Uống trà gừng, ăn nhiều rau xanh, trái cây sai cách không giúp chữa cảm lạnh mà còn khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
Vào mùa thu đông, thời tiết thay đổi, nhiều người bị cảm lạnh và uống trà gừng, ăn cháo tía tô gừng, bổ sung nhiều rau củ, trái cây... Tuy nhiên, theo bác sĩ Wu Kuo-Pin, Giám đốc Phòng khám Xinyitang, Đài Loan (Trung Quốc), việc này có thể gây phản tác dụng nếu không sử dụng đúng phương pháp.
Mặt khác, các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều năm để xác định hiệu quả của một số biện pháp trên, trong đó có tần suất sử dụng hợp lý và công thức nào cho kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu thường ở quy mô nhỏ hoặc không hoạt động hiệu quả, do đó giới khoa học chưa thể kiểm chứng tác dụng thực sự. Trong trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng như xuất hiện khó thở, sốt cao không dứt, hoặc nếu không thấy bất kỳ sự cải thiện nào sau hơn một tuần, bạn nên tìm kiếm trợ giúp y tế.
Uống trà gừng thế nào đúng cách
Theo một đánh giá từ Đại học Khoa học Y tế Tabriz, gừng có thể ngăn ngừa cảm lạnh, làm dịu cơn đau họng, giảm tắc nghẽn và giảm viêm. Việc uống trà gừng ấm khi bị cảm lạnh vốn dĩ được xem là cách nhanh chóng để giảm triệu chứng và tình trạng bệnh. Tuy nhiên, người cảm lạnh phải biết uống trà gừng đúng thời điểm. Bác sĩ Wu kể rằng một người bạn của mình đã pha một ấm trà gừng để uống khi dính cảm và sau đó bị đau họng. Điều đó chứng tỏ gió và lạnh đã xâm nhập sâu vào cơ thể, gây sưng viêm, chuyển thành nhiệt gây bệnh.
Vì vậy, theo bác sĩ Wu, nên uống trà gừng khi các triệu chứng cảm lạnh ở giai đoạn ban đầu để tăng nhiệt cho cơ thể, xua tan cảm giác lạnh và làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, khi cổ họng bị đau và bắt đầu ho, không nên uống trà gừng, cần tìm kiếm các liệu pháp điều trị khác.
Tránh trái cây, rau sống và nước lạnh
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, vitamin C có thể được tìm thấy trong trái cây và rau quả, uống vitamin C hàng ngày có thể ngăn ngừa cảm lạnh. Nhiều người cũng tin rằng ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ tốt cho việc chữa cảm. Tuy nhiên, vitamin C không có nhiều tác dụng nếu bạn đã có các triệu chứng dính cảm. Bác sĩ Wu cho biết thêm rằng ăn trái cây khi bị cảm lạnh có thể sẽ gây ra tình trạng ho dai dẳng. Bên cạnh đó, theo Zhang Zhongjing, một lương y nổi tiếng thời Đông Hán Trung Quốc, bệnh nhân nên tránh thức ăn lạnh, cay và khó tiêu khi bị cảm.
Ngoài ra, bác sĩ Wu cũng cho biết, trong quan niệm giữ gìn sức khỏe của người phương Đông, khi bị cảm, chức năng tiêu hóa của người bệnh sẽ không tốt, dễ bị đầy hơi, không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng. Khi uống nước lạnh hoặc ăn thức ăn lạnh, dạ dày phải tiêu hao năng lượng dương để làm nóng lên trước khi tiêu hóa, điều này làm tăng gánh nặng cho dạ dày và không tốt cho quá trình phục hồi của cơ thể.
Để chữa cảm lạnh, bác sĩ Wu khuyên người bệnh nên giữ ấm cho bản thân. Bệnh nhân nên mặc thêm quần áo, trang bị khăn tất đầy đủ; không tắm nơi thoáng gió; bổ sung năng lượng dương..., từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Các bác sĩ cũng khuyên biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh cúm là tiêm phòng hàng năm. Cảm cúm, cảm lạnh và hầu hết bệnh đường hô hấp trên đều do virus gây ra, do đó, bạn không dùng kháng sinh, do kháng sinh chỉ được điều trị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
Thuốc kháng virus cúm như Tamiflu thường được chỉ định cho người có nguy cơ xuất hiện biến chứng nặng, chẳng hạn thai phụ, người già hoặc suy giảm miễn dịch, dùng càng sớm càng tốt trong 2-5 ngày đầu nhiễm bệnh. Đối với những người khác, bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi và quan sát triệu chứng.