Đề xuất thành lập thí điểm mô hình cảnh sát du lịch
15:57 26/04/2021
Mới đây, tại TP Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã tổ chức Hội thảo nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm lấy ý kiến hoàn thiện đề án, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường và đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Theo ông Tán Văn Vương, PGĐ Sở Du lịch Đà Nẵng, việc phát triển du lịch về đêm mang lại nhiều lợi ích không nhỏ về mặt KTXH của TP, nhưng đồng thời, cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết để có thể khai thác, phát triển một cách hiệu quả.
“Thứ nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp kéo theo khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tâm lý của du khách. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường cần được quan tâm, giải quyết một cách hài hòa. Hiện chúng ta vẫn chưa có mô hình phát triển, quản lý cụ thể để có thể áp dụng, triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả phát triển kinh tế đêm", ông Vương nói.
Ông Lê Ngọc Tường, PGĐ Sở VHTT&DL Quảng Nam cho rằng, tại địa phương, một số nơi hoạt động du lịch về đêm phát triển đã tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn, đô thị và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt đạt được thì công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch về đêm chưa có. Các địa phương cũng chưa chủ động trong việc hình thành các khu, điểm du lịch về đêm.
Đa số DN du lịch tham gia hoạt động về đêm quy mô nhỏ, các sản phẩm du lịch chưa chuyên nghiệp; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm nên cũng chưa tạo được hiệu ứng cao trong phát triển du lịch đêm theo hướng ổn định lâu dài.
Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, Đề án phát triển du lịch đêm yêu cầu cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức quản lý xã hội trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế để mạnh dạn ưu tiên cho các hoạt động kinh tế ban đêm phát triển thuận lợi và dựa trên nguyên tắc thị trường, đồng thời xử lý hiệu quả các rủi ro, hệ lụy tiêu cực.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, GĐ Sở VHTT&DL Cần Thơ nhìn nhận: Thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, hoạt động karaoke diễn ra đến 12h đêm và vũ trường hoạt động đến 2h sáng, nếu đặt trong các khu dân cư sẽ gây ra những xung đột. Vì vậy, trong định hướng về các địa phương cần đưa kinh tế đêm vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các khu dân cư mới. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư không phải đi đường vòng khi quyết định đầu tư vào hoạt động kinh tế đêm.
“Về thời gian, giới hạn lượng khách, chúng ta nên để các địa phương tự xây dựng mô hình thí điểm của riêng mình vì thị trường và khách hàng mới là người sử dụng dịch vụ", ông Tùng nêu ý kiến.
Ông Vương đề xuất cần có các mô hình phát triển sản phẩm du lịch về đêm ở một số trung tâm du lịch, phù hợp đặc điểm tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu. Đặc biệt, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu và sớm đề xuất thành lập thí điểm mô hình cảnh sát du lịch tại một số địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm để xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của du khách.
Theo ông Hà Văn Siêu, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch, thời gian qua, các địa phương, DN đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, sáng tạo đưa ra nhiều hoạt động, dịch vụ, sản phẩm về đêm. Rất nhiều sản phẩm như phố đêm, chợ đêm, nhiều hoạt động vui chơi giải trí... đã xuất hiện nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính những người làm du lịch cũng như của du khách.
"Chúng tôi đề cao vai trò các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng DN là những đơn vị có ý tưởng trong việc hoạch định chính sách, tạo sản phẩm, xác định thị trường khách du lịch đêm. Những khuyến nghị mang tính chất giải pháp của DN , chính quyền các địa phương sẽ được Tổng cục ghi nhận, tiếp thu để hoàn thiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm", ông Siêu nói.