Nghiên cứu mới đây cho thấy, những phụ nữ theo chế độ ăn uống chứa nhiều thực phẩm dễ gây viêm nhiễm có nguy cơ mắc ung thư vú cao.
Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện này không chứng minh được mối quan hệ nhân quả nhưng nó bổ sung thêm bằng chứng về việc chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển ung thư vú.
Các loại thực phẩm góp phần vào tình trạng viêm thường được xem là có hại cho sức khỏe, bao gồm thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn, đường, chất béo bão hòa. Chế độ ăn này cộng với sự thiếu hụt các loại thức ăn chống lại quá trình viêm trong khẩu phẩn ăn như: Rau củ, trái cây, các loại ngũ cốc giàu chất xơ và chất béo không bão hòa “tốt” có thể đẩy nhanh quá trình viêm, góp phần gây ra ung thư vú.
Thói quen ăn uống có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư vú. Có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống giàu thực vật, hạn chế các sản phẩm từ động vật và carbohydrate tinh chế có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú hậu mãn kinh.
Một thử nghiệm lâm sàng đã cung cấp bằng chứng mạnh nhất về lợi ích của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải - mang nhiều đặc điểm của một chế độ ăn chống viêm như cá, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo tốt, đồng thời hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn. Kết quả thử nghiệm cho thấy những phụ nữ thực hiện chế độ dinh dưỡng này có nguy cơ phát triển ung thư vú thấp hơn những người được yêu cầu cắt giảm chất béo khỏi chế độ ăn của họ.
Thực phẩm không lành mạnh cũng góp phần gây tăng cân và béo phì mà bản thân nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau.
Nghiên cứu thực hiện trong vòng 15 năm tập trung chủ yếu vào 318.000 phụ nữ không mắc ung thư vú nhằm đánh giá mối liên quan giữa chế độ ăn uống với nguy cơ này. Kết quả cho thấy, có hơn 13.200 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú, 1/5 trong số những phụ nữ theo chế độ ăn dễ gây viêm nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 12% so với nhóm ít ăn các thực phẩm gây viêm. Các yếu tố khác như trọng lượng cơ thể, thói quen uống rượu và chế độ tập luyện thể dục cũng cần được xem xét.
Để giảm nguy cơ mắc ung thư vú, các nhà nghiên cứu khuyên, nên hạn chế uống rượu và duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên (ít nhất 150-300 phút hoạt động vừa phải mỗi tuần)...