Friday, 29/03/2024

Dạy học về danh nhân lịch sử - một cách giáo dục thâm thúy

15:57 26/04/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Trong Chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018, môn Lịch sử có nhiều điểm mới. Một trong số đó là việc đưa các danh nhân trong lịch sử vào dạy học.

Tuy là một chủ đề học tập nâng cao ở lớp 11 nhưng có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Kính mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban phát triển chương trình và là người đề xuất dạy học chủ đề “Danh nhân trong lịch sử” để hiểu thêm nội dung này.

 PV: Thưa Giáo sư, dựa trên cơ sở nào mà Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử quyết định đưa chủ đề dạy học về các danh nhân trong lịch sử vào chương trình?

Giáo sư Phạm Hồng Tung: Việc đưa “Danh nhân trong lịch sử” thành một chủ đề học tập là điểm mới so với việc giảng dạy lịch sử trước đây. Điều này xuất phát mối quan tâm lớn của mọi người đối với các danh nhân trong lịch sử, kể cả danh nhân trong lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam.

Nói đến lịch sử của bất cứ quốc gia, dân tộc, địa phương nào là nói đến những nhân vật lịch sử nổi tiếng của nơi đó. Từ trước đến nay chúng ta chưa có chuyên đề, bài học hoặc hướng dẫn bài bản cho học sinh tìm hiểu về các danh nhân trong lịch sử là một thiếu sót lớn.

Bên cạnh đó, yêu cầu cần phải biết và ứng dụng kiến thức lịch sử về danh nhân rất lớn. Trong thực tế, ngôi đình làng có thành hoàng, dù là nhiên thần hay nhân thần đều có lai lịch, được trình bày hành trạng theo cách là lịch sử của những danh nhân. Nhiều tên đường phố ở Việt Nam hay ở nước ngoài cũng mang tên những danh nhân.

Khi biết lịch sử cá nhân, mỗi con người sẽ có nhận thức sâu đậm không chỉ về mặt tri thức mà còn có giá trị về tình cảm. Những người được cộng đồng xã hội tôn thờ đều có mẫu số chung là có công với đất nước, với nhân dân. Học sinh sẽ nảy ra suy nghĩ “Mình phải có đóng góp gì đấy để được ghi nhận”.

Về chiều cạnh đánh giá nhân vật lịch sử, mặc định sẽ hướng học sinh đến giá trị tốt đẹp, tránh xa những điều phản giá trị. Về lí luận, chúng ta có cơ sở vững chắc. Nói đến lịch sử thường đặt ra câu hỏi “Cái gì đã diễn ra trong quá khứ?”, bao gồm sự kiện, nhân vật và quá trình lịch sử.

Nếu chỉ dạy sự kiện, quá trình lịch sử mà không dạy về nhân vật lịch sử thì như GS Trần Văn Giàu nói “Đó là thứ lịch sử không có con người”. Nhân vật lịch sử có những vĩ nhân, danh nhân và những người bình thường.

Chúng ta dạy học về nhân vật lịch sử tiêu biểu, điển hình để có nhiều thông tin sử liệu, không rơi vào đánh đố học sinh.  

Nhắc đến con người trong sự kiện, trước nay chúng ta vẫn “biết” thường chỉ mang tính ước lệ, chung chung, không cụ thể cá tính nhân vật. Chẳng hạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với nhiều sự kiện lịch sử hiện đại của Việt Nam như cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ…, khi hỏi học sinh, em thì biết ông quê ở Quảng Bình, khá hơn là biết ông làm Đại tướng, nhưng hỏi Đại tướng có hình dáng, sở thích, tính cách như thế nào, gia đình ra sao thì học sinh ít biết, chưa nói đến biết ở mức độ cao hơn là nhân cách, đóng góp cụ thể.

Thậm chí, với Bác Hồ, chúng ta nghe rất nhiều, nhưng vóc dáng, đặc điểm khuôn mặt của Bác cụ thể như thế nào? Chúng ta chỉ biết câu hát trừu tượng “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh”, cụ thể là cao bao nhiêu, rồi Bác để râu từ bao giờ, thói quen, sở thích của Bác ra sao… hầu như ít biết. Những nhân vật lịch sử xa lại càng rất ít biết. Do vậy, giá trị giáo dục về nhận thức, tình cảm và đánh giá nhân vật rất yếu.

Chúng ta cần giúp học sinh tìm hiểu các nhân vật như chính họ đã sống trong lịch sử, từ đó hình thành kỹ thuật, năng lực nghiên cứu lịch sử cần thiết cho bất cứ ai. Học sinh có thể vận dụng năng lực đó để tìm hiểu về những người xung quanh mình.

Từ việc tìm hiểu về Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Tuấn, học sinh có kỹ năng thu thập tài liệu, thông tin liên quan đến cuộc đời của ông bà, bố mẹ, trên cơ sở đó xây dựng hình dung rất cụ thể về ông bà, bố mẹ mình.

Nhờ vậy các em có niềm tin và tình yêu với ông bà bố mẹ mang tính thực chứng, duy lý, chứ không phải chỉ vì là ông bà, bố mẹ mà ta yêu. Trong kỷ nguyên số, cách mạng 4.0 hiện nay mối quan hệ trong gia đình có sự đứt gãy, tình cảm ít nhiều không sâu đậm.

Do không có kĩ năng tìm hiểu về lịch sử cuộc đời của những thành viên trong gia đình, hiện tượng cháu không biết gì về ông bà, thậm chí có thể con cái không biết gì về nghề nghiệp của bố mẹ là phổ biến.

Việc dạy về danh nhân lịch sử để giáo dục con trẻ quan tâm đến con người, đến gia đình do vậy có ý nghĩa nhân văn, nhân bản. Dạy học về danh nhân trong lịch sử còn góp phần phát triển phẩm chất, nhân cách cho học sinh.

Khi con người lớn lên, va chạm với nhiều không gian văn hóa và những giá trị văn hóa mới, thì chỉ có tình cảm được xây dựng trên cơ sở những sử liệu đáng tin cậy mới bền vững.

Yêu Trần Quốc Tuấn phải biết yêu cụ thể điều gì của ông. Biết chuyện không hay của Trần Quốc Tuấn mà học sinh vẫn yêu, vẫn tự hào, đó mới là tình yêu bền vững.

Mặt khác, chúng ta còn ghi nhớ học thuyết Mác về vai trò của cá nhân và của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Dạy về các danh nhân giúp học sinh giải đáp được mối quan hệ giữa cá nhân với lịch sử.

Nếu nhấn mạnh một chiều niềm tin vào tập thể, cái tôi sẽ bị hòa tan, mất niềm tin vào bản thân. Mà xã hội đang cần cá tính, cần nuôi dưỡng cái tôi khác biệt.

Bên cạnh đó, nếu nhấn mạnh một chiều cá nhân thì dẫn tới vị kỷ. Qua việc dạy về danh nhân, học sinh sẽ thấy con người Việt Nam làm nên những kỳ công là họ gắn chặt với cộng đồng, với Tổ quốc. Đó là cách giáo dục sâu sắc..

PV: Thưa Giáo sư, việc đưa “Danh nhân trong lịch sử” vào giảng dạy môn lịch sử THPT sẽ phát triển những năng lực gì cho học sinh?

GS Phạm Hồng Tung

GS Phạm Hồng Tung: Trong chương trình, mặc dù phân loại danh nhân lịch sử trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học công nghệ… nhưng yêu cầu cần đạt giống nhau và liên quan đến 3 nhóm năng lực rất quan trọng: tìm hiểu, nhận thức và tư duy lịch sử, vận dụng để giải quyết những vấn đề thực tế.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nhân vật bằng việc lựa chọn nguồn sử liệu đáng tin cậy, tránh một chiều hoặc bỏ sót tài liệu quan trọng.

Học sinh có thể tiếp cận với nhiều nguồn sử liệu: tài liệu viết, hiện vật, tài liệu truyền miệng ở cả Việt Nam và nước ngoài… Vận dụng vào thực tế, học sinh có thể tìm hiểu lịch sử của ông bà thông qua ký ức của bố mẹ, người thân hoặc kỷ vật do ông bà để lại. Như vậy, học về nhân vật lịch sử có mối liên hệ gắn với cuộc sống thực tế của các em.

Khi đánh giá đóng góp của nhân vật, giáo viên cần hướng dẫn để học sinh không bỏ sót công trạng nhưng cũng đừng để các em thành quan tòa phán xử. Với tư cách công dân tương lai, các em cần đánh giá đâu là đóng góp tích cực, hạn chế đặt trong những bối cảnh lịch sử cụ thể.

Ví dụ, Lý Thường Kiệt là anh hùng chống Tống, đánh Chiêm Thành. Xét ở thời điểm Đại Việt thời Lý, “Bắc chống Tống, Nam bình Chiêm” là chiến công hiển hách, nhưng bây giờ, việc tôn vinh ai đó vì chiến công đánh Chiêm Thành cũng cần cân nhắc cẩn trọng. Hoặc khi dạy về Trần Quốc Tuấn, giáo viên không được giấu và cũng không thể giấu các em những “lỗi” lớn của ông.

Giáo viên cần giải thích cho học sinh, ở một góc độ nào đó là khuyết điểm, nhưng suốt chiều dài cuộc đời của nhân vật chưa chắc là khuyết điểm.

Người có đóng góp nổi bật dù có khuyết điểm vẫn được nhân dân phong thánh, chứng tỏ người Việt Nam coi yêu nước là giá trị tối thượng, vì đóng góp cho cộng đồng dân tộc mà có thể cảm thông với những lỗi lầm.

Học sinh sẽ thấy trong cuộc đời con người ai cũng có thể mắc lỗi, nếu vấp ngã thì các em tự tin để làm lại, không bị những mặc cảm làm hỏng những điều tốt đẹp phía trước. Như thế, việc dạy học về danh nhân lịch sử gắn với cuộc sống đời thường.

Chủ đề này liên quan đến các chủ đề khác, củng cố kiến thức và năng lực ở các chủ đề khác nhau trong tổng thể chương trình.

PV: Việc phát huy năng lực cho học sinh khi học về danh nhân lịch sử được thể hiện như thế nào ở kết quả học tập?

GS Phạm Hồng Tung: Về sản phẩm đầu ra của học sinh, trên cơ sở hiểu biết, các em có thể vẽ tranh, sáng tác truyện, thậm chí mô phỏng câu chuyện của nhân vật lịch sử để tạo ra kịch bản phim.

Ví dụ, từ câu chuyện “cân não” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lựa chọn đánh nhanh thắng nhanh hay đánh chắc, tiến chắc ở Điện Biên Phủ, học sinh có thể tạo thành kịch bản phim.

Đó cũng là sản phẩm của công nghiệp văn hóa trong tương lai. Tất cả hoạt động dạy học đều hướng tới làm sản phẩm để giới thiệu du lịch hoặc làm ra vật phẩm, đồ lưu niệm thì các em mới chọn ngành liên quan đến lịch sử để khởi nghiệp, đồng thời tạo nên sự hứng thú với môn lịch sử.

Trong hướng dẫn về cách đánh giá chủ đề, giáo viên chú ý luôn đánh giá vào năng lực, không phải đánh giá kết quả là học sinh thuộc bài. Các em làm được sản phẩm sáng tạo dựa vào chất liệu lịch sử có thể cho điểm tối đa.

PV: Chương trình hiện nay đang để mở về thời lượng, không đóng đinh giáo viên phải dạy bao nhiêu tiết mà có thể linh hoạt. Việc linh hoạt nội dung và lựa chọn nhân vật lịch sử có phải là một thách thức khá lớn với giáo viên?

GS Phạm Hồng Tung: Từ việc phát triển chương trình, viết sách giáo khoa đến tập hợp học liệu là một khoảng cách khác nhau. Những danh nhân đề cập trong Chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử chỉ là đề xuất mang tính gợi ý của Ban phát triển Chương trình mà thôi. Hãy coi đó là cơ hội lớn đối với giáo viên, trong cơ hội có thách thức và ngược lại.

Chỉ dạy một chủ đề mà học sinh biết hết lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim, như dạy về Trần Quốc Tuấn mà biết lịch sử Đại Việt thời Trần hay biết Võ Nguyên Giáp là biết Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Điện Biên Phủ… thế mới là giáo viên giỏi.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

Theo Giáo dục thời đại

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke