Biến động điểm chuẩn lớp 10 Hà Nội những năm gần đây
15:57 26/04/2021
Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập ở Hà Nội những năm gần đây được VietNamNet thống kê dưới đây.
Qua thống kê, nhóm có điểm chuẩn thuộc diện top đầu gồm các trường THPT Chu Văn An, THPT Kim Liên, THPT Thăng Long, THPT Yên Hòa, THPT Phan Đình Phùng, THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Trần Phú- Hoàn Kiếm, THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa, THPT Nhân Chính, THPT Cầu Giấy…
Trong 6 năm gần đây nhất, trường có điểm đầu vào lớp 10 cao nhất vẫn là THPT Chu Văn An.
Nếu xét tổng quan, năm 2019 và năm 2020, mặt bằng chung mức điểm chuẩn của tất cả các trường THPT đều sụt giảm so với các năm trước. Lí do bởi 2019 là năm đầu tiên Hà Nội bỏ hoàn toàn kết quả học bạ của 4 năm THCS mà chỉ căn cứ vào điểm thi để xét tuyển. Ngoài ra, đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quy định bỏ cộng điểm khuyến khích với chứng chỉ nghề THCS (tối đa 1,5 điểm).
Đặc biệt, năm 2020 mức điểm chuẩn "có vẻ" sụt giảm mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, lý do là bởi kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2020 chỉ có 3 môn thay vì 4 môn như những năm trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Năm 2021, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội quay trở lại với việc tổ chức 4 môn thi, do đó, kênh tham khảo điểm chuẩn sát nhất là mức điểm của năm 2019. Đặc biệt, năm nay, ngoài 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) thì môn thứ 4 cũng là Lịch sử, đúng như kịch bản của năm 2019.
Song, số liệu giai đoạn 2015-2018 cũng sẽ giúp thí sinh và phụ huynh có đánh giá tổng quan giữa các trường, qua đó đưa ra lựa chọn nguyện vọng phù hợp:
Hiện, Sở GD-ĐT cũng đã công bố chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập để thí sinh có căn cứ thuận lợi cho việc đăng ký nguyện vọng.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên tại Hà Nội năm 2021 diễn ra vào ngày 10 và 11/6, với 4 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử.
Để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã công bố việc phân chia khu vực tuyển sinh:
- KV 1: gồm quận Ba Đình, Tây Hồ
- KV 2: gồm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.
- KV 3: gồm quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
- KV 4: gồm quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.
- KV 5: gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
- KV 6: gồm huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
- KV 7: gồm quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức, Đan Phượng.
- KV 8: gồm huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.
- KV 9: gồm huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
- KV 10: gồm quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai.
- KV 11: gồm huyện Thường Tín, Phú Xuyên.
- KV 12: gồm huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1, NV2 phải vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh hoặc bố, mẹ có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể vào trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Được đổi khu vực tuyển sinh
Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép học sinh vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú... được phép đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: NV1 và NV2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi, NV còn lại (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Học sinh có nguyện vọng này cần có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh (theo mẫu của Sở GD-ĐT), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được thủ trưởng cơ sở giáo dục xác nhận.
Như vậy, quy định về đổi khu vực tuyển sinh năm nay về cơ bản không có thay đổi gì so với năm trước.