Bài 1: Viên khớp CHAKO “loạn” quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng
15:45 13/07/2021
Viên khớp CHAKO do Công ty TNHH Thương mại CGS Việt Nam phân phối đang được quảng cáo “loạn” thị trường khiến người tiêu hoang mang.
Quảng cáo mạnh, che mắt người dùng
Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng gần đây, Viên khớp CHAKO lại nổi lên như một hiện tượng “lạ”, phủ sóng quảng cáo rầm rộ, “loan tin” trên các trang mạng xã hội, cho rằng sản phẩm là giải pháp đột phá, đẩy lùi bệnh xương khớp như: thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp, gout, đau dây thần kinh tọa, gai đốt sống cổ, tê bì chân tay... Đỉnh điểm, quảng cáo khẳng định CHAKO giúp hơn 686.000 giải quyết tình trạng bệnh xương khớp hiệu quả.
Có kết quả như vậy, sản phẩm này nêu ra cơ chế có khả năng “tấn công” và hỗ trợ điều trị dứt điểm của bệnh như loại thuốc điều trị thứ thiệt. Thậm chí, công dụng sản phẩm này còn được “thần thánh” hóa, với khả năng 60 ngày điều trị theo lộ trình như sau: “Sau 15 ngày sử dụng giúp tăng tiết dịch khớp và bổ sung chất dịch nhầy khớp. Nuôi dưỡng mô sụn, tránh trường hợp khô khớp, giúp khớp hoạt động trơn tru. 30 ngày tiếp theo sẽ bảo vệ và tái tạo màng sụn khớp, giúp vận động linh hoạt. Giảm ma sát ở các đầu sương gây ra tình trạng đau nhức. Sau 46 đến 60 tăng cường sức bền của mô sụn, ngăn ngừa bệnh tái phát”.
Để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng viên khớp CHAKO, trên website quảng cáo còn “dìm” thuốc Tây, với nhiều nội dung sai lệch chưa được kiểm chứng như: “Uống thuốc Tây lâu dài hay phẫu thuật có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ, tạo áp lực cho gan, thận, gây sỏi thận, nóng gan và khi ngưng thuốc sẽ bị đau trở lại. Đó là chưa kể việc điều trị xương khớp theo cách này hiệu quả ngắn, chi phí cao khiến người bệnh dễ bị bỏ dở liệu trình trị bệnh”.
Không chỉ “nổ” trên các website, viên khớp CHAKO còn có dấu hiệu lừa dối khách hàng khi tạo rất nhiều tài khoản trên trang facebook với nội dung xóa, đẩy lùi, điều trị tận gốc bệnh xương khớp. Đây cũng là hiện tượng quảng cáo quá đà khiến không ít khách hàng mắc “bẫy” truyền tai nhau sử dụng.
Thông tin PV điều tra tại một tài khoản có tên “Viên khớp CHAKO chính hãng” cũng sử dụng nhiều chiêu trò nhằm bán được sản phẩm. Theo quảng cáo, người bệnh chỉ cần để lại thông tin hoặc gọi tới số điện thoại 0398513371 sẽ được giúp thoát khỏi: Viêm khớp dạng thấp, gai đốt sống, thoát vị đĩa đệm L1, L2, L3, L4, thoái hóa đốt sống cổ C1, C2, C3,C4, C5, đau xương khớp đến mấy cứ gọi là khỏi hẳn...
Đây chỉ là một phần trong vô số những quảng cáo "nổ” được tung hô rất dễ thấy trên các trang mạng xã hội, trang web gắn với sản phẩm CHAKO.
Đặc biệt, để minh chứng cho chất lượng sản phẩm CHAKO, nhà phân phối còn “bồi” thêm rất nhiều video, hình ảnh các lương y, bác sĩ giới thiệu về sản phẩm với thời lượng gần chục phút để quảng cáo, lấy niềm tin từ khách hàng. Trước hết là hình ảnh Ths. Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương 108 hay PGS. TS Trần Quốc Bình – Giám đốc Bệnh viện YHCT Trung ương, và rất nhiều y, bác sỹ, dược sỹ để quảng cáo giới thiệu viên khớp CHAKO. Chưa hết, sản phẩm còn gắn với hàng loạt hình ảnh, câu chuyện của khách hàng, các nghệ sỹ chia sẻ về công dụng và hiệu quả dưới dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website.
Viên khớp CHAKO “nổ” công dụng như thuốc là sai
Được biết, sản phẩm viên khớp CHAKO được Cục ATTP cấp giấy công bố sản phẩm số 9033/2020/ĐKSP, và giấy xác nhận quảng cáo số 3142/2020/XNQC-ATTP cho Công ty CGS - số 21 Tô Vĩnh Diện, P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Công ty CGS có mã số thuế 0108639137, do bà Nguyễn Thị Huyền Trang làm Giám đốc.
Theo giấy phép được cấp, sản phẩm viên khớp CHAKO chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có tác dụng giúp bổ sung dưỡng chất cho khớp, hỗ trợ làm trơn ổ khớp, giúp khớp vận động linh hoạt, hỗ trợ tăng khả năn phục hồi khớp.
Cũng theo tìm hiểu, sản phẩm trên phân phối theo hình thức bán hàng online, khách hàng chỉ cần để lại thông tin cá nhân trên các trang website, facebook bán sản phẩm CHAKO thì vài phút sau sẽ có người gọi điện tư vấn, thăm khám và gửi thuốc theo đường bưu điện cho người dùng.
Trao đổi về vấn đề buôn bán TPBVSK qua mạng xã hội, trước đó, PGS. TS Lê Lương Đống - nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam nhận định, do sự hiểu biết của nhiều người còn hạn chế, ít có cơ hội được tìm hiểu bản chất sự việc nên dễ bị các đối tượng làm ăn chộp giật lợi dụng lòng tin vào những người nổi tiếng để quảng cáo, lừa dối.
Ông Đống cho rằng, mỗi khách hàng hãy là một người tiêu dùng thông minh, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, giấy phép và cần thiết hãy bốc máy hỏi chuyên gia… đặc biệt nên đến những cơ sở y tế tin cậy để khám, chữa và nghe theo lời khuyên của y bác sỹ.
Về việc sử dụng hình ảnh y, bác sỹ quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng ra thông báo số 21/ATTP-NĐTT chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Trong công văn, Cục này cho biết, một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm cho người sử dụng. Điều này vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.