Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, duy trì sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng.
Người tiểu đường type 2 có nguy cơ bị cắt cụt chân cao hơn nhiều so với người không mắc bệnh. Tiểu đường type 2 còn gây nhiều biến chứng tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận... Do đó, người bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống hợp lý để kiểm soát lượng đường trong máu.
BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, chế độ ăn uống hợp lý giúp cho đường huyết sau ăn không tăng cao; góp phần bảo vệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, mỡ máu; tránh hạ đường huyết ở những bệnh nhân dùng thuốc có nguy cơ hạ đường. Ăn uống cân bằng còn góp phần giảm hoặc duy trì cân nặng phù hợp, có sức khỏe để hoạt động thể lực hàng ngày.
Người bệnh nên ăn đúng giờ, đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều), không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế; ăn chậm nhai kỹ với lượng vừa đủ nhu cầu cơ thể. Tránh các món hầm nhừ, xay nhuyễn, chiên, nướng vì kích thước thành phần món ăn càng nhỏ thì chỉ số đường huyết càng tăng. Thay vào đó, người bệnh nên ăn các món chế biến đơn giản như hấp, luộc. Tránh tối đa việc ăn khuya vì rất dễ làm đường huyết buổi sáng tăng (trừ trường hợp phải tiêm insulin buổi tối).
Bác sĩ Hải cho biết, thực phẩm chứa glucid (tinh bột), protid (chất đạm), lipid (chất béo) chính là những nguồn năng lượng chính cho người bệnh tiểu đường. Các nhóm chất này được phân chia gồm: tinh bột 44-46% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần; chất đạm cần cao hơn so với người bình thường, nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần (người bình thường là 12-14 %); chất béo (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương...) nên là 20-35% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 35% (người bình thường là 18-20%).
Ăn nhiều rau xanh giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng tự nhiên, vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng. Khi ăn nhiều chất xơ, bạn cảm thấy no nhanh hơn, do đó có thể giảm bớt khẩu phần ăn, có thể giảm cân.
Theo bác sĩ Hải, bông cải xanh, mướp đắng, hành tây, rau bắp cải, súp lơ, rau dền, rau diếp cá, cà rốt... có thể giúp kiểm soát đường huyết rất tốt. Cà rốt có hàm lượng beta - carotene cao, còn có tác dụng làm chậm quá trình chuyển hóa đường trong máu, giảm lượng đường huyết hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những bệnh nhân đã lớn tuổi nên ăn lá rau ăn với mức độ vừa phải bởi quá nhiều chất xơ cũng gây khó tiêu hóa.
Với trái cây, người bệnh nên chọn loại có màu đậm bởi chúng có nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho tim mạch, sức khỏe tổng thể. Khi đã ăn trái cây, bạn nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày. Không nên dùng nước ép trái cây vì mất lượng chất xơ có trong trái cây làm đường huyết tăng cao.
Trang bị kiến thức về bệnh cùng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn (ít nhất 30 phút mỗi ngày ); sử dụng thuốc, kiểm tra đường huyết thường xuyên với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, có cuộc sống thuận lợi.