Quan niệm uống nhiều nước trong ngày để giảm cân chưa có cơ sở khoa học, vì nước không giúp đốt calo, cũng không làm mọi người no lâu hơn, theo chuyên gia.
Nhiều người cho rằng một trong những cách giảm cân hiệu quả là uống thật nhiều nước mỗi ngày. Trên các trang mạng, người ta thậm chí truyền tai nhau tuyên bố uống khoảng 4,5 l nước sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, đốt cháy calo, từ đó dẫn đến giảm cân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đây là nhận định sai sự thật.
Tiến sĩ Duane Mellor, Trưởng khoa Y học và Dinh dưỡng Trường Y Aston, Đại học Aston, Anh, cho biết nước không giúp đốt calo. Lầm tưởng này vốn xuất phát từ một nghiên cứu nhỏ trên 14 thanh niên. Trong đó, các nhà khoa học chỉ ra rằng uống 500 ml làm tăng mức tiêu hao năng lượng nghỉ ngơi (lượng calo mà cơ thể đốt cháy trước khi tập thể dục) lên khoảng 24%.
Tuy nhiên, trạng thái này chỉ kéo dài một giờ, không tạo ra quá nhiều sự khác biệt và không dẫn đến giảm cân. Đối với một người trưởng thành, nặng trung bình 70 kg, việc tiêu hao thêm khoảng 20 calo (tương đương mỗi 500 ml nước uống vào) chỉ ngang với việc nhịn ăn một phần tư chiếc bánh quy.
Nghiên cứu khác, trên 8 thanh niên cho thấy mức tiêu hao năng lượng tăng lên khi uống nước lạnh, song con số khiêm tốn, chỉ 4%. Điều này xảy ra do cơ thể cần sử dụng thêm năng lượng để làm ấm nước về 37 độ C, đồng thời lọc lượng chất lỏng tăng lên qua thận. Hiệu ứng này cũng chỉ kéo dài khoảng một giờ.
Tiến sĩ Mellor nhận định về mặt lý thuyết, uống nước có thể làm giảm calo, song với lượng rất nhỏ. "Ngay cả khi bạn uống thêm 1,5 l nước mỗi ngày, lượng calo tiêu hao chỉ bằng một lát bánh mì", ông nói.
Bên cạnh đó, cả hai nghiên cứu đều được thực hiện trên những người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều phân tích để thấy hiệu ứng giảm calo có xảy ra ở độ tuổi khác hay không.
Tuyên bố sai lầm khác là nước làm giảm cảm giác thèm ăn. Nhiều người cho rằng nước chiếm nhiều chỗ trong dạ dày, giúp mọi người có cảm giác no hơn, từ đó ăn ít hơn ở các bữa chính.
Các nghiên cứu ở người trung niên và lớn tuổi ủng hộ giả thuyết này. Đây cũng là lý do bác sĩ thường khuyến nghị người ốm, biếng ăn không uống rượu trước khi ăn.
Tuy nhiên, đối với những người cần giảm cân, nguyên lý không đơn giản như vậy. Một nghiên cứu cho thấy người trung niên và cao tuổi giảm 2 kg trong khoảng 12 tuần nếu uống nước trước bữa ăn. Trong khi đó, ở người trẻ hơn (21-35 tuổi), cân nặng không đổi, dù họ có uống nước trước bữa ăn hay không.
Dù vậy, các nhà khoa học không thực hiện phương pháp mù đôi (tức là người tham gia không được biết các thông tin về nghiên cứu). Điều này có thể khiến tình nguyện viên nhận thức được lý do họ cần uống nước trước bữa ăn. Từ đó, họ cố tình hoặc vô thức thay đổi thực đơn, hy vọng có thể thay đổi cân nặng.
Thách thức khác đối với các nghiên cứu kiểu này là nó chỉ tập trung vào lượng thức ăn mỗi bữa của tình nguyện viên. Các nhà khoa học chưa thể đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy giảm cảm giác thèm ăn có thể dẫn đến việc giảm cân theo thời gian.
Theo tiến sĩ Mellor, nước có thể giảm cảm giác thèm ăn trong ngắn hạn, nhưng không giúp giảm cân.
Các nhà khoa học nhận định những người muốn điều chỉnh cân nặng nên chú ý vào chế độ ăn uống và tập luyện nói chung, thay vì phụ thuộc vào thói quen uống nước. Một số bằng chứng cho thấy khi được trộn với các chất khác, chẳng hạn chất xơ, súp hoặc nước rau quả, nước có thể làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày.