Xác rắn lột có tên thuốc là xà thoát hay xà thoái, có vị ngọt mặn, hơi tanh, tính bình, không độc được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh đang lưu truyền tại làng nuôi rắn Vĩnh Sơn.
Cứ tháng tháng 5 tháng 6 hàng năm, người nuôi rắn hổ mang xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lại tất bật hơn bởi đây là giai đoạn rắn lột xác trước khi bước vào đợt phối giống, sinh sản.
Theo người dân nơi đây, với đặc tính là loài động vật ngủ đông nên mùa nóng, rắn lột xác nhiều hơn so với mùa lạnh. Dù là loại rắn lành không độc hay rắn hổ mang khổng lồ có nọc độc chết người đều phải trải qua màn lột xác (thay da) trung bình 4 đến 8 lần trong mỗi năm.
Thông thường, rắn lột xác để thay thế lớp da cũ đã bị bào mòn và không còn đủ sức căng để bọc cơ thể lớn lên của nó. Ngoài ra, đây cũng là cách chúng loại bỏ các loại ký sinh trùng trên lớp da khô.
Vết nứt để rắn trườn ra khỏi lớp da cũ xuất hiện ở miệng. Rắn dùng hết sức rướn và dựa vào bề mặt thô nhám của nơi rắn chọn để thoát ra khỏi lớp da cũ. Trung bình mỗi con rắn lột xác thường mất vài ngày.
Khi lột xác xong, rắn khá yếu chính vì vậy người chăn nuôi luôn phải hết sức quan tâm từ chế độ ăn uống tới nhiệt độ trong chuồng để đảm bảo rắn có sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào mùa sinh sản.
Đặc biệt, xác rắn sau khi lột xong sẽ không bị bỏ đi mà được thu gom lại để làm thuốc. Xác rắn lột có tên thuốc là xà thoát hay xà thoái, có vị ngọt mặn, hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giải độc.
- Chữa viêm họng: Theo các tài liệu cổ, xác rắn lột cho vào ống tre, đốt lấy khói xông vào cổ họng chữa viêm họng.
- Chữa trĩ mũi: Lấy 1 cái xác rắn lột đốt thành than; hoa hòe và long cốt mỗi vị 10g phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Tất cả trộn đều, thổi vào lỗ mũi ngày vài lần.
- Thuốc đắp chữa nhọt: Xác rắn lột cắt nhỏ, sao qua, tán bột, tẩm với rượu cho thành bánh, đắp chữa nhọt cứng sấn (không có mủ).
Theo kinh nghiệm dân gian, xác rắn lột còn được dùng chữa chốc mép, ghẻ lở bằng cách đốt thành tro, rắc hoặc hòa với sữa bôi chữa trẻ em sưng lưỡi, tắc họng. Trộn với mỡ trăn và phèn phi bôi chữa tổ đỉa; với rượu đắp chữa ung nhọt; với bọ hung và phèn phi thổi vào tai chữa viêm tai có mủ.
Xác rắn lột còn phối hợp với một số dược liệu nguồn gốc thực vật để chữa đầu vú bị nứt nẻ ở phụ nữ, mụn nhọt theo cách làm: Xác rắn 100g đốt tồn tính, tán nhỏ, rây bột mịn, củ ráy dại 100g, nghệ vàng 100g để tươi, thái mỏng, cho vào dầu vừng, rán rồi bỏ bã. Hoặc trộn đều bột xác rắn với dầu các dược liệu. Bôi hàng ngày.
Để chữa trĩ, lấy xác rắn lột 1 cái, lá cam sành 1 nắm, phơi khô, đốt thành than, tán bột, hòa với nước cơm mà bôi.
Tuy nhiên, do kinh tế thị trường hiện nay ngoài việc tích trữ xác rắn để chữa bệnh hàng ngày người nuôi rắn Vĩnh Sơn còn thu gom xác rắn và đem bán cho các thương lái để xuất bán Trung Quốc. Theo các chuyên gia, người Trung Quốc thường dùng xác rắn lột trị trẻ em kinh giản, phong lở miệng, đinh nhọt, tràng nhạc, ghẻ lở.
Bà Phùng Thị Thảo – hộ nuôi rắn trong xã Vĩnh Sơn cho biết, người Trung Quốc họ rất thích mua xác rắn. Tuy nhiên, vì xác rắn rất nhẹ nên vào mùa rắn lột xác các hộ chăn nuôi phải tích cóp trong nhà vài ngày mới được khoảng 1 - 2 kg đem bán.
"Năm nào giá cao thì xác rắn bán được khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, còn năm rẻ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg, có những năm Trung Quốc không mua thì cũng đành chịu", bà Thảo nói.
Mặc dù thị trường bấp bênh kèm dịch bệnh trong 2 năm qua khiến việc bán xác rắn khô không mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế nhưng với các hộ dân “được đồng nào hay đồng ấy”. Đặc biệt, khi ế ẩm họ có thể đem phơi xác rắn khô cất sẵn trong nhà phòng khi sử dụng cho việc chữa trị những căn bệnh thông thường.