Wednesday, 04/12/2024

VẠCH TRẦN KỸ NGHỆ TẠO... "THẦN Y": Hồi chuông cảnh tỉnh

16:46 28/04/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Khi loạt bài điều tra "Vạch trần kỹ nghệ tạo... "thần y" khởi đăng cũng là lúc rất nhiều nạn nhân liên hệ Báo Người Lao Ðộng phản ánh hoàn cảnh thương tâm của gia đình khi tin vào "thần y" trên mạng

Tìm gặp chúng tôi, bà Trần Thị Phượng (quê Tây Ninh) nói trong nước mắt rằng con bà vừa đi cấp cứu xong, mạng sống treo lơ lửng. Căn nhà nhỏ làm chỗ cho mẹ con bà chui ra, chui vào ở Tây Ninh cũng đã bán để lo cho con. "Tất cả bởi tôi mù quáng tin theo lời quảng cáo của các video đăng tải trên một kênh YouTube nổi tiếng" - bà Phượng thổ lộ.

Bà Trần Thị Phượng (quê Tây Ninh) gom hết tài sản để mua thuốc từ trên mạng, để rồi tiền mất, tật con bà mang. Ảnh: NGUYỄN LÊ

Những câu chuyện ngập nước mắt

Theo bà Phượng, vì nóng lòng trị căn bệnh suy thận đeo đẳng đứa con 15 tuổi suốt 10 năm nên trong một lần tình cờ xem đoạn video về nội dung "Dẫn mẹ đi chữa bệnh" - của kênh YouTube hơn 1,2 triệu người đăng ký có tên A.T.M.L, kết quả sau đó người mẹ hết hẳn - chẳng chút do dự, bà quyết định đặt mua thuốc. Bà liên lạc điện thoại, đầu dây bên kia xưng là chuyên viên y tế của lương y Triệu Thị Chiến. Nhân viên này kể tỉ mỉ các biểu hiện và nguyên nhân bệnh của con bà như nắm rõ chân tơ kẽ tóc cộng với việc cam kết uống là khỏi nên lập tức, bà bỏ ra số tiền 3,8 triệu đồng để mua liệu trình điều trị 1 tháng.

Sau 1 tháng thấy con bớt đau, bà Phượng tiếp tục đặt mua thuốc và lần này, nhân viên tư vấn khuyên bà dùng liệu trình "mạnh hơn" để con sớm khỏi bệnh với số tiền 40 triệu đồng cho liệu trình 3 tháng. Do thấy sức khỏe con có chút tiến triển, bà Phượng đặt mua tiếp thêm 3 liệu trình 3 tháng. Gần đây nhất, bà ngỏ ý dẫn con ra gặp người thầy thuốc được cho là cứu chữa được bệnh con mình với mục đích thăm khám trực tiếp và gửi lời cảm ơn. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn liên tục từ chối và nó rằng "thầy bận đi công tác".

Thế rồi, đến đầu tháng 4-2021 - tức hơn một năm uống thuốc từ "thần y" trên mạng, con trai bà Phượng phải nhập viện cấp cứu. "Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Ðồng 2 (TP HCM) kết luận men gan con tôi tăng quá cao, may mà đưa đến bệnh viện kịp chứ không thì nguy hiểm tính mạng" - bà Phượng nghẹn ngào. Quá bức xúc, bà Phượng liên lạc lại chủ kênh YouTube nêu trên để hỏi rõ thì người này lại nói đó chỉ là đoạn quảng cáo chứ "chẳng phải mẹ cha gì"!

Tương tự, vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Liêm (ngụ phường Phước Long, TP Thủ Ðức) bức xúc cho biết vì tin lời "thần y" trên mạng mà sức khỏe ông suy kiệt, còn mẹ ông không thể đi lại được, cơ thể đầy ứ nước. Số là, thấy "thần y" trên mạng chữa bệnh quá hay nên ông Liêm đặt mua thuốc sỏi thận. Uống vào thấy việc đi tiểu dễ dàng hơn hẳn nên ông đặt mua thuốc thấp khớp cho mẹ. "Khi bệnh tình trở nặng, tôi liên hệ các "thần y" và chủ các kênh YouTube thì họ vẫn một mực nói đó là thuốc bí truyền và còn cố tình mồi chài mua thêm" - ông Liêm kể.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nguyệt (quê Trà Vinh) vừa tổ chức lễ cúng 49 ngày cho người chị ruột. Dù biết bệnh ung thư chưa có thuốc chữa trị nhưng bà Nguyệt tin lời từ quảng cáo trên mạng nên đã tìm mua cho người chị. Ðến khi uống chưa được 4 liều thì người thân của bà đột ngột nôn thốc, ói ra máu và mất trên đường đi cấp cứu.

"Cứ nhìn bao thuốc nặng hơn 3 kg nằm ở góc nhà là tôi lại nhớ đến sự ra đi tức tưởi của người chị. Dẫu biết bệnh ung thư sớm muộn gì cũng phải ra đi nhưng nếu phải chi tôi không tin "thần y" trên mạng thì chị tôi vẫn có thể kéo dài cuộc sống" - bà Nguyệt nói trong nước mắt.

"Họ ác quá, cần nghiêm trị"!

"Tôi nghèo, có căn nhà dưới quê vẫn phải bán đi để lấy 130 triệu đồng mua thuốc cho con vì tin họ. Họ ác quá! Các anh đưa nguyên văn lời tôi lên báo để cảnh báo mọi người cũng như kêu gọi những kẻ đánh mất lương tri kia sớm hoàn lương" - bà Phượng bày tỏ.

Theo bà Phượng, cuộc sống của bà đang rơi vào cảnh túng quẫn, phải ly hương lên TP HCM thuê nhà bán vé số mưu sinh và tiện lui tới bệnh viện chăm sóc cho con đang nằm cấp cứu. Ông Liêm thì bức xúc: Quả thật họ quá bất nhân khi trục lợi trên thân xác người bệnh, cần phải moi ra những kẻ trục lợi để nghiêm trị.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một phòng khám y học cổ truyền nằm trên đường Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP HCM, bệnh nhân tìm đến đây để điều trị về các căn bệnh cột sống, xương khớp tăng đột biến; trong đó, hơn một nửa từng mua phải thuốc trên mạng. Chủ phòng khám, ông Nguyễn Văn Giáp cho biết mới đây, một bệnh nhân uống thuốc trên mạng đã bị phù nước, tăng cân hơn 15 kg, xương khớp có biểu hiện thoái hóa rất nặng. Khi kiểm tra thuốc, ông bất ngờ phát hiện có thành phần giảm đau rất nhiều. "Lúc đầu uống thuốc vào, cơn đau sẽ giảm rõ rệt, từ đó người bệnh sẽ tin tưởng vào bài thuốc nhưng về sau rất nguy hiểm cho sức khỏe" - ông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Giáp, việc kê toa, bắt mạch qua điện thoại đi ngược với phương pháp đông y. Nguyên tắc hàng đầu của đông y là phải gặp trực tiếp bệnh nhân, tiếp xúc nhịp đập của mạch, nhìn ngắm nước da, ánh mắt để xác định mức độ của bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ được hốt thuốc để uống không quá 1 tháng và phải dưới 5 thang thuốc. Ðặc biệt, dù hết bệnh hay giảm bệnh cũng quay lại để tiếp tục điều chỉnh thành phần thuốc nhằm duy trì sức khỏe theo hướng tốt. "Tình trạng thuốc nam và thuốc bắc được bày bán với những lời quảng cáo đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Mong các cơ quan có trách nhiệm sớm nghiêm trị những kẻ vì tiền mà đánh mất lương tri càng sớm càng tốt" - ông Nguyễn Văn Giáp đề nghị.

Luật sư Nguyễn Tri Ðức (Ðoàn Luật sư TP HCM) cho rằng điều tra của Báo Người Lao Ðộng đã phơi bày một kỹ nghệ dựng lên các "thần y" dỏm để trục lợi người bệnh. Càng đau lòng hơn khi chứng kiến bao nhiêu gia đình điêu đứng vì túng quẫn, sức khỏe người thân suy kiệt... Vấn nạn này đã diễn ra thời gian dài, gây ra rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho các bệnh nhân. Do đó, tất cả nạn nhân của "thần y" cần khẩn trương tố cáo sự việc để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý theo thẩm quyền.

"Hành vi lừa đảo bán thuốc dỏm, thuốc giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", theo quy định tại điều 194 Bộ Luật Hình sự. Luật quy định có thể phạt tù từ 2 năm đến 20 năm" - luật sư Ðức phân tích và tiếp tục kêu gọi nạn nhân mạnh dạn tố cáo để cơ quan chức năng có thêm cơ sở xử lý.

Ngoài ra, luật sư Ðức cũng khẳng định các YouTuber không thể vô can. Ông đã thử tìm kiếm trên nền tảng YouTube về các nội dung quảng cáo và cho ra kết quả trên 100 nội dung "thần y". Trong đó, khá bất ngờ khi một ca sĩ liên tục dùng những cụm từ như "Tôi đã dùng hiệu quả tức thì" và liên tục nhắc đi, nhắc lại bài thuốc bí truyền "uống là khỏi". Lời nói người này chắc chắn sẽ có trọng lượng rất lớn vì độ uy tín và sự nổi tiếng.

"Theo quy định, thuốc muốn quảng cáo không hề đơn giản vì chúng tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Nghị định 54/2017/NÐ-CP và Luật Dược năm 2016 về lĩnh vực thủ tục hành chính, quảng cáo thuốc có 2 thủ tục chính. Phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo và hình thức quảng cáo được kiểm duyệt bởi nhiều đơn vị, tránh nói quá, nói không đúng sự thật. Như vậy, với câu chuyện được các YouTuber cắt ghép, dàn dựng đã tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo dễ dàng hơn. Có thể nói trục lợi bệnh nhân là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Mọi hành vi lợi dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các hình thức khác để vu khống sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... đều bị pháp luật xử lý và nghiêm trị theo luật định. Bên cạnh biện pháp chế tài hành chính nêu trên, hành vi dàn dựng clip trên YouTube quảng cáo sai sự thật có thể bị truy tố theo điều 197 và điều 288 Bộ Luật Hình sự hiện hành" - luật sư Nguyễn Tri Ðức phân tích.

Lương y Nguyễn Ðức Nghĩa mở lại tấm hình của ông bị gán ghép vào mẫu quảng cáo bán thuốc “nhà tôi 3 đời...”.Ảnh: NGUYỄN LÊ

Lương y bị mạo danh nên làm gì?

Ngoài lương y Triệu Thị Thanh - Chủ tịch Hội Ðông y xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội - nhờ Báo Người Lao Ðộng lên tiếng giúp vì liên tục bị mạo danh thì ngay trong ngày 27-4, lương y Nguyễn Ðức Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Dược liệu TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Ðông y quận 3 (học trò của GS Ðỗ Tất Lợi - người được mệnh danh là "Bách khoa về cây thuốc, dược liệu số 1 của Việt Nam") - cũng liên hệ với phóng viên. 

Ông Nghĩa cho hay cách đây 3 tháng, bỗng trên mạng xuất hiện mẫu quảng cáo bán thuốc chữa trị tuyền liệt tuyến, bệnh trĩ "nặng cỡ nào cũng hết", kèm theo đó là gán ghép hình ảnh của ông trong mẫu quảng cáo. Bức xúc, những học trò của ông Nghĩa lần theo số điện thoại, địa chỉ đăng trên mẫu quảng cáo thì mới phát hiện ở tận ngoài Bắc, không liên quan gì hoạt động chuyên môn y dược cổ truyền của ông ở phía Nam. Khi lương y Nguyễn Ðức Nghĩa làm căng thì mẫu quảng cáo kia mới gỡ xuống trong tuần.

"Cả đời tôi hành nghề chuyên môn được nhà nước bảo trợ, vậy mà mượn hình ảnh để làm bậy, tự đưa tên tuổi tôi lên để bán thuốc, trục lợi, thấy bát nháo quá. Cơ quan chức năng, quản lý cần "siết" mạnh vấn đề này. Ở TP HCM có 2.985 hội viên, nếu mượn hình ảnh làm bậy thì tào lao đến cỡ nào?" - lương y Nguyễn Ðức Nghĩa bức xúc và đề nghị nghiêm trị những kẻ làm liều.

Theo luật sư Nguyễn Tri Ðức, với trường hợp bị mạo danh như lương y Nguyễn Ðức Nghĩa, lương y Triệu Thị Thanh thì cách hay nhất là cần tiến hành làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng. Bởi lẽ, quyền về hình ảnh cá nhân là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Ngoài việc tố cáo, theo ông Ðức, cá nhân có hình ảnh bị các đối tượng lợi dụng quảng cáo sai sự thật để bán thuốc trục lợi có thể chủ động thực hiện việc khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết sự việc đối với những thiệt hại (nếu có) do hành vi xâm phạm hình ảnh nói trên, tự bảo vệ quyền lợi của mình. 

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke