Trẻ ăn nhiều rau, cá, quả mọng, hồng, thực phẩm giàu protein có thể giúp tăng tế bào bạch cầu, hỗ trợ khả năng miễn dịch.
Bên cạnh việc khuyến khích trẻ ngủ đủ giấc và hoạt động thể chất thường xuyên, việc ăn thực phẩm lành mạnh giàu chất chống oxy hóa, protein nạc góp phần giúp trẻ duy trì sức khỏe hệ thống miễn dịch tốt, tránh nhiễm trùng bệnh tật.
Cá: Cá giàu omega 3, còn dầu cá chứa axit docosahexaenoic (DHA) và axit eicosapentaenoic (EPA). Axit béo omega-3 và các chất béo lành mạnh khác giúp tăng cường hoạt động của bạch cầu. Omega-3 thúc đẩy sản xuất các hợp chất điều chỉnh khả năng miễn dịch trong cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị hư hại do phản ứng quá mức với nhiễm trùng. Trẻ có thể ăn các loại cá như cá ngừ, cá hồi, cá thu để nhận được lượng axit béo omega 3 DHA và EPA tối ưu.
Nấm: Nấm có thể là một "vũ khí" để ngăn ngừa cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm trùng khác. Nấm ngọt và khá thân thiện với trẻ em. Thực phẩm này cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nướng, chiên, xào hoặc nấu súp...
Sữa chua: Thực phẩm này có thể dùng để ăn tráng miệng hoặc như một món ăn nhẹ trong bữa phụ. Phụ huynh có thể cho trẻ ăn sữa chua nguyên vị hoặc thêm trái cây, kẹo ngọt, các loại hạt... tùy theo sở thích.
Sữa chua giàu canxi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra các vi khuẩn có lợi trong sữa chua, như lactobacillus acidophilus, có thể bảo vệ đường ruột chống lại các bệnh tiêu hóa, tăng khả năng miễn dịch, giúp phòng các bệnh nhiễm trùng, ngăn ngừa cảm lạnh,... Sữa chua còn là nguồn protein tốt mà cơ thể sử dụng để tạo ra các tế bào bạch cầu.
Thịt gia cầm, thịt nạc: Thực phẩm giàu protein gồm thịt nạc, thịt gia cầm chứa nhiều kẽm - khoáng chất làm tăng tế bào bạch cầu. Người lớn có thể cung cấp kẽm cho trẻ qua các thực phẩm khác như hàu, các loại hạt, ngũ cốc, đậu...
Rau củ có màu sắc rực rỡ: Beta-carotene là chất chống oxy hóa hỗ trợ chức năng miễn dịch, có trong các loại trái cây và rau màu vàng tươi, cam và đỏ...
Quả hạch: Đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất giàu protein, vitamin E, axit béo omega-3 và kẽm. Các nghiên cứu đã chỉ ra, ăn các loại hạt góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
Quả mọng: Các loại quả mọng giàu vitamin C và bioflavonoid, chất phytochemical... có vai trò giống như chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào. Một số quả mọng trẻ có thể thích như dâu tây, việt quất, cam, quýt...
Tỏi: Tỏi có tính kháng khuẩn và kháng virus. Tuy nhiên tỏi khá khó ăn sống và mùi vị có thể không hấp dẫn với trẻ em. Ba mẹ có thể cho tỏi như một loại gia vị vào các món ăn kèm của con, giúp trẻ làm quen với loại thực phẩm này từ sớm.
Socola: Socola và chiết xuất ca cao ảnh hưởng tích cực đến hệ thống miễn dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ socola thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giúp tăng cholesterol tốt, đảo ngược tổn thương mạch máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Món ăn này có vị ngọt thanh, dễ lôi cuốn các bé.
Quả hồng: Trái cây này giàu vitamin A và C, có chức năng điều hòa các tế bào miễn dịch. Trẻ có thể ăn hồng chín, hồng ngâm hoặc mứt quả hồng, làm một số loại bánh ngọt.