Chuyên gia lý giải vì sao có thể ngừng tim khi chơi thể thao gắng sức?
17:32 15/06/2021
Một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức. Người bị hội chứng đó có thể không hề có yếu tố khởi phát, nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh.
Hình ảnh tiền vệ người Đan Mạch Christian Eriksen đổ gục, dù không bị một tác động nào trên sân trong trận đấu với Phần Lan tại vòng chung kết Euro 2020 diễn ra đêm qua 12/6 (theo giờ Việt Nam) đã khiến người hâm mộ thế giới bàng hoàng.
Vẫn chưa rõ điều gì khiến Eriksen ngừng tim đột ngột, điều may mắn là nhờ được cấp cứu ngoại viện kịp thời, trái tim nam cầu thủ đã đập lại và anh đã hồi tỉnh ngay trên sân. Đến sáng nay, sức khoẻ của Eriksen đã ổn định.
Bệnh lý nào dễ gây ngừng tim khi gắng sức?
TS Trần Song Giang, Trưởng khoa C9, Phó Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, như: hội chứng Brugada (chứng rối loạn nhịp tim hiếm gặp), hội chứng WPW (hội chứng tiền kích thích trong rối loạn nhịp tim), bệnh cơ tim phì đại....
"Những người bị hội chứng đó, có thể không hề có yếu tố khởi phát, nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh" - TS Giang cho biết và lý giải: Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300 - 400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.
Nếu người bị hội chứng đó mà tập luyện quá sức thì rối loạn nhịp tim dễ xảy ra. Hoặc, người bi hội chứng đó, nếu uống rượu cũng dễ bị đột tử do ngưng tim.
"Thực tế, đã có bệnh nhân trẻ tuổi, tối hôm trước vui vẻ uống rượu cùng bạn bè, nhưng sáng hôm sau, người nhà phát hiện đã tử vong" - vị chuyên gia chia sẻ.
Khoảng 80% ca đột tử khi chơi thể thao là bệnh nhân có bệnh lý tim mạch từ trước
"Người đó có thể đã biết nhưng chủ quan cho rằng "bệnh chỉ nhẹ thôi" hoặc cũng có thể bệnh lý đó chưa bao giờ được phát hiện" - TS Giang nhận định.
Có những người hoàn toàn khỏe mạnh và khi làm các xét nghiệm cơ bản, như: Xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi, siêu âm tim cũng không thể hiện bất thường về tim. Bởi vì kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt, nhưng trên điện tâm đồ lại có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim.
Điển hình là: Hội chứng Brugada, hội chứng QT dài (có thể dẫn đến một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng và có thể gây tử vong), bệnh cơ tim phì đại, hội chứng WPW... Đây là những bệnh lý có tính di truyền.
"Những bệnh lý này biểu hiện khá kín đáo nên có thể bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra", TS Trần Song Giang cho biết.
Người trẻ không nên chủ quan
Theo vị chuyên gia này, vận động luôn tốt cho sức khỏe tim mạch, nhưng cần phù hợp. Điều cần lưu ý là nên kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu chơi môn thể thao đối kháng.
Người trẻ, sức khỏe bình thường thì khả năng vận động, bài tập sẽ nặng hơn với người cao tuổi. Người lớn tuổi hoặc người suy tim thì phải tập nhẹ hơn so với người không có bệnh về tim.
"Với một số bệnh về tim, việc gắng sức có thể gây ra biến chứng như: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Do đó, trước khi lựa chọn môn thể thao có cường độ cao, nên kiểm tra sức khỏe tổng thể. Trường hợp có bệnh lý, bác sĩ sẽ hướng dẫn việc tập thể lực phù hợp, tránh rủi ro do tập luyện không phù hợp", BS Giang nói.