Wednesday, 24/04/2024

Triển vọng nào cho thuốc điều trị Covid-19?

10:17 29/07/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Sau Pfizer và Merck, Shionogi tuyên bố thử nghiệm trên người loại thuốc uống cho bệnh nhân Covid-19, dấy lên tia hy vọng về cơ hội để thế giới sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Ngay cả khi vaccine đang được cung cấp trên toàn thế giới, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 vẫn là mối đe lớn đối với sức khỏe con người.

Ở một số quốc gia, nhiều bệnh nhân đang chiến đấu với Covid-19 bằng một vài liệu pháp chữa trị hiện có. Chẳng hạn, thuốc kháng virus remdesivir do Gilead Sciences (Mỹ) sản xuất có thể tăng tốc độ hồi phục của bệnh nhân, nhưng chưa giúp giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh, Bloomberg cho biết.

Theo Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học (BIO), 246 loại thuốc kháng virus đang được phát triển. Nhiều công ty lớn đang thử nghiệm những thuốc này ở dạng viên.

Công ty Shionogi (Nhật Bản) hôm 26/7 vừa thông báo bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc viên uống một lần dành cho bệnh nhân Covid-19. Trước đó, Pfizer nói loại thuốc viên uống hai lần mỗi ngày của hãng có thể sẵn sàng tung ra thị trường ngay trong năm nay.

Không chỉ vậy, Merck - một công ty khác có trụ sở tại Mỹ, cũng khẳng định dự kiến sản xuất hơn 10 triệu liều, với 10 viên thuốc mỗi liều, vào trước năm 2022.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng dù vaccine vẫn có hiệu quả trong việc bảo vệ con người, ngay cả đối với biến chủng Delta, nguy cơ dịch bệnh vẫn chưa thể giải quyết hoàn toàn, Bloomberg nhận định.

Công việc mà Pfizer, Merck, Shionogi cùng nhiều công ty khác đang làm góp phần lấp đầy một trong những lỗ hổng lớn nhất còn lại trong nỗ lực kiểm soát đại dịch.

Phát triển thuốc điều trị Covid-19 có vai trò quan trọng trong nỗ lực đối phó với đại dịch. Ảnh: NZON.

Shionogi "muốn đáp ứng kỳ vọng" của mọi người

Được thành lập vào năm 1878, Shionogi là công ty dược phẩm chuyên sản xuất thuốc với khoảng 5.500 nhân viên trên toàn thế giới.

Nikkei Asia cho biết từ tháng 12/2020, khi tiến hành thử nghiệm kết hợp vaccine Covid-19 giai đoạn 1 và 2, Shionogi cũng đồng thời phát triển loại thuốc uống tự sản xuất để điều trị đại dịch.

Công ty có trụ sở tại Osaka muốn dành loại thuốc của hãng cho những bệnh nhân nhiễm bệnh giai đoạn đầu và chưa nhập viện.

Ông Isao Teshirogi, Giám đốc điều hành Shionogi, nhấn mạnh rằng nếu muốn ngăn chặn sự lây lan của virus, việc điều trị cho đối tượng này rất cần thiết.

"Mọi người nói rằng bây giờ là thời điểm để Shionogi đóng góp", ông Teshirogi nói. "Chúng tôi muốn đáp ứng những kỳ vọng đó", ông khẳng định.

Cho đến gần cuối tháng 6, Shionogi vẫn giữ kín các chi tiết về loại thuốc Covid-19 của mình.

Trước khi sản xuất thuốc điều trị Covid-19, năm 2013, Shionogi từng cung cấp thuốc Tivicay (dolutegravir), loại dược phẩm ức chế hoạt động của virus HIV. Đến năm 2017, Tivicay mang về doanh thu gần 2 tỷ USD cho công ty.

Sau đó, Shionogi cũng tiếp tục sản xuất thuốc cảm cúm Xofluza (baloxavir marboxil), loại thuốc đã được Nhật Bản phê duyệt vào tháng 2/2018.

Theo tạp chí Nature, Xofluza gây ức chế, giúp ngăn chặn tổng hợp ARN thông tin (mRNA). Đây là bước cần thiết đầu tiên trong vòng đời của virus cúm khi xâm nhập vào tế bào bên trong cơ thể.

Ông Yoshinori Yamano, chuyên gia tại bộ phận nghiên cứu dược phẩm của Shionogi, cho biết: “Chúng tôi tin rằng có thể áp dụng bí quyết của mình trong việc phát hiện ra các hợp chất kháng virus mới".

Bên trong cơ sở sản xuất của Shionogi. Ảnh: Unigen.

"Vũ khí" mới của Pfizer

Vào tháng 5, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết đang thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 mang tên PF-07321332.

Ông Mikael Dolsten, thành viên của Pfizer, nói: “Đối phó với đại dịch Covid-19 đòi hỏi cả phòng ngừa bằng vaccine lẫn điều trị cho những người đã nhiễm virus”.

Trước đó, Pfizer lần đầu tiên thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 thông qua phương pháp truyền tĩnh mạch.

"Chúng tôi tạo ra PF-07321332 như một loại thuốc uống có thể kê đơn khi xuất hiện dấu hiệu lây nhiễm đầu tiên. Người bệnh không cần phải nhập viện cũng không cần chăm sóc đặc biệt", ông Dolsten cho biết.

Đồng thời, ông Dolsten nói rằng đối với bệnh nhân phải nhập viện, "loại thuốc kháng virus tiêm tĩnh mạch của Pfizer là lựa chọn tiềm năng".

"Cùng với nhau, cả hai có thể tạo ra mô hình điều trị bổ sung cho việc tiêm chủng", ông Dolsten khẳng định.

Hồi tháng 4, Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla lạc quan rằng loại thuốc của Pfizer có thể được phê duyệt và sẽ sẵn sàng "vào cuối năm".

Hôm 16/6, gã khổng lồ dược phẩm của Mỹ Pfizer cũng công bố kết quả nghiên cứu thuốc Xeljanz với khả năng làm giảm tỷ lệ tử vong và suy hô hấp ở bệnh nhân bị Covid-19.

Trước đó, Xeljanz là loại thuốc uống được dùng cho bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp. Nghiên cứu của Pfizer được tiến hành trên 289 người mắc Covid-19 ở Brazil, theo Tạp chí Y học New England.

Pfizer muốn cung cấp bộ giải pháp toàn diện đối phó với dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Ván cược của chính phủ Mỹ

Được phát triển với sự hợp tác giữa Merck và Ridgeback Biotherapeutics (tại Florida), molnupiravir, một loại thuốc điều trị Covid-19 khác, cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, theo NHK.

Hồi đầu tháng 6, Merck tiết lộ một thỏa thuận cung cấp 1,7 triệu liều thử nghiệm cho Mỹ với giá trị khoảng 1,2 tỷ USD.

Dù molnupiravir vẫn chưa được phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19, loại thuốc này cho thấy triển vọng đối với người bệnh mới được xét nghiệm và chưa nhập viện.

Molnupiravir được dùng dưới dạng viên, uống cách 12 giờ/lần trong vòng 5 ngày liên tiếp.

Với kết quả thử nghiệm tương đối khả quan, Merck dự kiến nộp đơn xin ủy quyền khẩn cấp vào cuối năm nay.

Ngoài thỏa thuận với Mỹ, Chủ tịch công ty Rob Davis nói rằng Merck cũng đang "tích cực nỗ lực để cung cấp molnupiravir trên toàn cầu".

Những viên thuốc của Merck đang tạo ra hy vọng cho người mắc Covid-19. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Merck đã thất bại với loại thuốc mang tên MK-7110, dành cho những bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện.

Trên thực tế, virus rất khó tấn công bằng thuốc. Bằng cách chiếm lấy cơ chế hoạt động của tế bào con người, virus liên tục gia tăng số lượng. Do đó, thách thức đặt ra là phải tiêu diệt virus nhưng không gây hại cho các tế bào.

Bloomberg nhận định rằng thành công trong cuộc chiến này có thể chỉ là thoáng chốc, bởi vì virus sẽ biến đổi để tồn tại. Dù vậy, các nhà phát triển thuốc kháng virus đã thành công giải quyết những vấn đề hóc búa như vậy trong nhiều thập niên.

Nếu Merck và các công ty khác có thể chứng minh sản phẩm của họ có hiệu quả và không đi kèm tác dụng phụ nghiêm trọng, lợi ích cho xã hội và cho các công ty trong nhiều năm tới là rất lớn.

Theo Zing News

https://zingnews.vn/trien-vong-nao-cho-thuoc-dieu-tri-covid-19-post1243769.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke