ thách thức để tạo ra đáp ứng tích cực của cơ thể.

Ở tuổi 75, nhiều bềnh nền nhưng TSKH Vũ Công Lập vẫn luôn mang sắc diện khỏe khoắn, thể thao (ảnh: tác giả cung cấp)

Với tôi, tốc độ đi phải đạt cỡ 5 - 6 km/giờ (cỡ 10 - 12 phút đi được 1 km), đi như thế là đi hơi nhanh rồi. Quãng đường đi trong một ngày là 10 km (tương ứng 16.000 - 17.000 bước). Và theo dõi để nhịp tim không vượt quá 115 - 120 lần/ phút. Đơn giản mà đánh giá, đi như vậy thì cả người phải dấp dính mồ hôi (nghĩa là có gắng sức), nhưng cũng không nên đổ mồ hôi ròng ròng như các vận động viên thực thụ.

Tháng 11/2019, vì các mạch vành bị đóng kín gần hết (từ 75% đến 100%) nên tôi phải mổ bắc cầu, làm 4 cầu mới để đủ máu nuôi cơ tim. Sau mổ 2 tháng, nhờ tập luyện tốt, tôi hoàn toàn phục hồi mức vận động bình thường.

Nhờ tập luyện như vậy, cuộc sống của tôi cũng giống như người mạnh khỏe, về thể chất và đặc biệt là về tinh thần. Nhìn bình thường theo cách tôi sống, làm việc và vui chơi, chẳng ai có ý nghĩ rằng tôi bị bệnh.

Các loại bệnh chứa đựng nguy cơ, được gọi là bệnh nền vào thời Covid-19, tôi mang đủ. Nhưng tôi quyết tâm để mình không trở thành mối nguy cơ, sự lo ngại của người thân, của xã hội trong cuộc chiến này, bằng cách giữ gìn sức khỏe, thực hiện tốt các khuyến cáo, quy định về phòng dịch và bằng cách tập thể dục; dùng sự kiên định, bền vững của mình chống lại sự biến báo đảo điên của con virus.

Như đã nói, tôi không mua một cái máy đi bộ, vì tôi muốn đi trong môi trường tự nhiên. Lúc đó, tôi không đi như một cái máy, mà đi với những quan sát, phản xạ, biến báo phù hợp. Nhất là tôi kết hợp bước đi với quá trình hô hấp, trong bầu không khí thoáng đãng.

Một là thở sâu, hít căng lồng ngực và thở ra thật mạnh để loại bỏ khí cặn trong phổi. Hai là tạo nhịp, nhịp thở phối hợp với nhịp bước chân, tạo ra sự hài hòa, đều đặn. Chỉ có điều, bây giờ phải đi trong nhà.

Tôi sống trong một căn hộ có 3 phòng ngủ. Chu vi khoảng trống chừng 60m. Như thế muốn đi được 10km là tôi phải đi hết hơn 160 vòng! Tôi tạo ra 3 đường đi: đi theo hình chữ nhật, đi theo hình số 8, và đi theo hình chữ T. Đoạn thẳng dài nhất tôi tính ra cỡ 11m, đoạn ngắn nhất chỉ 3m. Nghĩa là mỗi vòng đi phải đảo chiều nhiều lần, vừa tập phản xạ, vừa luyện thêm dẻo dai gân cốt.

Tác dụng đi bộ trong nhà có khi còn lớn hơn đi bộ ngoài phố (luôn đi trên đường thẳng). Khó khăn lớn nhất là tốc độ: giai đoạn đầu tôi đi 1km mất đến 16 phút, cố mãi thì cũng đến 12 - 13 phút. Như thế là thêm một tiêu chí thích nghi trong rèn luyện. Hệ cơ - thần kinh có thêm sự tiến bộ mới. Dù địa bàn chật hẹp, vẫn đủ 10km cho mỗi ngày, với các tiêu chí luyện tập đúng theo đơn bác sĩ. Mọi tham số được theo dõi trên đồng hồ đeo tay. Tập luyện y học là tập luyện có kiểm soát.

Một ngày chống dịch của tôi từ lâu đã là một ngày không ra khỏi cửa. Bắt đầu bằng bài tập thể dục buổi sáng 30 phút, 10 phút ở tư thế nằm trên giường, 10 phút sau ngồi trên ghế, sau cùng là 10 phút tập ở tư thế đứng trên sàn.

Với người có tuổi, chuyển tư thế - trạng thái cũng phải từ từ từng bước. Tiếp theo là 30 phút đi bộ. Trong ngày, thêm 2 lần đi bộ tập luyện, nghĩa là đi nhanh, khoảng thời gian 30-40 phút, xen giữa là các lần đi thong thả theo kiểu nghỉ ngơi nhẹ nhàng. Thế là đủ tiêu chí tập luyện cả ngày.

Khi mình đã tập đủ khối lượng huấn luyện của mình, thì sức khỏe sẽ được duy trì. Đó là nền tảng cơ bản để chống dịch.

Cuộc đời vốn là những bước đi: đi làm, đi học, đi ăn, đi chơi, đi ngủ, đi tập thể dục,... Và bây giờ, sẽ là chuyến đi qua mùa dịch khốc liệt này.

TSKH- Đại tá Vũ Công Lập (Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý y sinh thuộc Viện Khoa học và công nghệ quân sự (Bộ Quốc Phòng)

Theo Vietnamnet

https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/kinh-nghiem-luyen-tap-cua-cu-ong-75-tuoi-nhieu-benh-nen-di-qua-mua-dich-covid-19-769018.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke