'Detox' có tác dụng hay chỉ là chiêu trò quảng cáo
20:50 14/12/2022
Không có bằng chứng các liệu trình "thải độc" trên thị trường thực sự giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Do đó, bạn chỉ nên ăn các loại thực phẩm tốt cho quá trình thải độc tự nhiên.
Thời gian gần đây, "thải độc" trở thành một xu hướng trong lĩnh vực sức khỏe. Đây là giải pháp tiềm năng cho những người ăn quá nhiều đường, những ai đã từ bỏ chế độ ăn kiêng hoặc những người muốn làm sạch cơ thể khỏi độc tố.
Nhưng các loại thực phẩm này có thực sự giúp cơ thể loại bỏ độc tố hay đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe?
Cách cơ thể con người tự đào thải độc tố
Từ "độc tố" có ý nghĩa khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp. Trong y học thông thường, thuật ngữ này đề cập đến các chất kích thích và rượu. Do đó "thải độc" ở đây mang ý nghĩa là cai nghiện, khiến một người ngừng sử dụng các chất này để loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
Nhưng trong hoàn cảnh khác, "độc tố" đề cập đến các chất ô nhiễm, kim loại nặng, đường và các thành phần khác xâm nhập vào cơ thể chúng ta.
Cơ thể con người có một cơ chế rất tinh vi để loại bỏ độc tố. Gan, thận, hệ tiêu hóa, da và phổi đều đóng vai trò trong quá trình bài tiết các chất không cần thiết. Mặc dù việc độc tố được thải qua bộ phận nào còn phụ thuộc vào thành phần cụ thể của độc, nhưng hầu hết quá trình bài tiết đều giống nhau.
Cơ chế thải độc bao gồm việc chuyển đổi các chất này thành dạng ít độc hơn và quá trình trao đổi chất sẽ khiến chất độc hòa tan được trong nước và có thể được thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Một số chất tự nhiên trong cơ thể hợp nhất với chất độc để chất độc có thể giải phóng thông qua nhu động ruột. Việc này cho phép cơ thể đào thải được cả các kim loại nặng.
Vì vậy, nếu các cơ quan của bạn vẫn hoạt động tốt, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đang làm việc để loại bỏ độc tố rồi. Trên quảng cáo, một số chất được cho là "độc tố" thậm chí còn không gây hại cho cơ thể, trừ khi chúng ta uống với một lượng lớn rất lớn. Hãy nhớ rằng chính liều lượng mới là thứ tạo nên chất độc.
Melissa Azzaro, chuyên gia dinh dưỡng, người dẫn chương trình podcast Hormonally Yours, giải thích: "Những phản ứng hóa học giúp cơ thể 'giải độc' phụ thuộc rất nhiều vào các chất dinh dưỡng bao gồm B2, B3, B6, B12 và folate". Cô ấy nói thêm rằng các chất chống oxy hóa, magiê, choline, protein và nước cũng đóng vai trò trong việc lọc độc tố trong cơ thể.
Tuy nhiên, một số chất gây ô nhiễm như DDT và kim loại như chì không thể loại bỏ khỏi cơ thể một cách dễ dàng. Các chất này cũng mất nhiều năm để phân hủy.
Vì vậy, dù cơ thể bạn khỏe mạnh và hoạt động tốt như thế nào, những thứ này vẫn có thể tồn tại trong người bạn suốt nhiều năm, bất kể bạn ăn gì hoặc làm gì đi chăng nữa.
Thực phẩm có thể giúp cơ thể thải độc?
Hiện tại, các nhà khoa học không có bằng chứng nào chứng minh sử dụng các chế độ ăn thải độc được quảng cáo ngoài thị trường có thể loại bỏ các chất độc hại khỏi cơ thể.
Chế độ ăn thải độc ẩn chứa nhiều rủi ro sức khỏe, như việc cơ thể thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và không được cung cấp đủ dinh dưỡng. Hơn nữa, những người theo chế độ ăn này sẽ cảm thấy căng thẳng vì phải tuân theo lộ trình. Họ cũng có thể ăn quá nhiều một khi lộ trình thải độc kết thúc vì họ muốn bù đắp lại khoảng thời gian ăn uống kham khổ trong khi thanh lọc cơ thể.
Những người theo chế độ thải độc cũng có nguy cơ dùng quá liều các thực phẩm chức năng, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu hoặc thậm chí cả nước. Ví dụ, một thanh niên 19 tuổi đã mắc hội chứng serotonin sau khi tuân theo một chế độ ăn thải độc trên mạng, với mục đích loại bỏ MDMA (một chất kích thích gây ảo giác) khỏi cơ thể.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy vài thành phần dinh dưỡng nhất định có thể có đặc tính thải độc. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có bằng chứng cho thấy rau mùi, axit malic (có trong nho và rượu vang), axit citric (có trong trái cây họ cam quýt), axit succinic (có trong táo và quả việt quất), citrus pectin (có trong vỏ và cùi của các loại trái cây họ cam quýt) và chlorella (một loại tảo lục) có các đặc tính thải kim loại.
Tuy nhiên, biện pháp thải độc liên quan đến các chất trên cần được nghiên cứu kĩ hơn trên cơ thể người trước khi đưa ra thị trường.
Bổ sung selen được chứng minh là có khả năng làm giảm tác dụng độc hại của thủy ngân ở động vật có vú, chim và cá. Một nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện ra những người tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài có phản ứng tích cực với selen. Sau 3 tháng bổ sung selen, lượng thủy ngân bài tiết qua nước tiểu của họ tăng gần như gấp ba lần. Điều này cho thấy biện pháp can thiệp này giúp cơ thể tự thanh lọc được thủy ngân khỏi cơ thể.
Một nghiên cứu đáng chú ý báo cáo việc tiêu thụ trái cây nhiệt đới có thể làm giảm mức thủy ngân do ăn cá ở Amazon, Brazil. Nghiên cứu này cho thấy những người ăn lượng trái cây tương đương với lượng cá có mức thủy ngân trong tóc và cơ thể thấp hơn.
Chuyên gia Azzaro cho biết thêm rằng các loại rau họ cải, như bắp cải, cải bruxen và súp lơ cũng giúp hỗ trợ giải độc giai đoạn 1 trong gan. Trong giải độc giai đoạn 1-bước đầu tiên trong quá trình thải độc tự nhiên, gan biến một chất độc hại, như thuốc, thành chất ít độc hại hơn để cơ thể bài tiết dễ dàng hơn. Cô Azzaro cũng nói trà xanh và nghệ cũng có thể hỗ trợ khả năng "thải độc" tự nhiên của cơ thể.
Thói quen ăn uống hỗ trợ quá trình thải độc
Điều quan trọng mọi người cần nhớ rằng việc loại bỏ hoàn toàn độc tố khỏi cơ thể gần như là không thể. Thủy ngân trong các đại dương, ô nhiễm không khí và các loại thuốc mà nhiều người sử dụng sẽ khiến chất độc xâm nhập cơ thể chúng ta bất kể chế độ ăn mà chúng ta tuân theo.
Để giảm mức độ độc tố trong cơ thể, điều tốt nhất nên làm là cố gắng hạn chế tiếp xúc với những chất này ngay từ đầu. Chọn cá có hàm lượng thủy ngân thấp hơn, rửa kỹ thực phẩm để loại bỏ thuốc trừ sâu tồn đọng và hạn chế hoặc tránh uống rượu.
Cô Azzaro chia sẻ: "Mọi người nên có chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và giàu chất chống oxy hóa bao gồm trái cây, rau củ và các thực phẩm khác như trà xanh và nghệ. Những thực phẩm này hỗ trợ gan lọc độc tố hiệu quả hơn, giúp cơ thể tự đào thải kim loại". Cô ấy nhắc lại rằng mặc dù những thực phẩm này không trực tiếp "thải độc" cho bạn, nhưng chúng rất hữu ích cho quá trình đào thải độc của cơ thể.
Vì vậy, nếu bạn muốn thải độc, hãy bỏ qua các chế độ ăn "thanh lọc giải độc" đắt tiền trên thị trường vì chúng không có bằng chứng khoa học và có thể chứa ít calo, protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Thay vào đó, hãy ăn các loại thực phẩm có thể giúp cơ thể bạn thực hiện công việc thải độc như súp lơ, quả việt quất, cam quýt. Đồng thời, bạn nên tránh tiếp xúc với kim loại, rượu, thuốc trừ sâu và các hợp chất có hại khác.
Ngoài ra, hãy uống đủ nước để thúc đẩy quá trình đào thải vì cơ thể chúng ta tự đào thải các hợp chất này qua nước tiểu, mồ hôi và phân. Một điều cần lưu ý nữa là mọi người cũng nên hạn chế ăn thực phẩm siêu chế biến.
Thực hiện những điều trên là phương pháp bền vững và ít rủi ro hơn để hỗ trợ quá trình giải độc tự nhiên. Việc này cũng tiết kiệm hơn rất nhiều so với các liệu trình "thải độc" quảng cáo tràn lan trên mạng.