Trẻ dụi mắt do lông mi mọc ngược
Trong tình huống bình thường, lông mi ở mí trên của mắt sẽ phát triển theo hướng lên trên và ra bên ngoài, còn lông mi ở mí dưới mọc hướng xuống ra phía ngoài, với vai trò hỗ trợ ngăn cản những kích thích từ bên ngoài đối với mắt.
Tuy nhiên, một số trường hợp do hướng mọc của lông mi bị ngược lại với thông thường, khiến cho những sợi lông cứng này tiếp xúc hoặc “đâm” vào nhãn cầu, gây ra hiện tượng trẻ dụi mắt liên tục vì khó chịu, đau đớn.
Nếu mẹ không kịp thời phát hiện và đưa trẻ đến bệnh viện xử lý sẽ làm tình trạng này nghiêm trọng hơn. Trẻ không những dụi mắt không ngừng mà còn sinh ra tật nheo mắt hoặc dẫn đến viêm giác mạc, ảnh hưởng thị lực của trẻ.
Theo lẽ thường mà nói, lông mi mọc ngược ở trẻ nhỏ có thể tạm thời chưa cần can thiệp đặc biệt. Bạn nên quan sát một thời gian vì khi sống mũi của trẻ dần dần phát triển thì tình trạng lông mi ngược cũng có thể được cải thiện một cách tự nhiên. Song, nếu con bạn đã hơn 3 tuổi mà chưa khỏi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để xử lý.
Trẻ dụi mắt do thị lực phát triển khác thường
Khi trẻ bị cận thị hoặc thị lực bẩm sinh phát triển không bình thường, điển hình như các triệu chứng nhìn không rõ, mỏi mắt, sợ ánh sáng, mắt bị khô, chảy nước mắt thường xuyên v.v… cũng sẽ khiến trẻ dụi mắt liên tục, cũng có trường hợp trẻ nheo mắt nhiều hơn.
Do đó, khi bạn nhìn thấy bé nhà mình có biểu hiện dụi mắt không ngớt và thường kêu khó chịu ở đôi mắt thì mẹ nên sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để kiểm tra và có biện pháp cải thiện tình hình cho trẻ, tránh để lâu ngày dễ gây biến chứng nặng hơn.
Trẻ dụi mắt do có dị vật
Bất kể là trẻ nhỏ hay người lớn, một khi có dị vật bay vào mắt đều sinh ra cảm giác khó chịu mà vô thức đưa tay lên dụi mắt. Vì vậy, bố mẹ nếu thấy bỗng nhiên trẻ cứ dụi mắt còn kèm theo chảy nước mắt thì đầu tiên nên quan sát xem có vật lạ bên trong mắt của trẻ hay không.
Dị vật dù là thứ gì nhưng khi vào trong mắt đều gây ra ma sát với bề mặt nhãn cầu, thậm chí gây trầy xước và tổn thương mắt, nếu không lấy ra kịp thời thì hành động dụi mắt càng khiến cảm giác khó chịu tăng lên. Cho nên người lớn cần nhanh chóng giúp bé xử lý, không nên kéo dài.
Thông thường thì mỗi cơ quan trong cơ thể con người đều có chức năng phòng vệ tự nhiên. Chẳng hạn nếu có dị vật vào mắt thì mắt sẽ phát tín hiệu và khởi động chức năng bảo vệ, tự làm sạch của mình, cụ thể chính là tiết ra nhiều nước mắt nhằm mục đích “tống khứ” vật lạ ra ngoài.
Vì vậy, bạn nên trấn an trẻ không nên dụi mắt mà hãy nhắm mắt lại để cho nước mắt tiết ra, sau đó dần dần mở mắt và chớp nhiều lần, hỗ trợ nước mắt có thể đẩy cát, bụi bẩn hoặc vật nhỏ ra ngoài.
Nếu cách này không hiệu quả, bố mẹ có thể giúp trẻ vạch xem bên trong 2 mí mắt và nhẹ nhàng dùng tăm bông sạch lấy dị vật ra cho trẻ. Chú ý thao tác cần thận trọng để tránh chạm vào giác mạc gây kích thích và tổn thương mắt của trẻ.
Trẻ dụi mắt do viêm kết mạc dị ứng
Nguyên nhân cụ thể là do kết mạc quá nhạy cảm với tiếp xúc bên ngoài mà sản sinh triệu chứng viêm như một phản ứng của miễn dịch. Loại viêm kết mạc dị ứng này cũng xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của trẻ thường là ngứa mắt, chảy nước mắt và cảm giác như có dị vật, nóng ran mắt và trẻ dụi mắt để giảm khó chịu.
Bố mẹ khi phát hiện hành động bất thường ở trẻ thì nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân và quan sát các triệu chứng để sớm đưa ra quyết định xử lý phù hợp. Trong tình huống trẻ bị viêm kết mạc dị ứng thì cần đến bệnh viện để điều trị và hạn chế cho trẻ tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, côn trùng, lông động vật v.v…
Theo Emdep.vn
https://emdep.vn/lam-cha-me/con-dui-mat-lien-tuc-me-tim-hieu-nguyen-nhan-de-som-xu-ly-dung-cach-20210726160216034.htm