Vài năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy, chất gây nghiện thế hệ mới. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, những chất độc hại này thường 'núp bóng' dưới dạng các loại bánh, kẹo.
Tại Hội nghị trực tuyến "Tập huấn kỹ năng nhận biết một số chất ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại cộng đồng" do Hội LHPN TP Hà Nội vừa tổ chức, thiếu tá Ngô Quốc Khánh, báo cáo viên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội), cho biết, các đối tượng mua bán ma túy đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ các bạn trẻ sử dụng ma túy.
Một trong những thủ đoạn đó là tẩm cần sa vào các loại bánh, kẹo. Các loại kẹo mút cần sa xuất hiện trên mạng xã hội và được quảng cáo là "đồ ăn lạ", giá 35.000-50.000 đồng/que. Chocolate chứa tinh dầu, hạt cần sa có giá trung bình khoảng 350.000 đồng/hộp. Các sản phẩm chủ yếu là hàng từ nước ngoài, được một số đối tượng du học sinh mang về Việt Nam và rao bán.
Viện Nghiên cứu người sử dụng ma túy cho biết, trong số các loại bánh chứa cần sa hiện có trên thị trường, có loại tên là "bánh lười". Bánh này đã theo chân các du học sinh vào Việt Nam. Theo quảng cáo, bánh có vị chocolate và nho khô, dễ ăn, có tẩm cần sa, có khả năng làm người sử dụng chỉ thích ngủ hoặc nằm một chỗ... cười.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cũng từng phát hiện và bắt giữ đối tượng trẻ thường xuyên đi nước ngoài để học cách làm bánh cần sa. Sau đó, các đối tượng tự mua cần sa khô qua mạng xã hội, tách chiết tinh dầu cần sa trộn với các nguyên liệu (bơ, bột mì, trứng, chocolate, hương liệu...) để làm bánh, rao bán qua mạng. Đối tượng mua bánh chủ yếu là các sinh viên. Các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn trong việc mua, bán bánh chứa cần sa nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng như gửi hàng qua shipper, người mua phải tham gia làm thành viên nhóm, hội kín trên mạng hoặc có người quen giới thiệu mới mua được.
Tác hại khôn lường
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho biết, cần sa là loại ma túy được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa có tên là Cannabis Sativa. Loại ma túy này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà... Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với liều dùng nhỏ, ảnh hưởng của cần sa có thể kéo dài trong vòng 5 giờ đồng hồ và người sử dụng có thể cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái một cách lạ thường. Nhưng mặt khác, nó khiến người sử dụng giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém, khó tập trung, nhịp tim nhanh hơn, mất tập trung vào công việc khác. Những ảnh hưởng này thường làm người sử dụng cảm thấy mọi thứ đều chậm chạp và có cảm giác buồn ngủ. Tiến sỹ Hùng cho biết, trước đó, ông từng điều trị cho một nam sinh là Việt kiều Canada bị nghiện cần sa do thường xuyên ăn bánh, kẹo chứa cần sa.
Khó kiểm soát?
Chị Hương Nhung, một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về các sản phẩm ma túy kiểu mới, chia sẻ do giá rẻ, thành phần ma túy trong tinh dầu và hạt cần sa thấp, nên một số mẫu kẹo mút cần sa được phụ huynh đem đến thử tại Viện Khoa học hình sự lại không tìm thấy ma túy, hoặc thấy thì ở hàm lượng rất nhỏ.
Ngoài ra, với các sản phẩm bánh, kẹo kể trên, chị Hương Nhung chia sẻ, do những người sản xuất ma túy luôn theo dõi danh mục chất ma túy bị cấm sử dụng ở Việt Nam và bổ sung chất ngoài danh mục này, nên có những trường hợp bánh, kẹo, thuốc lá, sợi thảo mộc có tẩm ma túy nhưng cơ quan chức năng mang giám định lại có kết quả âm tính, tức không chứa ma túy.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhận định, ngoài việc lợi dụng mạng xã hội để rao bán chất ma túy, các đối tượng còn lợi dụng xe ôm công nghệ để vận chuyển ma túy. Họ sử dụng sim rác để giao dịch và thường xuyên thay đổi địa điểm giao nhận hàng; khi giao hàng lái xe ôm công nghệ sẽ ứng tiền trước để trả, sau đó mới thu tiền hàng và tiền cước của khách. Điều này gây không ít khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
Theo các chuyên gia, tình trạng giới trẻ sử dụng ma túy, chất gây nghiện đã liên tục được báo chí cảnh báo, xã hội lên án. Thế nhưng việc người sử dụng ngày càng trẻ hóa đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cảnh báo về hậu quả của việc sử dụng ma túy và các chất gây nghiện thế hệ mới, các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và toàn xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ trong giáo dục giới trẻ; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi mua bán các chất gây nghiện.