Khoai lang nói chung là thực phẩm dễ kiếm, lại tốt cho sức khỏe con người do chứa nhiều chất xơ, carotene, các vitamin và chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên, khoai lang trắng, vàng và khoai lang tím mỗi loại lại có những công dụng và tính chất và giá trị dinh dưỡng khác nhau.
Khoai lang trắng có hàm lượng tinh bột cao nhất, chiếm đến khoảng 25% bao gồm cả fructoza, glucose, sucrose... Tuy nhiên lượng protein tương đối thấp. Vì có hàm lượng tinh bột cao và lượng đường tương đối thấp nên loại khoai lang này thường có vị không ngọt, không thơm hơn khi nướng lên. Vì lý do đó nên chúng đặc biệt phù hợp khi làm nguyên liệu cho quá trình lên men rượu công nghiệp. Do hàm lượng tinh bột cao nên khoai lang trắng có thể dùng để thay thế các loại thực phẩm giàu tinh bột khác như gạo, sắn...
Khoai lang vàngđược ví như nữ hoàng carotenoid vì chúng chứa một lượng khổng lồ carotenoid, màu càng đậm thì hàm lượng chất này càng cao. Có những giống khoai lang có hàm lượng carotene lên tới 46.1 mg/100 gram trọng lượng khô. Beta - carotene có thể chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể con người, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa thiếu vitamin A và bảo vệ thị lực. Alpha - carotene còn có lợi ích cao trong việc phòng chống bệnh tim mạch và ung thư.
Khoai lang tím giàu anthocyanin (chất chống oxy hóa mạnh). Đây là điểm vượt trội của khoai lang tím so với các loại khoai lang khác. Anthocyanin có khả năng chống oxy hóa nên được sử dụng để chống lão hóa, hạn chế giảm sức đề kháng do sự suy giảm của hệ thống miễn dịch... Điều hòa lượng cholesterol trong máu, tránh nguy cơ tắc nghẽn, xơ vữa động mạch, phục hồi trương lực của tim, điều hòa nhịp tim và huyết áp, điều hòa chuyển hóa canxi. Anthocyanin là các hợp chất glycosid có khả năng dập tắt các gốc tự do giúp hạn chế biến dị, hủy hoại tế bào, ung thư. Anthocyanin đưa các chất chống oxy hóa như flavonoid vào cơ thể để bảo vệ tế bào, giúp ngăn ngừa các nguy cơ như xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu, lão hóa tổn thương do bức xạ... Các dẫn xuất anthocyanin có tác dụng tái tạo tế bào võng mạc và giúp tăng thị lực vào ban đêm. Vì thế anthocyanin được dùng chủ yếu để đề phòng những biến cố của xơ vữa động mạch, những trường hợp xuất huyết như chảy máu cam, ho ra máu, tử cung xuất huyết...
Ngoài ra, theo các nghiên cứu cho thấy, cứ trong 100g, khoai lang tím chứa 1.59g protein, trong khi đó khoai lang vàng chỉ chứa 1.26g. Còn về khoáng chất, trong 100g khoai lang tím sẽ chứa 45,2mg canxi (gấp 1,28 lần so với khoai lang vàng), 1,7g sắt (gấp 1,42 lần so với khoai lang vàng) và 23,8g magie (gấp 1,63 lần khoai lang vàng). Trong khi đó, khoai lang vàng lại có hàm lượng vitamin C cao hơn khoai lang tím, trong 100g khoai lang vàng chứa tới 10,96mg vitamin C, trong khi khoai lang tím chỉ chứa 5,96mg.