Chuyên gia cảnh báo tình trạng F0 không tắm gội vì tin lời đồn cho rằng việc này khiến bệnh thêm nặng.
Mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng khi đang mắc COVID-19 hoặc khi vừa khỏi bệnh không nên tắm gội, bởi việc này có thể làm giảm oxy máu, phải vào viện thở oxy. Thông tin khiến nhiều người hoang mang và làm theo mà không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học nào.
Tâm lý sợ tắm gội
Đang gội đầu trong salon tóc cho khách, chị Nhữ Huyền Trang (41 tuổi) thành phố Thái Nguyên, giật mình bởi tiếng nói thất thanh của người phụ nữ chừng 50 tuổi: "Cháu gội đầu cho cô đi, cô ngứa lắm". Vì nguyên tắc của quán là xếp hàng theo thứ tự nên chị Trang từ tốn nhắc khách chờ thêm 30 phút. Dù vậy, vị khách vẫn nài nỉ: "Ưu tiên cho cô gội trước, 15 ngày cô không gội đầu rồi". Câu nói không qua to nhưng đủ khiến mọi ánh mắt hướng về vị khách đó.
Hóa ra người này là F0 đã khỏi bệnh. Sau 7 ngày điều trị tại nhà, test một vạch âm tính nhưng để yên tâm hơn chị vẫn quyết định kiêng nước thêm 8 ngày. Chị theo quan niệm xưa, mỗi khi ốm phải kiêng tắm để tránh bị bệnh lại. "Mọi người nói virus này rất ưa lạnh, có trường hợp phải nhập viện sau khi tắm nên tôi sợ lắm, thà ở bẩn còn hơn chết", chị nói.
Gỡ mái tóc bết chặt, cảm tưởng như vừa rầm mưa, gàu bám chi chít từng mảng khiến cô chủ salon tóc không khỏi ghê tay. "12 năm làm nghề chưa bao giờ tôi gặp trường hợp lạ như vậy", chủ salon tóc nói.
Thanh Tâm (26 tuổi) quê Lào Cai 5 ngày nay cũng không dám tắm gội. Khi bạn trai gọi điện hỏi thăm yêu cầu bật video, Tâm đáp: "Điện thoại em bị hỏng cam rồi". Bạn cùng phòng Tâm nghe vậy cười khúc khích, nói: "Chứ không phải do tóc bết vì 5 ngày nay không tắm gội hả”.
Tâm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 28/2. Hai ngày đầu, Tâm vẫn sinh hoạt tắm rửa bình thường cho đến khi lướt mạng xã hội đọc được thông tin một người đàn ông F0 bệnh chuyển nặng phải nhập viện sau khi tắm.
"Nhà mình ai bị F0 tuyệt đối không tắm gội, hoặc chủ quan đi ra ngoài gió nhé. Người quen của M. vừa chia sẻ như thế này: họ đã âm tính sau 7 ngày nên nghĩ là ổn mới đi tắm, sau tắm bị sốt cao, oxy máu giảm phải vào viện thở oxy, hiện vẫn chưa ổn. Vào đó mới thấy nhiều người cũng tưởng khỏi rồi nên đi tắm gội. Tóm lại chịu khó bẩn còn hơn nguy hiểm tính mạng", là những dòng chia sẻ trên mạng mà Tâm đọc được.
Từ đó, để đảm bảo an toàn từ hôm đó Tâm không dám tắm nữa, chỉ vệ sinh cá nhân và lau qua người bằng nước ấm. Tính đến nay đã 5 ngày cô không tắm gội. Mái tóc bết cứng phải buộc lại. Tâm thừa nhận khó ngủ khi không tắm gội.
"F0 không tắm là sai lầm"
Theo BS Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quan niệm bệnh nhân COVID-19 kiêng tắm là sai lầm. Ngược lại, F0 càng cần tắm để giữ cơ thể sạch sẽ, khỏe mạnh.
“Nói F0 tắm bệnh sẽ nặng lên là không có cơ sở. Bệnh nhân mắc COVID-19 cần giữ cơ thể luôn sạch sẽ, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi, tập luyện khoa học để có nền tảng cơ thể khỏe mạnh, từ đó nhanh chiến thắng bệnh tật”, BS Tiến nói.
Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thông tin, bản thân đang mắc bệnh mà không tắm sẽ gây mất vệ sinh, ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí mất ngủ. Tình trạng này kéo dài ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt khiến bệnh càng nặng thêm.
Theo các chuyên gia, tắm rửa giúp da cơ thể luôn thông thoáng, thoải mái, cải thiện lưu thông máu và cải thiện tinh thần. Vì vậy, không chỉ người khỏe mạnh mà các bệnh nhân COVID-19 vẫn cần tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ.
Người bệnh nên tắm cách ngày một lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm trong 5 - 10 phút, giúp sảng khoái, hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe.
Ngoài ra, người bệnh khi tắm cần lưu ý cần tắm nơi kín gió, tắm bằng nước ấm, tránh sử dụng nước lạnh. Sau tắm, người bệnh nên lau người thật khô kết hợp với sấy tóc nếu vừa gội đầu.
Đặc biệt, chuyên gia cũng lưu ý, F0 không nên tắm khi đang sốt, và chỉ tắm trong khoảng thời gian từ sáng sớm hoặc buổi chiều, tránh tắm đêm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.