Thực phẩm trong chế độ ăn BRAT có ít chất đạm, chất béo và chất xơ, giúp dễ tiêu hóa, giảm triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn và nôn...
Chế độ ăn uống BRAT có thể điều trị tiêu chảy, cúm dạ dày và các loại bệnh dạ dày khác. Thuật ngữ "BRAT" là từ viết tắt chữ cái đầu của các loại thực phẩm trong chế độ ăn này, gồm: chuối (banana), cơm (rice), táo (apple) và bánh mì nướng (toast). Các thực phẩm này làm giảm các triệu chứng của bệnh dạ dày như buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy; thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng sau bệnh dạ dày.
Cụ thể, các thực phẩm có nhiều tinh bột và ít chất xơ (cơm, bánh mì nướng) có thể khiến phân lỏng dễ kết dính lại hơn, giảm tiêu chảy. Đặc biệt, chuối chứa pectin, một loại tinh bột có lợi cho đường tiêu hóa. Thực phẩm BRAT rất ít chất béo và protein không có khả năng gây kích ứng dạ dày và gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa. Do hương vị nhạt và không có mùi mạnh, thực phẩm BRAT cũng không có xu hướng gây buồn nôn hoặc nôn.
Tuân theo chế độ ăn kiêng BRAT trong một thời gian ngắn không có khả năng gây hại, nhưng mọi người nên tránh áp dụng lâu dài, bởi chế độ ăn này không có đủ chất dinh dưỡng và ít năng lượng để đảm bảo cho việc sử dụng kéo dài. Khi tiêu chảy hay các triệu chứng đường tiêu hóa thuyên giảm, bạn trở lại chế độ ăn uống bình thường để tránh thiếu hụt dinh dưỡng, gây ra các bệnh khác.
Chế độ ăn BRAT không đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và quan trọng cho cơ thể gồm: chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin (A, B12) và khoáng chất (canxi). Do đó chế độ ăn này không khuyến nghị sử dụng cho trẻ bị tiêu chảy. Ăn kiêng BRAT có thể dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Người muốn theo chế độ ăn kiêng BRAT trong một thời gian dài để điều trị các chứng bệnh dạ dày có thể thêm các loại thức ăn nhạt khác để tăng cường dinh dưỡng. Các thực phẩm có thể thêm như: bánh mặn, nước hầm xương, khoai tây, khoai lang, thịt gà không da, cháo, bột yến mạch, dưa hấu. Khi chế biến, bạn nên nướng, luộc hoặc hấp tránh chiên rán, thêm dầu mỡ để không làm kích ứng dạ dày.
Men vi sinh có nhiều lợi khuẩn có thể rút ngắn quá trình tiêu chảy. Ngoài các thực phẩm trên, mọi người có thể thêm thực phẩm có men vi sinh vào chế độ ăn uống như sữa chua, dưa muối. Với đồ uống, bạn có thể thêm vào chế độ BRAT nước táo, trà thảo mộc (trà gừng, bạc hà), nước dừa; sản phẩm bù nước, điện giải nếu tiêu chảy và nôn mửa nhiều. Người bệnh cần tránh đồ uống có thêm đường vì có thể làm cho các triệu chứng thêm nặng.
Khi trở lại chế độ chế độ ăn uống bình thường, người bị tiêu chảy (bệnh dạ dày) nên tránh một số thực phẩm có nhiều khả năng gây khó tiêu hóa, buồn nôn, nôn mửa hoặc phân lỏng, khiến triệu chứng bùng phát và trầm trọng trở lại. Các thực phẩm nên tránh: các sản phẩm từ sữa (sữa uống, kem, pho mát... trừ sữa chua), thực phẩm nhiều đường (bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, chocolate...), thức ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, thức ăn cay.
Bạn cũng cần tránh rượu bia, cà phê, đồ uống có ga vì chúng hoạt động như một chất lợi tiểu, có thể dẫn đến mất nước, gây kích ứng dạ dày. Một số loại rau như bông cải xanh, súp lơ trắng và đậu có xu hướng gây đầy hơi và chướng bụng. Protein nặng như thịt bò, thịt lợn và cá hồi rất khó tiêu hóa và có thể gây căng thẳng thêm cho dạ dày. Người bị bệnh dạ dày nên tránh những thực phẩm này cho đến khi khỏi bệnh.
Khi thực hiện chế độ ăn BRAT nhưng bệnh tiêu chảy không thuyên giảm hoặc có các dấu hiệu nặng và bất thường mọi người nên đi khám bệnh. Các dấu hiệu nặng gồm tiêu chảy kéo dài hơn hai ngày, phân lỏng thường xuyên tái phát hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn, kèm theo sốt, phân có máu. Tiêu chảy kèm theo triệu chứng mất nước như giảm lượng nước tiểu, khô miệng, khát nước; cảm thấy choáng váng, chóng mặt hoặc yếu, người bệnh cần đến bệnh viện điều trị. Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy hơn một ngày, không tiết ra nước mắt, má hóp hoặc có bất kỳ triệu chứng nào ở trên.