Đại học tăng học phí, Bộ GD-ĐT yêu cầu giữ ổn định
15:57 26/04/2021
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021
Cụ thể, trong văn bản gửi các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục ngày 16/4, Bộ GD-ĐT cho biết, Nghị định 86/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 sẽ hết hiệu lực. Dự thảo nghị định mới đã được xây dựng, áp dụng từ năm học tới, Chính phủ đang xem xét, ban hành.
Để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh và các đợt thiên tai cuối năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự thảo nghị định và báo cáo Chính phủ cho phép giữ học phí năm học 2021-2022 như năm liền kề trước đó.
Học phí từ năm học 2022-2023 sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình, phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai, học phí sẽ được tính đủ chi phí theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giá và Nghị định 16/2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương kiểm tra khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục, phát hiện và xử lý sai phạm; kiểm tra việc niêm yết, công khai giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa; có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn, vùng miền núi, hải đảo để đảm bảo tất cả có sách cho năm học mới.
Cũng tại dự thảo, Bộ GD-ĐT cho biết, đối với các trường công lập chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng, thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định; các trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2-2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Chỉ các trường tự bảo đảm chi thường xuyên, đạt kiểm định chất lượng thì mới được tự xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội. Đồng thời, cơ sở này phải thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiều trường thông báo tăng học phí
Trước đó, nhiều trường đại học thông báo tăng học phí năm học 2021-2022.
Trong hệ thống của Đại học Quốc gia TPHCM, có đến 4 trường được tự chủ sẽ điều chỉnh học phí.
Trong đó, Trường Đại học Công nghệ thông tin, học phí hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm; hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Nhà trường cũng thông báo những năm tiếp theo, học phí ở mỗi hệ đào tạo nêu trên sẽ tăng thêm 5 triệu đồng/năm.
Phía Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng dự kiến tăng học phí ở tất cả các ngành đào tạo. Mức học phí chương trình đại trà tăng từ 12 triệu đồng lên 25 triệu đồng/năm/sinh viên; học phí chương trình tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm; chương trình tăng cường tiếng Anh 66 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Luật TPHCM áp dụng mức học phí năm học 2020-2021 như sau: lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp tiếng Anh pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật 49,5 triệu đồng.
Tương tự, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tăng học phí cao nhất đến 32 triệu đồng/năm. Như vậy, tuỳ từng ngành học, hộ khẩu mà mỗi sinh viên sẽ có độ tăng khác nhau. Học phí dự kiến năm 2021 tăng cao nhất với sinh viên có hộ khẩu tại TPHCM là hơn 2,2 lần so với năm 2020.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mức học phí tăng như hiện nay, với đa số học sinh gia đình không khá giả, giàu có thì đều sẽ khó khăn để chi trả.