Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội), bệnh viện vừa tiếp nhận bé gái T.H.L., 12 tuổi, vào viện với biểu hiện mẩn đỏ trên da, nôn, đau bụng, mệt lả giờ thứ 1.
Bệnh nhi vào viện trong tình trạng sẩn đỏ dạng mảng trên da, môi tái, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Các bác sĩ nhanh chóng đánh giá đây là tình trạng phản vệ độ III, nguy cơ trụy mạch, tử vong cao, đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế.
Qua khai thác thông tin từ bệnh nhi, phối hợp của người nhà và khám lâm sàng, bác sĩ xác định tình trạng phản vệ này là do bọ xít hút máu.
Sau khi được cấp cứu ban đầu, bệnh nhi tiếp tục được duy trì thuốc vận mạch, bù dịch và theo dõi sát tối thiểu trong vòng 48 giờ để tránh tình trạng sốc phản vệ pha 2. Hiện tại, sau 30 giờ điều trị tích cực, bệnh nhi đã thoát sốc, toàn trạng ổn định.
Theo các bác sĩ bệnh viện, loại côn trùng này là vector truyền bệnh Chagas lưu hành phổ biến ở Mexico, Trung và Nam Mỹ. Bọ xít hút máu người sinh sản trong mùa nóng, chúng thường xuất hiện và phát tán mạnh vào tháng 6, 7, 8.
Loài bọ xít này có xu hướng đốt trên mặt người. Ban ngày bọ xít thường ẩn mình trong các kẻ hở trong tường vách, các kho tối chứa đồ trong nhà, đặc biệt ưa thích sống trong các vật liệu bằng gỗ, lá… ở những nơi ít người qua lại. Để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà, có tập tính là sống gần người trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Chúng thường đốt người vào ban đêm khi ngủ.
Ngoài tình trạng phản vệ như trên, độc tố do bọ xít hút máu còn có thể gây tổn thương trên tim, đường tiêu hóa, hệ thống bạch huyết của cơ thể.
Phản vệ do côn trùng đốt ở trẻ em không phải hiếm gặp, có nhiều mức độ từ nhẹ đến nguy kịch, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.
Người dân cần đề cao cảnh giác, nên mắc màn khi ngủ, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào để ngăn chặn sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng nguy hiểm này.