Bà giáo hơn 33 năm cưu mang, dạy dỗ trẻ khuyết tật
15:57 26/04/2021
Dành cả thanh xuân để lắng lo cho những đứa trẻ không may mắn và chưa một lần bà Hồng có suy nghĩ từ bỏ, bởi hạnh phúc với bà là nhìn các con lớn lên từng ngày.
Sống trong sự đùm bọc, che chở của bà Phạm Thị Hồng (62 tuổi) những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật trong mái ấm không tên phần nào được xoa dịu những nỗi đau, sự bất hạnh. "Bà tiên Hồng" là tiếng gọi thân thương, trân trọng mà những đứa trẻ nơi đây và mọi người dành tặng cho bà.
Cưu mang trẻ bất hạnh
Nhắc đến mái ấm của trẻ em khuyết tật ở phường Ia Kring (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), không ai là không cảm phục trước tình yêu thương bao la của bà Hồng. Căn nhà chừng 50 mét vuông của bà là nơi cưu mang những đứa trẻ khuyết tật, câm điếc bẩm sinh không may bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.
Bà Hồng có thời gian nuôi dạy, gắn bó với trẻ em khuyết tật, chậm phát triển từ năm 1987. Đến năm 1990, để hoàn thiện thêm kiến thức và có thể tự tin đứng lớp, bà tham gia các khoá học do chuyên gia người nước ngoài đào tạo. Sau khi tốt nghiệp, bà giảng dạy cho trẻ em khiếm thị ở các trung tâm, trường khuyết tật tại TP.HCM.
Năm 1999, khi biết thông tin Tây Nguyên chưa có ngôi trường nào dành riêng cho trẻ khuyết tật, bà Hồng quyết định chọn Gia Lai làm điểm dừng chân, tạo ra mái ấm để nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ.
Động lực thôi thúc bà dẫn tới quyết định này chính là tình yêu với những đứa trẻ khuyết tật. Khi còn giảng dạy trẻ câm điếc bẩm sinh, mắc hội chứng đao ở TP.HCM, gia đình bà không ít lần cấm cản. Nên khi biết bà Hồng có ý định chuyển lên Tây Nguyên, mẹ của bà khóc liền mấy đêm vì không chịu nổi cú sốc tinh thần này.
“Tâm nguyện của mẹ là muốn tôi có tổ ấm riêng của mình, mẹ không muốn cả đời tôi chỉ chăm chăm vào những đứa trẻ không ruột thịt. Tuy nhiên, tôi từng nói với bà là tôi có thể bỏ gia đình nhưng nhất quyết không thể bỏ rơi những đứa trẻ không may mắn này được. Mãi đến khi tôi lên Tây Nguyên được mấy năm, năm 2005, gia đình tôi mới chấp nhận”, bà Hồng bộc bạch.
Hơn 33 năm, bà Hồng dành tâm huyết để lắng lo cho những đứa trẻ không may mắn. Bằng nhiều cách khác nhau, những đứa trẻ lên 2, lên 3 tuổi mắc chứng tự kỷ, hội chứng đao, trẻ câm điếc thậm chí cả trẻ mồ côi đều được bà Hồng đưa về nuôi nấng, dạy dỗ. Từ một nhóm trẻ chỉ 5-6 em, mái ấm này cưu mang cả trăm trẻ.
Hiện mái ấm của bà Hồng có 42 em theo học. Trong số này 16 em chậm phát triển, 10 em mắc hội chứng đao, 8 em câm điếc bẩm sinh và 8 em tự kỷ.
Để dạy dỗ một đứa trẻ bình thường không dễ, với những đứa trẻ đặc biệt này lại khó khăn gấp bội. Khi la hét, khi khóc lóc, khi lại thích một mình, mỗi trẻ lại có một cách biểu lộ cảm xúc khác nhau, chỉ cần không vừa ý là chúng nổi nóng ngay. Việc này đòi hỏi bà Hồng phải thật sự kiên nhẫn và bao dung.
Bà Hồng cho biết, ở mái ấm này, mỗi em một tính cách nên bản thân bà phải hiểu được tâm lý, hành động mỗi lúc phát bệnh để có thể kịp thời kìm các em lại. Bà Hồng còn tự biến mình thành một đứa trẻ để có thể dễ dàng chơi đùa, tâm sự và làm bạn với các em.
Hạnh phúc lớn lên từ mái ấm
Ngày mới thành lập mái ấm, vì không có tên tuổi, bảng hiệu nên ít ai biết tới, bà phải tự lấy tiền túi ra để nuôi nấng "các con", có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, mấy "mẹ con" sống qua ngày. Dần dần, nhiều người biết tới mái ấm hơn nên lui tới ủng hộ, người cho gạo, người cho rau để duy trì mái ấm. Đặc biệt hơn cả, hơn 20 năm nay, bà Hồng quyết không nhận sự ủng hộ bằng tiền mặt từ ai.
Dù vất vả, khó khăn muôn phần, nhưng ngần ấy năm gắn bó, bà Hồng chưa một lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Với bà, những đứa trẻ ấy không chỉ là học trò đặc biệt mà còn là những người con, người cháu mà bà hết mực yêu thương.
Bà tập cho các em lớn hơn chăm sóc các em nhỏ, biết làm công việc nhà và tự giác chăm lo cho bản thân. Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất đối với bà Hồng bây giờ là làm sao để các em khi lớn lên sẽ có công việc để tự nuôi sống bản thân.
“Thường các em khuyết tật khi ra ngoài xã hội sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi tìm việc làm nên trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng nắm bắt được sở trường của mỗi em để sau này còn định hướng công việc. Tôi mong muốn các em khi lớn lên phải được xã hội công nhận, có việc làm trong khả năng để có thể tự lo cho bản thân", bà Hồng tâm sự.
Và điều hạnh phúc hơn cả mà bà Hồng gọi là "quả ngọt" đó là trong hành trình hơn 33 năm giúp đỡ các em, bà trải qua thiên chức làm mẹ, làm cha, là ông bà và cả là chủ hôn se duyên cho những đứa con của mình. Cũng nhờ bà Hồng mà các em khuyết tật nên duyên vợ chồng, những đứa trẻ đáng yêu may mắn được chào đời trong vòng tay âu yếm và tràn ngập tình yêu thương.