Dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do còn nhiều rào cản
15:57 26/04/2021
Để tăng tốc độ phát triển điện gió, việc phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch làm tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Tại Hội thảo về phát triển điện gió tại Việt Nam do Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Đan Mạch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức phối hợp tổ chức ngày 7/6, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800 MW và đến năm 2030 đạt 6.000 MW. Nhưng đến nay, việc phát triển các nguồn điện gió đang triển khai rất chậm, mới có 7 dự án với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), các dự án điện gió tại Việt Nam phát triển chậm do vẫn còn nhiều rào cản cùng nhiều khó khăn như quá trình sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng…
Đặc biệt, hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới.
Do đó, theo ông Thành, Bộ Công Thương mong muốn được lắng nghe chia sẻ từ phía các Tập đoàn, Tổng công ty, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo về kinh nghiệm khai thác các tiềm năng năng lượng gió, mặt trời trên các vùng địa hình, khí hậu khác nhau; kinh nghiệm trong việc tích hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống điện…
Ông Thành cũng cho hay, Bộ Công Thương cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Đức, Chính phủ Đan Mạch và các tổ chức quốc tế trong kế hoạch phát triển ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực năng lượng tái tạo nói riêng của Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC), để giải quyết một số rào cản chính và phát huy hết tiềm năng gió dồi dào của Việt Nam, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn để thúc đẩy tiến trình phát triển điện gió.
Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC cho biết, GWEC mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại. Bởi năng lượng gió là nguồn năng lượng sạch, có giá phải chăng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm.
“Hiệp hội GWEC sẵn sàng tạo điều kiện và trợ giúp để ngành điện gió Việt Nam phát triển hơn nữa. Để làm được điều này, Việt Nam cần thành lập Hiệp hội Điện gió Quốc gia có năng lực, và ngành điện gió trong nước đủ mạnh để đảm bảo Việt Nam có thể thu hút được lợi ích tối đa từ nguồn tài nguyên gió dồi dào”, ông Steve Sawyer khẳng định.
Đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức cũng khuyến cáo, để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, triển khai các dự án điện gió, Việt Nam tiếp tục chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió, được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận; quy trình phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể, nhằm giảm tính bất trắc và tăng niềm tin của thị trường cũng như nhà đầu tư./.