Thursday, 21/11/2024

Đừng chủ quan với triệu chứng sốt

12:08 03/08/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Các bác sĩ đã cảnh báo tình trạng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng nhầm lẫn đó là do phản ứng phụ sau khi tiêm phòng Covid-19

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết các triệu chứng của sốt xuất huyết rất giống với triệu trứng mắc Covid-19 hoặc phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19 là sốt, đau mỏi cơ.

Rất dễ nhầm lẫn

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, mới đây BV Bạch Mai tiếp nhận một nam bệnh nhân 37 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng sốt, mệt mỏi, đau cơ. Bệnh nhân cho biết trước đó anh được tiêm vắc-xin Covid-19. Sau tiêm, anh thấy sốt, mệt mỏi, đau cơ. Cứ tưởng đó là các phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vắc-xin nên bệnh nhân tự theo dõi tại nhà. Đến ngày thứ 3, anh này hết sốt và xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi...

PGS-TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai

Tại BV Bạch Mai, kết quả xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết: truyền dịch, hạ sốt, truyền tiểu cầu... Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết các triệu chứng của sốt xuất huyết, của bệnh nhân Covid-19 hoặc phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin có điểm giống nhau là sốt, đau mỏi cơ. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Sốt xuất huyết sẽ sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, da xung huyết, mắt đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có thể nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Với bệnh nhân mắc Covid-19 thì có các biểu hiện viêm đường hô hấp như: ho, khó thở, ngạt mũi, nặng thì có thể viêm phổi và suy hô hấp.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ. "Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc" - PGS-TS Đỗ Duy Cường nói.

Không tự ý dùng kháng sinh

Theo giới chuyên môn, virus gây bệnh Covid-19, bệnh cúm (A, B) hay cảm lạnh đều có nhiều triệu chứng khác nhau song có chung triệu chứng sốt, đau đầu, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi..., vì thế không ít người đã tưởng rằng mình mắc cúm trong khi thực tế họ đã nhiễm SARS-CoV-2.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện chùm ca bệnh trong cộng đồng với số lượng ca mắc tăng cao, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế xét nghiệm Covid-19 cho người bệnh trước khi nhập viện điều trị.

Cũng theo các bác sĩ, do ngại đến bệnh viện khám trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp khi thấy ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng, thậm chí là dị ứng thời tiết hoặc khói bụi... đã tự ý dùng kháng sinh. Trong khi đó, thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả đối với virus. Thậm chí, một số người dùng các loại kháng sinh mạnh, kháng sinh thế hệ mới với các bệnh thông thường không chỉ gây lãng phí mà còn làm tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc. "Không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, loại thuốc này tốt nhất chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ" - PGS-TS Đỗ Duy Cường lưu ý.

Trong thời gian bị bệnh, cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, ăn trái cây chứa các vitamin. Thường xuyên súc họng bằng nước muối, luyện tập thể dục, vận động cơ thể phù hợp để tăng cường thể lực và bảo vệ sức khỏe. Đồng thời làm vệ sinh nhà cửa, sát khuẩn các bề mặt bàn ghế, sàn nhà, tay nắm cửa, thành cầu thang, mở cửa sổ mỗi ngày để ánh nắng vào nhà. Thực hiện nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cần tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo lịch để tăng sức đề kháng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trong tủ thuốc của các gia đình nên trữ sẵn thuốc hạ sốt, giảm đau chứa paracetamol, vitamin C, thuốc bổ đa sinh tố và gói bù dịch bằng đường uống. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/suc-khoe/dung-chu-quan-voi-trieu-chung-sot-20210728195620575.htm

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke