Saturday, 04/05/2024

COVID-19 có phát tán qua hệ thống thông gió, điều hòa không khí chung cư?

10:33 17/08/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) có ý kiến xung quanh tranh cãi về vấn đề virus SARS-CoV-2 có thể được phát tán, lây lan qua hệ thống thông gió và điều hòa không khí chung cư hay không?

Liên tục xuất hiện F0 ở các căn hộ cùng trục đứng

 

Thời gian gần đây khi dịch COVID -19 bùng phát dữ dội, bên cạnh các ca mắc ngoài cộng đồng, hàng loạt chung cư ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh liên tục phát hiện F0. Đặc biệt, tại một số chung cư tại TP. Hồ Chí xuất hiện tình trạng F0 trong các căn hộ cùng trục đứng, cùng block.

Theo đó chung cư Vạn Đô (Quận 4) vào đầu tháng 8 phát hiện 5 trường hợp F0 sống ở hai căn hộ liền kề cùng tầng. Sau đó, chung cư này ghi nhận thêm vài ca dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều người có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong cùng tòa nhà.

Trước tình trạng trên, ban quản lý chung cư Vạn Đô tiến hành xét nghiệm nhanh các hộ thuộc trục dọc với nhà có F0 và phát hiện thêm 3 F0 ở 3 tầng khác. Vì thế cư dân ở đây được khuyến cáo đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang.

Tương tự, chung cư Tam Phú (TP.Thủ Đức) cũng ghi nhận một số F0 trong các căn hộ cùng block, cùng trục đứng. Được biết nhóm căn hộ có F0 này lấy gió chung từ một giếng trời, nhất là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

Trước tình trạng trên, Savills Việt Nam, đơn vị quản lý chung cư Saigon Pearl (TP.Thủ Đức) đã gửi văn bản cảnh báo và khuyến nghị cư dân luôn đóng cửa nhà vệ sinh khi không sử dụng, nên mở quạt hút nhà vệ sinh từ 5-10 phút trước khi vào nhà vệ sinh. Định kỳ hằng tuần, cư dân nên đổ ít nước vào các phễu thoát sàn khu vực logia, nhà vệ sinh… để ngăn ngừa hơi và mùi hôi từ đường ống thoát trục chính không xâm nhập vào căn hộ. Hạn chế mở các cửa khu vực ban công hoặc logia.

Còn chung cư Lexington (thành phố Thủ Đức) thì cho vận hành hệ thống quạt hút trục phòng rác các tầng liên tục ngày đêm, để luôn tạo ra áp lực âm hút không khí chỉ có thể đi vào và không thể thoát ra.

Tình trạng nêu trên khiến nhiều cư dân vô cùng bất an và dấy lên nghi vấn virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua hệ thống thông gió và điều hòa không khí của tòa nhà, đặc biệt là chung cư có ca F0 cách ly tại nhà.

Chưa có cơ sở khẳng định virus phát tán qua hệ thống thông gió

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề “Virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua hệ thống thông gió và điều hòa không khí của chung cư hay không” hay không?, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, đối với những chung cư được xây dựng tuân thủ theo các tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến việc thiết kế hệ thống thông gió và điều hòa không khí do Bộ Xây dựng ban hành thì việc phát tán virus SARS-CoV-2 theo hệ thống thông gió, điều hòa ít có khả năng xảy ra.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về “Thông gió – Điều hòa không khí – Tiêu chuẩn thiết kế” có quy định rõ vị trí đặt cửa lấy không khí ngoài (gió tươi): Cửa hoặc tháp lấy không khí ngoài có thể được đặt trên tường ngoài, trên mái nhà hoặc ngoài sân vườn và phải cách xa không dưới 5m đối với cửa thải gió của nhà lân cận, của nhà bếp, phòng vệ sinh, gara ô tô, tháp làm mát, phòng máy. Không được thiết kế cửa lấy không khí ngoài chung cho các hệ thống thổi nếu chúng không được phép bố trí cùng trong một phòng…

Bên cạnh đó, QCVN 04:2019/BXD, QCVN 04:2021/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc thiết kế hệ thống thông gió và điều hòa không khí thì các căn hộ và không gian ngoài căn hộ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải có hệ thống thông gió tự nhiên hoặc cưỡng bức.

Khi sử dụng hệ thống thông gió cưỡng bức, điều hòa không khí cần đảm bảo các yêu cầu sau: Các thông số khí hậu bên ngoài nhà phục vụ cho thiết kế hệ thống thông gió, điều hòa không khí tuân thủ theo quy chuẩn và tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng; Chỉ được sử dụng chất làm lạnh đảm bảo an toàn môi trường theo quy định hiện hành; Khí thải ra ngoài không được gây khó chịu hay nguy hại cho người và tài sản xung quanh; không khí tươi phải cấp trực tiếp vào trong phòng với lưu lượng không ít hơn 90% lưu lượng khí thải ra.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Ngọc Quang – Trưởng bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng, Đại học Xây dựng cho biết: Hầu hết các hệ thống thông gió trong nhà như khu vệ sinh, bếp, trục thu gom rác đều là hệ thông gió áp suất âm, nghĩa là không khí trong nhà sẽ được hút theo các ống gió đứng và thải lên mái nhằm ngăn chặn không khí ô nhiễm không lan sang các phòng lân cận, cũng như không ảnh hưởng đến khu vực lận cận gần điểm xả thải.

"Có thể nói, virus SARS-CoV-2 có phát sinh từ một căn hộ có ca F0 sẽ bị hút vào các hệ thống thông gió hút nói trên nên khó có thể phát tán ra ngoài qua các cửa sổ thông ra hành lang hoặc bên ngoài", PGS.TS Trần Ngọc Quang cho biết.

Đối với hệ thống thông gió cấp gió tươi, các cửa lấy gió ngoài được qui định cách các miệng thải gió tối thiểu là 5m. Căn cứ theo các qui định trên, có thể nói, virus SARS-CoV-2, ngay cả khi có mật độ đủ lớn cũng sẽ bị hút rồi pha loãng trước khi bị đẩy ra ngoài qua các cửa thải gió bố trí trên mái. Các căn hộ áp mái gần các miệng thải gió nhất nhưng với khoảng cách tối thiểu 5m cách xa đến cửa lấy gió ngoài ở phía dưới thì virus cũng bị khuếch tán với mật độ rất thấp nếu có thể lan truyền tới.

Trước đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Virus biến chủng Delta có thể lưu trong không khí nhưng rất nhỏ và thời gian ngắn. Đặc biệt, khi ở môi trường không khí nóng, virus gần như không thể tồn tại. Vì vậy, ở khu chung cư, việc lây lan dịch bệnh từ căn hộ này sang căn hộ khác qua hệ thống thông gió là chưa có cơ sở khẳng định.

Cách bảo vệ căn hộ khỏi nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, việc các khu chung cư có ca lây nhiễm COVID -19 thường do tiếp xúc chung thang máy nhất là thang máy mà bị hỏng quạt gió hoặc các khu vực hàng lang chung.

Do đó, để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh PGS.TS Vũ Ngọc Anh khuyến cáo, đối với một số chung cư có sảnh đón tiếp thì nên ngừng sử dụng điều hòa mà chỉ dùng biện pháp thông gió tự nhiên là mở cửa. Thang máy nên giảm 50% số lượng người đi một lượt, tăng cường việc hút gió trong thang máy.

Với hành lang chung phải thông gió cưỡng bức vì nếu có F0 đi lại ở đây thì virus sẽ bị hút ra ngoài ngay lập tức. Một số chung cư sử dụng điều hòa cho hành lang chung cần tạm dừng việc này. Tóm lại, với những khu vực sử dụng chung trong chung cư như sảnh đón tiếp, thang máy, hành lang cần phải tích cực sử dụng thông gió tự nhiên.

“Ở đâu có F0 thì đều có nguy cơ cả. Nếu trường hợp bắt buộc có F0 cách ly tại nhà thì phải bố trí phòng ở căn góc, mặt thoáng của chung cư, không nên bố trí phòng cách ly ở mặt giáp hành lang để F0 được thông gió, chiếu sáng. Tóm lại khi có F0 cách ly tại nhà chung cư, Bộ Y tế phải kiểm tra căn hộ có đáp ứng đủ điều kiện không. Những chung cư nếu dùng điều hòa trung tâm cần phải dừng ngay việc này. Và đặc biệt không nên bố trí F0 tự cách ly tại chung cư cũ”.

Đối với đơn vị quản lý chung cư có F0, F1, PGS.TS Trần Ngọc Quang cho rằng giai đoạn này, nên tăng cường vận hành các hệ thống thông gió hút chung để ngăn virus, nếu có, phát tán ra các khu vực công cộng như hành lang, sảnh nhà. Đồng thời, ban quan lý nên có kế hoạch tăng cường để duy tu, bảo trì các quạt thông gió, kiểm tra các trục gió ngang, đứng đảm bảo kín khít không có rò gỉ gió tại các trục kỹ thuật cũng như trong trần kỹ thuật hành lang. Bởi việc ngăn chặn virus khuếch tán phụ thuộc rất nhiều vào công tác vận hành và bảo trì các hệ thống thông gió của chung cư.

Trên cơ sở đó, đối với những trường hợp F0 được cách ly tại nhà, các cơ quan chức năng và Bộ Y tế cần xem xét, kiểm tra kỹ về mặt cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng phát tán virus SARS-CoV-2.

Theo Tiền phong

https://tienphong.vn/covid-19-co-phat-tan-qua-he-thong-thong-gio-dieu-hoa-khong-khi-chung-cu-post1366302.tpo

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke