Tính đến 6h ngày 24-5, toàn thế giới ghi nhận 167.472.939 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.477.135 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh tại châu Á vẫn phức tạp.
Châu Á
Tại Thái Lan, nhà chức trách thông báo sẽ siết chặt kiểm soát biên giới sau khi phát hiện 3 ca nhiễm biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Các ca nhiễm này là lây nhiễm trong cộng đồng và xuất phát từ các vụ vượt biên trái phép.
Tại thủ đô Bangkok, nhà chức trách cấm người lao động di chuyển ra khỏi các khu nhà tạm dành cho các công nhân xây dựng sau khi phát hiện 11 khu nhà nằm trong số 30 ổ dịch trên địa bàn thành phố.
Tại Nhật Bản, tính đến ngày 24-5 đã có tổng số 10 tỉnh, thành nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp. Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp ở Okinawa sẽ có hiệu lực tới ngày 20-6, dài hơn so với tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng ở 9 tỉnh, thành khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu sẽ sớm lắng dịu, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Hokkaido, Aichi, Kyoto, Osaka, Hyogo, Okayama, Hiroshima, Fukuoka, khi biện pháp này sắp hết hạn vào ngày 31-5.
Để cân bằng giữa an toàn sức khỏe và sinh kế của người dân, Chính phủ Malaysia quyết định từ ngày 25-5 đến 7-6 sẽ thắt chặt biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bao gồm quy định 80% nhân viên công vụ và 40% lao động khối tư nhân làm việc tại nhà, cắt giảm thời gian hoạt động của đại đa số lĩnh vực kinh tế, quy định người dân chỉ được ở nơi mua sắm tối đa 2 tiếng đồng hồ.
Bên cạnh đó, cảnh sát Malaysia gia tăng hoạt động kiểm tra thực hiện quy định chống dịch. Trong 3 ngày qua, số chốt chặn được thiết lập trên cả nước đã lên tới 441 chốt nhằm kiểm tra việc người dân chấp hành quy định liên quan việc đi lại giữa các bang, giữa các quận.
Quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah còn khuyến khích người dân đeo 2 khẩu trang một lúc ở nơi công cộng, nguy cơ cao như bệnh viện.
Tại tỉnh Kandal giáp thủ đô Phnom Penh (Campuchia), chính quyền địa phương đã phong tỏa một làng thuộc xã Sampow, huyện Koh Thom và nâng cấp quản lý các “Khu vực Vàng và Đỏ” để kiểm soát dịch. Ở Kampong Thom, các cơ quan chức năng vừa phát hiện 22 ca nhiễm mới Covid-19 qua xét nghiệm nhanh, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 158 người.
Với hơn 1,7 triệu ca mắc và 49.000 ca tử vong, Indonesia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Đông Nam Á. Những ngày vừa qua, có tới 42 nhân viên y tế mắc Covid-19. Những người này đã điều trị cho 13 thủy thủ Philippines nhiễm biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 có ký hiệu B.1617.2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Những thủy thủ này đi trên con tàu Hilma Bulker treo cờ Philippines, vận chuyển đường tinh luyện từ Ấn Độ và cập cảng Trung Java ngày 25-4 vừa qua. Lực lượng chức năng đang tích cực truy vết khoảng 140 nhân viên y tế khác có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với nhóm thủy thủ trên.
Châu Âu
Các quan chức Y tế Anh dẫn kết quả nghiên cứu của cơ quan Y tế cộng đồng Anh cho biết, nếu tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech với liều lượng gấp đôi bình thường, khả năng chống lại biến chủng Ấn Độ của vi rút SARS-CoV-2 sẽ lên tới 88%.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, phát hiện mang tính đột phá này sẽ giúp nâng cao hiệu quả chương trình tiêm chủng của Anh. Ông hy vọng, cuộc sống của người dân sẽ sớm trở lại bình thường trong vài tháng tới.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học quốc gia Nga Gamalei Alexander Ginzburg cho biết, những người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh sẽ có ít hậu quả của hội chứng hậu Covid.
Theo ông Alexander Ginzburg, trong trường hợp người dân đã tiêm chủng, toàn bộ quá trình của bệnh Covid-19 chỉ xảy ra ở mũi họng, trong khi hội chứng hậu Covid xảy ra khi mầm bệnh xâm nhập vào phổi hoặc lan rộng khắp cơ thể.