Rau dền là loại rau mùa hè được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng loại rau này đúng cách.
Theo y học cổ truyền, rau dền đỏ có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, làm mát máu, sát trùng, trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt... Rau dền đỏ có thể luộc, xào hoặc nấu canh ăn rất ngon và ngọt.
Rau dền có nhiều loại như: Dền cơm, gai, trắng,… Loại lá lớn có màu đỏ tía là dền đỏ, có đặc điểm là thân mọng nước, nấu chóng nhừ, nấu canh thì ngon hơn.
Rau dền đỏ chứa nhiều protid, glucid, nhiều vitamin và chất khoáng. Hàm lượng chất sắt trong rau dền nhiều hơn so với bó xôi, hàm lượng canxi gấp 3 lần.
Khác với rau dền gai, dền cơm, rau dền đỏ có lá nhỏ chừng hai ngón tay chụm lại, thân và lá đều có màu đỏ tía, khi nấu chín nước nấu có màu đỏ tươi rất đẹp mắt.
Rau đền có công dụng rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn cần thận trọng khi ăn nếu không muốn bị độc tố. Dưới đây là 4 sai lầm khi ăn rau dền, bạn cần lưu ý.
Người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sạn thận: Rau dền chứa nhiều acid oxalic ảnh hưởng nhiều trên sự ức chế hấp thu canxi và kẽm. Đồng thời dễ hình thành các sỏi oxalate nên cần tránh cho các bệnh nhân đang bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sạn thận.
Người có cơ thể tính hàn, phụ nữ có thai hư hàn không ăn rau dền: Theo các chuyên gia, rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người tiêu lỏng và tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn.
Hâm đi hâm lại nhiều lần: Rau dền nấu chín không nên hâm đi hâm lại nhiều lần vì nitrat có trong lá sẽ bị chuyển đổi thành nitrit là chất nguy cơ gây ung thư và không tốt cho trẻ nhỏ.
Không ăn thịt ba ba với rau dền: Đặc biệt, không nên ăn thịt ba ba cùng với rau dền vì theo Đông y, việc 2 thứ này kết hợp với nhau có thể gây độc. Gặp trường hợp này, cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.