Hóa chất trong bao bì thực phẩm ăn liền có thể gây hại hệ miễn dịch
11:27 08/05/2021
Nhóm Công tác Môi trường (EWG), một tổ chức sức khỏe phi lợi nhuận cho biết, các loại hóa chất dùng trong thực phẩm ăn liền có thể gây hại cho hệ miễn dịch.
Thực phẩm ăn liền tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại
Thực phẩm ăn liền rất được ưu chuộng trong cuộc sống hiện đại nhờ tính tiện lợi, ngon miệng. Tuy nhiên, các sản phẩm này được thêm một số chất bảo quản để thực phẩm giữ mùi vị lâu.
Sự lạm dụng hóa chất trong chế biến và bảo quản thực phẩm tiêu dùng của người dân đã đến độ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 35% số nạn nhân thế giới mắc bệnh ung thư liên quan đến yếu tố thực phẩm và cung cách ăn uống thường ngày.
Các tác giả nghiên cứu từ Nhóm Công tác Môi trường (EWG)- một tổ chức sức khỏe phi lợi nhuận mới đây cho biết, các hóa chất gồm chất bảo quản tert-butylhydroquinone (TBHQ) có trong các loại đồ ăn vặt như Kellogg’s Pop-Tarts, Cheez-Its cũng như hơn 1.000 loại thực phẩm khác; và các chất per-, polyfluoroalkyl (PFAS), là một nhóm hóa chất có trong bao bì có thể ngấm vào thực phẩm.
Nghiên cứu được công bố trước đó trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng cho thấy những hóa chất trong các loại thực phẩm chế biến sẵn này có ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật.
Tiến sĩ Kenneth Spaeth, chuyên gia về môi trường và nghiệp vụ y khoa tại tổ chức Northwell Health ở Great Neck, New York, người không tham gia vào nhóm nghiên cứu, bình luận rằng “những phát hiện này đã đủ để dấy lên mối quan ngại của chúng ta”.
Tiến sĩ Spaeth trả lời trên tờ Live Science: “Các sản phẩm mà nhóm tác giả đã nghiên cứu đều là sản phẩm thực phẩm rất phổ biến, được sử dụng rộng rãi. Đây là điều đáng chú ý, bởi vì nguy cơ càng ăn nhiều những đồ ăn có chứa những chất hóa học này sẽ càng có hại”.
Trước đây đã có một số vấn đề về an toàn sức khỏe do các chất trong thực phẩm chế biến sẵn và phụ gia thực phẩm gây ra. Một số hóa chất có sẵn trong thực phẩm vì nhà sản xuất đã trực tiếp thêm vào, còn một số chất có trong thực phẩm là do sự phân hủy của các hóa chất khác, một số chất như PFAS, có thể nhiễm vào thực phẩm qua bao bì.
"Vì những lý do đó, điều quan trọng là chúng ta phải đảm bảo các sản phẩm đang sử dụng và thực phẩm chúng ta đang ăn cần được kiểm tra, đánh giá tất cả mối nguy hại tiềm ẩn mà chúng có thể gây ra. Các nghiên cứu như này là một phương tiện giúp ta theo dõi”, Kenneth Spaeth nói.
Các tác giả nghiên cứu cho biết cần ưu tiên thử nghiệm các hóa chất này và tác động có khả năng gây hại của chúng và họ kêu gọi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét các nghiên cứu khoa học mới nhất về TBHQ và các phụ gia thực phẩm khác.
Lưu ý khi sử dụng thực phẩm ăn liền để đảm bảo an toàn
Theo khuyến cáo của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội), các thực phẩm ăn liền thường không giữ được hàm lượng dinh dưỡng nguyên vẹn. Tuy nhiên người tiêu dùng hoàn toàn có thể sử dụng thực phẩm ăn liền an toàn chứ không cần loại bỏ bằng cách:
Lưu ý tới thành phần dinh dưỡng
Người sử dụng cần xem kỹ bảng thành phần để tìm ra thực phẩm ăn liền phù hợp với nhu cầu. Có thể chia thành 4 nhóm: giàu protein (cá, thịt hộp); giàu tinh bột (mì ăn liền); chất béo cao (bơ sữa); giàu vitamin và chất xơ (rau củ sấy).
Hầu hết sản phẩm ăn liền đáng tin cậy sẽ ghi rõ bảng thành phần với hàm lượng dinh dưỡng chi tiết. Bạn có thể xem kỹ thông tin này và chế biến bữa ăn phù hợp. Trên thực tế, không có loại thực phẩm nào cân bằng hàm lượng dinh dưỡng. Vì vậy, cần cân nhắc và kết hợp để không bị thiếu chất.
Lưu ý tới chất phụ gia
Nhà sản xuất uy tín sẽ công bố rõ các chất phụ gia lên bao bì. Các chất này sẽ được ghi rõ tên, công dụng và mã số quốc tế INS. Trước khi đưa ra danh mục này, các sản phẩm đã được kiểm nghiệm độ an toàn và ngưỡng sử dụng phù hợp.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng quy định danh mục các chất phụ gia thực phẩm. Bên cạnh đó, ứng với từng loại thực phẩm còn có những bộ tiêu chuẩn riêng biệt. Ví dụ như mì ăn liền đã được Ban kỹ thuật Codex quốc tế thiết lập tiêu chuẩn CODEX STAN 249-2006, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam ban hành TCVN 7879:2008.
Lưu ý tới thời hạn sử dụng
Đây là yếu tố cơ bản nhất để sử dụng thực phẩm ăn liền an toàn. Khi hết hạn sử dụng, sản phẩm sẽ giảm mùi vị và ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn nên sử dụng trước khi hết thời hạn và bảo quản theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sản phẩm có độ ẩm thấp thì cần để nơi thoáng mát, giữ nguyên bao bì. Sản phẩm có độ ẩm cao thì bảo quản trong tủ mát, đậy kín.
Lưu ý tới nhà sản xuất
Ngoài ra, cần chọn những nhà sản xuất uy tín. Hãy mua những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, nơi buôn bán tin cậy. Nên kiểm tra nhãn mác như tên sản phẩm, mẫu bao bì, nét chữ, kích thước… Dùng các giác quan quan sát sản phẩm để đảm bảo tình trạng sử dụng còn nguyên vẹn.