Gió lạnh từ quạt hay máy điều hòa thổi thẳng vào người khi ngủ có thể gây nhức mỏi, cảm cúm, viêm họng mạn tính, khô da, liệt mặt...
Ngày 23/8, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Cơ sở 3, cho biết nghiêm trọng nhất là các bệnh thần kinh như liệt nửa mặt ngoại biên (liệt dây thần kinh số 7), thậm chí đột quỵ. Thực tế nhiều trẻ em, thanh niên, người lớn tuổi phải nhập viện điều trị các bệnh này và bệnh đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm thanh quản, phế quản...
Sử dụng máy lạnh thường xuyên, kéo dài và độ lạnh càng sâu thì độ ẩm càng giảm, khiến da và niêm mạc đường hô hấp trở nên khô, giảm sức đề kháng với mầm bệnh và dễ bị kích ứng. Nhiệt độ lạnh kéo dài cũng sẽ gây ra các bệnh lý cơ xương khớp, như đau cổ vai gáy, đau nhức khớp xương, đau lưng... Môi trường lạnh khiến các cơ co cứng, mạch máu co thắt, dẫn đến lượng máu nuôi dưỡng cơ khớp suy giảm, nhất là ở các vùng nhạy cảm như đầu, mặt, cổ, gáy.
Bạn cũng có thể mắc các bệnh về da như da mất nước, khô ráp, dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt do độ ẩm trong phòng thấp.
Ngoài ra, dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp suốt đêm khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm đủ lượng máu và oxy đến các cơ quan. Lúc này hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim phải hoạt động nhiều hơn - tương đương với lúc cơ thể vận động mạnh. Cơ thể bị lạnh khiến các mạch máu co lại, làm giảm lượng máu đến các cơ do phải tập trung cho các cơ quan nội tạng quan trọng khác. Khi đó cơ bị thiếu oxy và dinh dưỡng nên bị co rút, gây nhức mỏi.
Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa nhiệt độ phòng và bên ngoài còn có thể dẫn đến sốc nhiệt. Người già, trẻ em, phụ nữ có thai, sức đề kháng yếu, cơ thể chậm thích nghi sẽ dễ bị bệnh hơn người trẻ tuổi và khỏe mạnh.
Để tránh mắc bệnh khi dùng thiết bị làm mát, bác sĩ Vũ khuyến cáo không nên để quạt, điều hòa thổi trực tiếp vào người, nhất là vùng đầu mặt gáy. Ví dụ, không nên nằm quá gần hoặc trực tiếp luồng gió thổi ra từ máy lạnh hoặc quạt vì luồng gió này lạnh hơn bình thường. Vị trí lắp thiết bị trong phòng ngủ tốt nhất là bên phải hoặc trái cửa ra vào, tránh những vị trí hơi điều hòa thổi trực tiếp vào giường ngủ. Nên đặt chế độ đảo gió cho điều hòa và quạt để không khí được lưu thông đều khắp phòng, nhiệt độ trong phòng cũng đồng đều hơn.
Nhiệt độ phòng duy trì 26-28 độ C và không chênh lệch với bên ngoài quá 5 độ C là hợp lý nhất. Như vậy, tránh được tình huống sốc nhiệt khi người dùng thay đổi môi trường đột ngột. Cùng với đó, nếu ngủ trong phòng máy lạnh xuyên đêm, bác sĩ khuyến cáo khi thức dậy nên tắt điều hòa, mở cửa để đón luồng không khí tự nhiên. Tốt nhất là khoảng 3-4 tiếng nên tắt máy lạnh một lần, mở cửa để không khí được lưu thông.
Thêm nữa, cần vệ sinh định kỳ quạt mỗi 1-2 tháng một lần; vệ sinh máy lạnh mỗi 3-6 tháng vì bám bụi bẩn nhiều làm thiết bị hoạt động quá công suất, tốn điện, giảm tuổi thọ thiết bị, là nơi trú ẩn của virus vi khuẩn gây bệnh. Nếu có điều kiện nên chọn thiết bị làm mát có tính năng lọc không khí, kháng khuẩn, bác sĩ Vũ cho hay.