Bé 11 ngày tuổi biến chứng rất nặng sau tắm nước lá cây chữa vàng da
11:27 25/05/2021
Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương mới tiếp nhận bệnh nhi từ Cao Bằng trong tình trạng rất nặng (viêm ruột, nhiễm khuẩn huyết). Hiện bé đang phải lọc máu, tiên lượng dè dặt.
Trước đó, vào 10h15phút ngày 19/5/2021, bệnh nhi N.T.B, 11 ngày tuổi trú tại huyện Hà Quảng - Cao Bằng nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng trong tình trạng sốt cao liên tục, da toàn thân vàng đậm, quấy khóc, nôn trớ nhiều, khó thở, bú kém.
Theo lời kể người nhà, trẻ được sinh tại Bệnh viện huyện, sau khi ra viện về nhà trẻ được tắm bằng nước lá cây đun sôi theo dân gian vài lần.
Cách ngày vào viện 3 ngày, trẻ quấy khóc nhiều, da toàn thân vàng đậm màu, khó thở, bụng chướng căng được đưa đến Bệnh viện tỉnh điều trị.
Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm trẻ được chẩn đoán: Viêm ruột/Nhiễm khuẩn huyết, tình trạng trẻ rất nặng nề nên đã được chuyển tuyến Trung ương để điều trị tiếp.
Tuy nhiên, tắm bằng lá cây cho trẻ là việc cần cân nhắc, thận trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Nguyên nhân là do da trẻ nhỏ rất mỏng đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.Các Bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, trong dân gian việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh chữa vàng da là việc làm quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau.
Đa phần việc dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết ở trẻ vàng da sơ sinh là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Trong khi đó các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có nhiễm thuốc trừ sâu rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết.
Đặc biệt vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Hơn thế nữa, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tắm các loại lá chữa vàng da chỉ là lời truyền miệng vô căn cứ. Bởi theo lý giải của PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai Hà Nội, vàng da sơ sinh được chia ra làm 2 loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sơ sinh được cho là sinh lý khi nó xuất hiện và tự hết trong 7 ngày đầu. Nếu xác định vàng da bệnh lý, trẻ phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.
Lý giải hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, bất cứ em bé nào cũng phải trải qua vì trong thành phần hồng cầu của em bé khi nằm trong bụng mẹ có 1 chất Hemoglobin bào thai (Hb F).
Khi ra ngoài đời, hồng cầu đó vỡ đi thay vào đó là Hemoglobin người trưởng thành (Hb A). Hemoglobin F khác Hemoglobin A ở chỗ, đời sống của Hemoglobin F ngắn hơn, nên sau khi ra đời nó sẽ vỡ nhanh hơn và nhiều hơn cho nên những sản phẩm của hồng cầu vỡ đó là chất bilirubin tăng đột ngột trong máu.
Trong bilirubin chia làm 2 loại, gián tiếp và trực tiếp. Chất bilirubin vỡ trong máu đi vào gan được gan gắn với 1 chất đạm gọi là bilirubin trực tiếp, không thấm vào não và da. Còn bilirubin gián tiếp có thể xâm nhập vào não, da.
Nếu chất bilirubin gián tiếp đó thấm vào não của trẻ sơ sinh 7 ngày đầu tùy vào mức độ. Nếu ở mức độ vừa thì không ảnh hưởng sức khỏe của trẻ, nhưng nếu thấm nhiều quá, sẽ làm cho em bé bị kích thích, vật vã, trở nên li bì, kém phản xạ và nặng nữa thì có thể dẫn đến hôn mê, co giật và lúc đó người ta gọi là hội chứng vàng da nhân não sơ sinh.
“Đây là hội chứng nguy hiểm nhất cho trẻ sơ sinh trong 7 ngày đầu. Nếu trẻ bị bệnh, kể cả có được cứu sống em bé bằng mọi biện pháp thì sau này cũng để lại di chứng rất nặng nề về trí tuệ cho trẻ, giống như viêm não Nhật Bản”.
Do đó, theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng việc phân biệt được vàng da sinh lý và bệnh lý có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng ranh giới giữa bệnh lý và sinh lý rất mong manh.
Các bậc cha mẹ nên tỉnh táo, theo dõi em bé của mình. Nếu thấy trẻ vàng da lâu ngày thì nên cho con đi khám để được điều trị kịp thời. Cha mẹ cần cho con tới khoa sơ sinh để được lấy máu kiểm tra.
Nếu bị vàng da bệnh lý, sẽ có hai cách chữa vàng da là chiếu đèn và thay máu, tuỳ vào triệu chứng của mỗi trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng theo phương pháp nào. Được điều trị đúng cách, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ của trẻ sau này.