Bỏ tiền tỷ, vay nặng lãi đầu tư Coolcat: Người chơi "chết đứng" khi sàn sập
15:57 26/04/2021
Nhiều người "chơi" Coolcat đang khóc dở mếu dở khi sàn sập. Bởi người dùng không thể truy cập vào ứng dụng, đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền đổ vào đầu tư có thể "không cánh mà bay".
Chị T.H ở Bình Phước cho biết, chị đã bỏ ra 128 triệu đồng để đầu tư vào Coolcat, một ứng dụng được quảng cáo là sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn. Tuy nhiên, từ ngày 16/4, người chơi không thể truy cập vào ứng dụng. Chị cũng không thể liên lạc được với các số điện thoại của người hỗ trợ sàn Coolcat.
"Ban đầu, tôi đầu tư vào gói 3. Ngày 2/4, tôi nạp thêm tiền để nâng cấp tài khoản. Ngày 6/4, tôi mua thêm một gói 3 nữa. Ngày 13/4, tôi mua gói cấp 4. Ngày 15/4, tôi mua gói 4 tiếp theo. Và sau lần nạp đó thì sàn sập đến bây giờ" - chị kể.
Chị H cho biết, lý do khiến chị say mê, mù quáng bỏ hàng trăm triệu vào Coolcat là nghe lời quảng cáo, giới thiệu từ một người bạn. Tuy nhiên, khi sàn sập, chị H và người bạn đều rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười vì tiền có thể "không cánh mà bay".
"Tôi nghe quảng cáo cũng bùi tai nên đầu tư. Tính ra, mỗi ngày, tôi chỉ cần đăng nhập, truy cập vào ứng dụng khoảng 15 phút là có thể nhận về 200.000 - 300.000 đồng tiền lãi. Ví dụ như 9 giờ tối hôm nay mình rút, thì 1 giờ sáng hôm sau tiền về. Số tiền đó sẽ được đổ vào tài khoản của mình do một người trong Coolcat chuyển khoản.
Nhưng được vài lần giao dịch nhanh, sau đó thì rất chậm, có khi là qua 2 ngày, tiền vẫn chưa về tài khoản. Tôi mới thấy nghi nên hỏi lại thì người bên Coolcat bảo rằng hệ thống đang nâng cấp, bảo trì. Thấy xuôi xuôi, tôi tiếp tục nâng gói lên, nâng đến cấp 4 thì sàn sập"- chị kể.
Tiết lộ với phóng viên Dân trí, chị H cho hay, số tiền 128 triệu đồng chị đổ vào Coolcat đều là đi vay nóng bên ngoài. Cứ 1 triệu đồng là chị phải trả 5.000 đồng tiền lãi. Từ khi biết sàn sập, chị vô cùng lo lắng. Thế nên, chị đã gửi đơn trình báo đến các cơ quan chức năng.
Tương tự, một người chơi ở Vĩnh Phúc cho biết, từ khi nghe tin về sàn Coolcat sập, chị rất hoang mang, bởi toàn bộ số tiền chị bỏ vào đầu tư lên tới hơn 100 triệu đồng.
"Khi mới vào sàn, tôi chỉ mua gói 3 là 10,8 triệu đồng, sau đó mới tăng thêm gói 4 là 53,2 triệu đồng rồi cứ thế mua tiếp. Tôi cũng rút lãi được vài lần, chắc rơi vào tầm 20 triệu đồng thì sàn sập" - chị cho hay.
Ngoài ra, người chơi này còn tiết lộ, việc tham gia vào sàn Coolcat khá đơn giản. Mới đầu, người tham gia sẽ nhận được một đường link qua Zalo, sau đó sẽ theo hướng dẫn đăng ký, nạp tiền và tải ứng dụng về điện thoại.
Thông thường, mỗi người sẽ được cấp một mã ID riêng, với nhiệm vụ là hàng ngày lên ứng dụng đặt lệnh. Tùy thuộc vào số tiền đầu tư mà người chơi sẽ nhận về số lãi theo quy định.
Trong đó, Coolcat sẽ đưa ra 6 gói bảo hiểm với mức phí từ 54 đến 9.146 USD. Đơn cử, người chơi mua gói bảo hiểm 3 có phí 464 USD thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận lãi từ 7,42 USD đến 15,8 USD. Còn với gói bảo hiểm 6 có phí 9.146 USD thì mỗi ngày nhà đầu tư sẽ nhận lãi từ 148,5 đến 268 USD.
Theo người chơi này, hầu hết số tiền khách nạp vào tài khoản sẽ được gửi cho một người trong công ty Coolcat. Danh sách số tài khoản chuyển tiền sẽ được cập nhật ngay sau khi người chơi tải ứng dụng về, đây là số tài khoản riêng, ghi tên người đó, chứ không ghi tên công ty.
"Thực ra cũng nhiều người chơi ấy, người nọ giới thiệu người kia xong thấy nó hợp lý thì chơi, chứ mình cũng không nghĩ đến phương án nó xấu như thế" - người này giải thích.
Không chỉ đầu tư một mình, anh N.T (Hà Nội) còn rủ thêm 5 người nữa cùng chơi, với số tiền rót vào Coolcat lên tới 1,3 tỷ đồng. Mấy ngày hôm nay, nhóm anh như "ngồi trên lửa" khi sàn giao dịch sập. Người đại diện của sàn cũng "biến mất", nhóm anh không thể liên lạc.
"Sàn sập rồi, giờ tiền sao mà đòi được, chỉ có cách mọi người cùng nhau làm đơn tố cáo thôi. Như nhóm tôi 6 người đầu tư là 1,3 tỷ đồng, còn nhóm của em tôi là 1,6 tỷ đồng.
Nếu tôi nhớ không nhầm app này hoạt động từ tháng 9, tháng 10 năm ngoái. Khi đó, dịch Covid-19 đang bùng phát nên anh em rủ nhau vào chơi thôi. Tính tới thời điểm hiện tại, số tiền thực nhận mà tôi rút được chỉ khoảng 10 - 20% số vốn đổ vào " - anh buồn rầu nói.
Anh T cho biết, khi đổ tiền vào chơi, nhóm anh đã xác định tâm lý trước. Nhưng hiện tại, nhóm anh vẫn quyết gửi đơn tố cáo Coolcat lên các cơ quan chức năng để mọi người xung quanh không mắc phải sai lầm tương tự.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngoài Hà Nội, TP.HCM thì các tỉnh thành có nhiều người tham gia, đầu tư vào Coolcat là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng...
Coolcat được quảng cáo là nền tảng giao dịch bảo hiểm vốn đầu tiên tại Việt Nam. Sàn giao dịch này thực hiện các giao dịch vàng, USD, bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và các sản phẩm khác và được quảng cáo là được ủy quyền và quản lý bởi Ủy ban chứng khoán Bahamas(SCB) (Mã: SIA-F212), kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai và minh bạch.