Đánh cược tính mạng, cắt dây thần kinh để có chân thon
11:52 12/07/2021
Với hy vọng có được vẻ ngoài ưng ý hơn, nhiều phụ nữ xứ tỷ dân bất chấp tìm đến các phương pháp làm đẹp ẩn chứa rủi ro, chưa được pháp luật công nhận.
Dù được cảnh báo ca phẫu thuật chân sẽ tốn kém, không hợp pháp và nếu không may có thể vĩnh viễn mất khả năng chạy hoặc nhảy, Kaola (30 tuổi) vẫn nghĩ rằng nó đáng để thử, theo Sixth Tone.
Cô nhân viên ngành công nghệ luôn tự ti về đôi chân của mình. Từ những năm 20 tuổi, cô đã thử gần như mọi cách để khiến chúng thon gọn hơn như ăn kiêng, tập thể dục và thậm chí là hút mỡ song chưa bao giờ hài lòng với kết quả.
Vì vậy, vào tháng 2, Kaola quyết định thực hiện phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đầy rủi ro, đang gây tranh cãi tại Trung Quốc: "phong bế bắp chân". Theo đó, một số dây thần kinh ở bắp chân khách hàng sẽ được cắt bỏ, làm teo cơ và khiến chân thon thả hơn, nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.
Rủi ro
Phương pháp này được phát triển ở Hàn Quốc từ những năm 90, sau đó lan rộng ra nhiều nước Đông Á, nơi tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống ở phụ nữ thường là thân hình mảnh mai, ít cơ bắp.
Thời gian gần đây, nhiều phòng khám Trung Quốc quảng cáo rầm rộ về "phong bế bắp chân", miêu tả nó như giải pháp tức thì cho những cô gái muốn sở hữu thân hình hoàn hảo.
“Ca phẫu thuật sẽ ngay lập tức khiến đôi chân của bạn trở nên thon gọn, dài và thẳng. Bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về đôi chân cơ bắp nữa" là nội dung quảng cáo do một phòng khám đăng trên mạng xã hội Weibo.
Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này chứa đầy rủi ro. Dù nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết người cắt bớt dây thần kinh chân gặp ít tác dụng phụ, nhưng nếu phẫu thuật không thành công, một số người có thể bị đau hoặc thậm chí mất khả năng vận động vĩnh viễn.
"Phong bế bắp chân" chưa được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc phê duyệt, các chuyên gia y tế nước này cũng đã cảnh báo về khả năng nguy hiểm của phương pháp này.
“Điều khiến loại phẫu thuật này khó kiểm soát là chúng tôi (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ) thường không biết số lượng dây thần kinh phù hợp để cắt vì cơ bắp chân khá phức tạp”, Xue Hongyu, giám đốc khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện, nói.
Dù vậy, vẫn có ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc đăng ký thực hiện phương pháp làm đẹp này và nhiều thủ thuật xâm lấn khác. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc cũng nhanh chóng phát triển trong những năm gần đây, được dự đoán trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (46 tỷ USD) vào năm 2025.
Mạo hiểm
Dù biết ca phẫu thuật không đảm bảo 100% thành công, Kaola vẫn quyết định thử. Viễn cảnh có được đôi chân thon thả, mơ ước từ nhỏ quá hấp dẫn, khiến cô không thể từ chối.
“Tất nhiên, tôi biết cuộc phẫu thuật sẽ gây hại cho sức khỏe. Nhưng hy vọng, khát khao làm đẹp của tôi còn lớn hơn nỗi sợ hãi", cô viết trên mạng xã hội.
Cô gái làm việc cho một công ty Internet ở Thượng Hải luôn bất an, ghét cơ thể của chính mình sau nhiều năm nhận những bình luận khó nghe từ người thân và bạn bè về cân nặng. Trong tủ quần áo, phần lớn trang phục của Kaola là váy, quần dài che kín bắp chân.
“Chân của tôi to hơn rất nhiều so với phần lớn phụ nữ có thân hình tương đương. Điều khiến tôi đau lòng nhất là khi thử quần áo mới. Tôi cảm thấy rất căng thẳng khi không thể mặc vừa những bộ quần áo đẹp".
Kaola đã trả 30.000 nhân dân tệ (4.600 USD) để làm thon chân ở một phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân tại Thượng Hải có tên là TG Young. Kết quả không mấy khả quan.
Hơn 4 tháng sau ca phẫu thuật, cơ bắp chân của Kaola vẫn có kích thước như cũ. Điều duy nhất thay đổi là bây giờ cô thi thoảng thấy đau chân và khó chạy hơn trước.
Nhiều phụ nữ Trung Quốc khác cũng cho biết họ phải chịu các tác dụng phụ tương tự sau khi phẫu thuật cắt dây thần kinh chân, dấy lên nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội. Một hashtag liên quan đến vấn đề này nhận được hơn 320 triệu lượt xem trên Weibo.
Những trường hợp như của Kaola cũng khiến nhiều người lo ngại về quy định lỏng lẻo trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc, vốn khét tiếng với những chiêu trò tiếp thị rầm rộ và nhiều ca phẫu thuật hỏng.
Áp lực từ mạng xã hội
Không chỉ thu gọn bắp chân, những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc thực hiện các loại phẫu thuật thẩm mỹ nguy hiểm như mở rộng tai, làm "tai yêu tinh" hay chỉnh sửa bộ phận sinh dục để sở hữu thân hình hoàn hảo.
Trên mạng xã hội, nhiều người chỉ trích những cô gái mạo hiểm tính mạng để làm đẹp, mỉa mai họ làm việc vô ích và liều lĩnh thay vì đổ lỗi cho áp lực xã hội hoặc chất lượng của ngành thẩm mỹ.
Tuy nhiên, theo Chelsea Yang, cố vấn sức khỏe tâm thần, sự phát triển của mạng xã hội là yếu tố chính thúc đẩy cái mà cô gọi là cơn sốt “phẫu thuật thẩm mỹ mọi thứ” ở Trung Quốc.
“Nhìn bề ngoài, có vẻ như những cô gái ấy tự nguyện thay đổi ngoại hình, nhưng lý do đằng sau đó luôn là áp lực mà họ phải chịu bởi một xã hội nam quyền", Yang nói.
Những năm gần đây, nhiều người có ảnh hưởng ở Trung Quốc cũng khởi xướng hàng loạt trào lưu, thử thách nhằm chứng minh có thân hình hoàn hảo, ví dụ như dùng tờ giấy A4 để khoe eo nhỏ.
Theo Yang, những xu hướng này khiến nhiều phụ nữ có cái nhìn không lành mạnh về hình ảnh cơ thể. Cô ước tính rằng hơn 85% khách hàng ở Trung Quốc của cô gặp vấn đề về hình thể là nữ.
“Mạng xã hội là một trong những nhân tố lớn trong việc khiến một người lo âu về ngoại hình. Cảm giác như số lượt thích và bình luận đang định lượng giá trị của một cá nhân”.
Dù có trải nghiệm không như ý, Kaola vẫn tiếp tục thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Cô dự định sớm tiêm botox để làm nhỏ chân.
“Tôi đang mong chờ một ngày có thể trút bỏ những chiếc váy dài thướt tha và diện chân váy ngắn", cô bày tỏ.