Dâu tây, khoai lang, đậu phộng, sữa chua… là những thực phẩm có tải lượng đường (GL) thấp, không gây tác động nhiều đến đường huyết.
Đường huyết cao ở người bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về tim, thận, mắt... Chọn thực phẩm lành mạnh và đúng cách có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Thực phẩm có tải lượng đường huyết (GL) thấp hoặc trung bình sẽ phân hủy chậm hơn, ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và insulin. GL từ 10 trở xuống là thấp, 11-19 là trung bình và 20 trở lên là cao. Dưới đây là 10 loại thực phẩm có GL ở mức trung bình, thấp.
Dâu tây
Dâu tây có lượng đường thấp hơn so với các loại trái cây phổ biến như táo, cam với GL là một, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Ăn dâu tây giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn (cải thiện độ nhạy insulin), có thể ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường.
Quả mâm xôi
Mâm xôi là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, trở thành trái cây thân thiện với bệnh tiểu đường. Trái cây này có chỉ số GL là 2. Kết hợp mâm xôi hoặc các loại quả mọng với pho mát, các loại hạt, sữa chua hoặc sữa ít béo giúp cung cấp protein, chất béo từ sữa và hạt để cân bằng hàm lượng carbohydrate.
Cà rốt
Cà rốt không chứa tinh bột, tốt cho chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân tiểu đường. Cà rốt luộc có GL là 2, an toàn cho người bệnh ăn trong mỗi bữa mà không lo đường huyết tăng đột biến.
Khoai lang
Loại củ này giàu chất xơ có thể hỗ trợ lượng đường trong máu khỏe mạnh. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, hấp thụ và làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu. Khoai lang luộc có GL trung bình là 11 nên người bệnh ăn với lượng vừa phải giúp tránh tăng đường huyết.
Ngũ cốc nguyên cám
Ngũ cốc nguyên cám rất giàu chất xơ không làm tăng nhanh lượng đường trong máu khi tiêu thụ như ăn cơm hay thực phẩm giàu tinh bột khác. Người bệnh có thể ăn loại ngũ cốc này (bánh mì nguyên cám, gạo lứt) cùng với sữa ít béo, sữa đậu nành ít đường (không đường) để tăng lượng protein (chất đạm).
Đậu phộng
Đậu phộng là món ăn nhẹ lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường vì góp phần kiểm soát lượng đường trong máu. Đậu phộng chứa protein, rất ít carb và có GL là một nhưng có tỷ lệ chất béo cao (28 g đậu phộng rang chứa 15 g chất béo). Do đó, người bệnh tiểu đường nên ăn với khẩu phần vừa phải.
Đậu lăng đỏ
Đậu lăng đỏ luộc có GL là 4, giàu chất xơ (một cốc đậu chứa 5 g chất xơ) giúp kiểm soát lượng đường trong máu, thích hợp bổ sung vào chế độ ăn kiêng cho người bệnh tiểu đường. Đậu lăng cũng là nguồn cung cấp protein thực vật có thể thay thế thịt để kiểm soát cân nặng.
Lúa mạch
Lúa mạch là một loại ngũ cốc chứa carb nhưng cũng chứa chất xơ hòa tan nên không ảnh hưởng lớn đến đường huyết. Khi lúa mạch được tiêu thụ có thể tạo thành một loại gel giúp hấp thụ carbohydrate và giảm lượng đường trong máu. Lúa mạch có GL là 9, thân thiện với người bệnh tiểu đường. Bạn có thể ăn kèm với bột yến mạch, các loại hạt, trái cây hoặc trứng luộc để làm chậm quá trình tiêu hóa.
Sữa chua
Sữa chua nguyên chất (không đường, không béo) là lựa chọn cho người cần theo dõi đường huyết vì thực phẩm này có GL là 3. Sữa chua nguyên chất chứa cả carb và protein chất lượng cao làm chậm hoặc ngăn ngừa sự gia tăng đường trong máu không lành mạnh. Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa chua còn giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.
Phô mai tươi
Phô mai ít béo (phô mai tươi) có hàm lượng protein cao và ít carb là thực phẩm phù hợp cho bữa ăn nhẹ hoặc bữa ăn chính dành cho bệnh nhân tiểu đường. Loại phô mai này có GL là 0,6, ít tác động đến đường huyết và tránh lượng đường trong máu tăng đột biến. Phô mai tươi còn chứa ít carbohydrate hơn sữa chua hoặc sữa, dùng để thay thế hai thực phẩm này rất tốt.