Dán tem, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản là một giải pháp để HTX sản xuất khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, làm sao để HTX nông nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản hiệu quả, rất cần nhiều giải pháp đồng bộ từ cả phía HTX và các cơ quan nhà nước.
Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 49% người tiêu dùng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 47% cho biết muốn tra cứu nhưng không có đủ thông tin, 74,8% cho rằng rất khó để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trước ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm, đòi hỏi các HTX phải minh bạch hóa quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Còn nhiều bất cập
Nắm bắt được điều này, HTX thanh long Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã ứng dụng công nghệ quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, các quy trình sản xuất thanh long đều được các hộ số hóa trên hệ thống phần mềm. Hoạt động ghi chép nhật ký được thực hiện trên điện thoại di động. Nhờ công nghệ quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, việc quản lý 275 hộ thành viên và 280ha thanh long nằm trên địa bàn 9 xã của HTX trở nên thuận tiện hơn. HTX cũng dễ dàng giới thiệu quy trình sản xuất đến đối tác, người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người dân áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.
Từ mô hình của HTX Hàm Thuận Nam cho thấy, không chỉ mang lại hiệu quả từ minh bạch thông tin sản phẩm, khi áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR còn giúp HTX, doanh nghiệp xuất khẩu tiết giảm được thời gian thông quan hàng hóa đáng kể. Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, 1 container trái cây xuất khẩu phải mất 3-4 giờ để thông quan thì sau khi thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng mã QR giảm xuống chỉ còn khoảng 3-5 phút.
Hiệu quả từ thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng hình thức điện tử là điều không phải bàn cãi, tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Nguyên nhân hàng đầu là do chi phí sản xuất tem truy xuất nguồn gốc tương đối lớn làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, nên nhiều HTX chưa mặn mà.
Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (Hà Nội) Nguyễn Hưng Thỉnh chia sẻ, việc dán tem truy xuất nguồn gốc khiến chi phí sản xuất của HTX tăng 10-15%, nhưng lượng tiêu thụ của HTX vẫn còn nhỏ lẻ nên nên chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc HTX Rau Vân Hội Xanh (Vĩnh Phúc) cũng cho biết, việc dán tem truy xuất nguồn gốc làm phát sinh chi phí, đội giá thành sản phẩm lên khoảng 1-2 nghìn đồng/kg rau nên khó thu hút được khách hàng. “Trung bình 1 quả dưa chuột HTX bán 1 nghìn đồng nhưng khi dán tem truy xuất nguồn gốc, chi phí sẽ phải cộng thêm 4 trăm đồng/quả, đó là chưa tính công dán tem”, ông Hoàng nói.
Bên cạnh đó, hầu hết hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các HTX đều thực hiện qua bên thứ 3 (doanh nghiệp cung cấp mã QR) nên không thể tránh khỏi sai sót trong quá trình nhập dữ liệu. HTX nông nghiệp cũng không chủ động quản lý thông tin nên bất cập khi thay đổi nội dung.
PGS. TS. Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng khoa học của HTX nông nghiệp Số cho biết, hiện các hộ sản xuất nông sản chủ yếu thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất, sau đó nhập thủ công lên máy tính và phải tiến hành nhiều lần mới có bộ thông tin sản phẩm đầy đủ để xuất mã tem. Mặt khác, trình độ của nhiều hộ sản xuất còn hạn chế, nên khâu ghi nhật ký sản xuất vẫn lúng túng. Hiện nay, việc thực hiện mã QR mới dừng lại ở khâu làm rõ địa chỉ, tên sản phẩm, thời gian sản xuất, nhiều HTX chưa thông tin được toàn bộ quy trình sản xuất, nuôi trồng theo chuỗi giá trị.
Để truy xuất không dừng ở "phần ngọn"
Truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bắt buộc đối với các HTX sản xuất nông sản, thực phẩm cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, yêu cầu thị trường ngày càng khắt khe, cùng với sự tác động của hàng giả, hàng kém chất lượng đòi hỏi việc truy xuất nguồn gốc phải thật sự bài bản.
Để áp dụng truy xuất nguồn gốc cho một sản phẩm nào đó, trước tiên HTX cần trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cần thiết và các thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy tính bảng, smartphone... Kế đến, các cơ quan hữu quan cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu của các HTX.
Kỹ sư Lê Anh Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc HTX nông nghiệp số, cho biết để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiệu quả, HTX có thể thu thập dữ liệu thông qua hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ HTX trang bị thêm máy in, phôi tem để phục vụ nhu cầu in tem tại chỗ thay vì phụ thuộc vào đơn vị cung cấp. Điều này giúp hạn chế tình trạng thông tin không được kiểm chứng, hay tình trạng dán nhầm tem, gây lãng phí.
Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp, hiện 95% các sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị được sử dụng tem điện tử có gắn QR code và được quảng bá là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế đó mới chỉ dừng lại ở việc truy xuất thông tin, dữ liệu thông qua tem chứ chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa gắn với hoạt động quản lý và chưa có chiều sâu về mặt dữ liệu.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Bích Thao tuy đã gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử nhưng mới chỉ dùng ở việc hiển thị thông tin trang web của HTX, chưa kết nối được với cơ quan quản lý nhà nước nên các đơn vị này chưa thể hiện được vai trò đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc của HTX. Cụ thể là khi xảy ra sự cố về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quản quản lý không thể yêu cầu HTX truy xuất ngược thông tin bằng chính hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử QR code.
Chính vì vậy, theo PGS. TS. Phạm Quang Hà, khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, các HTX cần gắn với các hoạt động quản lý nhà nước điển hình như hệ thống quản lý dữ liệu địa phương (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...), hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hệ thống quản lý chương trình OCOP, các cổng thông tin truy xuất nguồn cấp tỉnh/cấp quốc gia.
“Khi gắn với quản lý nhà nước thì HTX mới phát huy được hiệu quả của hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó thực hiện truy xuất đúng và đủ, đồng thời tăng cường trách nhiệm của chính HTX nông nghiệp và cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm”, PGS. TS. Phạm Quang Hà chia sẻ.
Còn theo ý kiến của TS. Vũ Dương Quỳnh, Viện Môi trường Nông nghiệp, để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc nông sản đòi hỏi các HTX sản xuất phải có giải pháp đồng bộ từ khâu tích tụ ruộng đất đến quy trình sản xuất, chế biến phải thống nhất, bảo quản, vận chuyển theo đúng yêu cầu. Đây cũng là cách giảm chi phí cho HTX trong đầu tư. Song song với đó, các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem nhằm giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm để tạo thuận lợi cho HTX khi áp dụng.