Bài tập tái định vị ống tai, quản lý căng thẳng, chăm sóc sức khỏe tổng thể có thể giúp kiểm soát các triệu chứng rối loạn tiền đình.
Hệ thống tiền đình có chức năng chính trong việc giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các chuyển động xoay người, cúi người... Người bị rối loạn tiền đình thường gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng, quay cuồng.
Bên cạnh các liệu pháp điều trị do bác sĩ chỉ định, một số biện pháp dưới đây có thể giúp người bị rối loạn tiền đình kiểm soát các triệu chứng.
Bài tập tái định vị ống tai
Bài tập này bao gồm một loạt các chuyển động của đầu và cơ thể, nhằm mục đích di chuyển các tinh thể ra khỏi các ống bán nguyệt của tai, giúp giảm triệu chứng chóng mặt.
Đầu tiên, bạn ngồi thẳng lưng trên giường, kê một chiếc gối phía sau; quay đầu sang phải 45 độ; ngửa người ra sau trong 30 giây; từ từ quay đầu 90 độ sang bên trái mà không nhấc cổ, đợi tiếp trong 30 giây; tiếp tục xoay toàn bộ cơ thể và quay đầu 90 độ sang bên trái và đợi trong 30 giây nữa; thực hiện động tác ngồi dậy chậm rãi; lặp lại các bước tối đa 3 lần đối với bên đang có vấn đề.
Thay đổi chế độ ăn uống
Triệu chứng chóng mặt của rối loạn tiền đình có liên quan đến chế độ ăn uống. Việc tránh một số loại thực phẩm hoặc chất kích thích có thể thúc đẩy cân bằng chất lỏng trong tai và cơ thể, giảm triệu chứng rối loạn tiền đình.
Một số thực phẩm cần hạn chế như: thức ăn mặn, thực phẩm có đường, rượu bia, caffein, thịt hun khói, sữa chua, socola, chuối, phomai, quả hạch, trái cây có múi, gan gà, rượu vang đỏ..
Quản lý căng thẳng
Triệu chứng của rối loạn tiền đình có thể tồi tệ hơn do căng thẳng. Quản lý mức độ căng thẳng bằng các bài tập thiền, kỹ thuật hít thở sâu, tập thể dục có thể giúp thư giãn.
Yoga là một cách tốt để cải thiện tính linh hoạt, tăng cường cơ bắp và giảm căng thẳng. Hoặc bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để giảm tình trạng căng thẳng.
Chăm sóc sức khỏe tổng thể
Một số biện pháp chăm sóc sức khỏe đơn giản có thể giúp bạn tránh bị chóng mặt, mất thăng bằng do rối loạn tiền đình. Bao gồm các bước:
Giữ đủ nước: Một số nguyên nhân gây chóng mặt có liên quan đến tình trạng mất nước, do vậy hãy đảm bảo bạn uống đủ nước mỗi ngày.
Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể kích hoạt các đợt chóng mặt, buồn nôn do rối loạn tiền đình. Bạn nên sắp xếp hoạt động hằng ngày để có thể ngủ ít nhất 7-8 tiếng vào ban đêm, đồng thời nghỉ ngơi thêm vào ban ngày.
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh: Những người bị rối loạn tiền đình nên ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc.
Tập thể dục: Tập thể dục tốt cho sức khỏe tổng thể. Nếu bạn không thường xuyên vận động, những buổi đầu tập thể dục có thể khiến bạn thấy chóng mặt. Bạn nên bắt đầu bằng những động tác đơn giản, cường độ thấp trước khi tăng cường nhịp điệu tập luyện.
Một số môn thể thao người bị rối loạn tiền đình nên tập gồm đi bộ thư giãn, yoga, đạp xe nhẹ nhàng... Lưu ý nên bổ sung nước thường xuyên trước, trong và sau khi luyện tập.