Monday, 29/04/2024

Tiến sĩ - Bác sĩ Vương Văn Tịnh, nguyên Giám đốc Bệnh viện tâm thần T.Ư 1: "Tôi không đáng bị cách chức"

16:10 31/05/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Bác sĩ Vương Văn Tịnh đã chia sẻ thẳng thắn như vậy trong buổi trả lời phỏng vấn độc quyền với báo điện tử Dân Việt ngay sau khi Bộ Y tế triển khai thông báo cách chức ông đúng 1 ngày.

Thật khó khăn để thuyết phục bác sĩ Vương Văn Tịnh trả lời phỏng vấn. Ban đầu khi thấy tôi gọi điện ngỏ ý phỏng vấn, ông từ chối thẳng thừng: "Tôi chẳng có gì để chia sẻ, báo chí nhiều khi chỉ phản ánh bề nổi, rồi dư luận cứ dựa vào đó để thay cơ quan chức năng kết tội tôi, trong khi vụ việc đã có kết luận đâu".

Tôi cười, bảo: "Gặp anh không phải để dìm anh, vì về hành chính anh cũng đã bị mất chức, có còn gì nữa đâu. Về trách nhiệm khác nếu có, cơ quan chức năng cũng đang vào làm việc, anh sai đến trời cũng không bảo vệ được. Còn anh bảo báo chí chỉ phản ánh bề nổi, thì đây là cơ hội để anh giãi bày mọi chuyện".

Đầu dây điện thoại phía bên kia không thấy nói gì, rồi tắt máy. Sau chừng 5 phút tôi nhận được tin nhắn của ông: "OK, tôi đồng ý gặp nhà báo. 9 giờ sáng mai nhé".

Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 những ngày này vắng lặng, không khí thực sự buồn tẻ, kiểu nhà có "đám" - đấy là chúng tôi nói đùa, nhưng đúng như thế thật.

Cũng dễ hiểu thôi, liên quan vụ việc bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý (SN 1983 trú tại tổ 22 khu Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu tổ chức mua bán ma túy, "bay lắc", "cải tạo" nơi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 thành nơi sử dụng trái phép chất ma túy, Bộ Y tế đã ra quyết định cách chức Giám đốc đối với ông Vương Văn Tịnh; Khiển trách ông Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc Bệnh viện; Phê bình nghiêm khắc trước toàn thể bệnh viện đối với ông Lê Ngọc Tú- Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện; ông Nguyễn Mạnh Phát - Phó Giám đốc Bệnh viện...

Kỷ luật cả loạt cán bộ của viện như thế thì còn vui vẻ nỗi gì? Đi từ đầu viện đến cuối viện, không thấy bóng dáng bệnh nhân, bác sĩ đâu cả. Có gặp cũng không ai liếc mắt nhìn nhau. Lặng lẽ quá. Mãi mới thấy 2-3 chị lao công đang lấp ló lau dọn cửa kính. 

Chúng tôi tìm đến phòng làm việc của bác sĩ Vương Văn Tịnh. Đó là căn phòng nằm ở ngay tầng 2 của Tòa nhà B khá khang trang, sạch đẹp. Trên cửa phòng, biển hiệu TSBác sĩ Vương Văn Tịnh – Giám đốc Bệnh viện vẫn nằm nguyên, chưa thấy thay đổi. Trong phòng làm việc, bác sĩ Tịnh ngồi lặng lẽ một mình. Thấy chúng tôi tới, ông nở nụ cười buồn rồi tự tay pha trà mời khách.

"Nhà báo đến sớm 15 phút"- ông nói và bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Trong hơn 2 tiếng ngồi với ông, câu chuyện thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi những tiếng chuông điện thoại gọi đến hỏi thăm ông, rồi đồng nghiệp, bạn bè ra vào để chia sẻ về quyết định "buồn nhất cuộc đời" như lời ông chia sẻ...

"CAY ĐẮNG VÀ ĐỚN ĐAU "

Trước hết, xin chia sẻ với ông về những gì đã xảy ra với Bệnh viện cũng như về quyết định cách chức ông mà Bộ Y tế mới triển khai. Cảm xúc, suy nghĩ của ông lúc này như thế nào khi vừa nhận quyết định có thể nói là đau đớn nhất trong sự nghiệp của mình?

- Sự việc xảy ra trong bệnh viện vừa qua nói thật là tôi rất buồn, nhiều đêm không ngủ được vì mình là người  đứng đầu bệnh viện. Tôi đã từng 35 năm ở trong ngành y tế và cũng từng ấy thời gian gắn bó với chuyên ngành bác sĩ tâm thần. Tôi có quá nhiều kỷ niệm buồn, vui với nghề.

Nhưng có lẽ cay đắng và đau đớn nhất chính là để xảy ra vụ việc bệnh nhân "bay lắc" trong đơn vị do tôi quản lý. Là người đứng đầu bệnh viện, tôi đương nhiên chịu trách nhiệm, nhưng nếu cách chức tôi thì nặng nề quá. Tôi cảm thấy mình chịu oan uổng. Tôi không đáng phải chịu như thế.

Vì sao tôi nói như vậy? Tôi là người không thích đổ vấy trách nhiệm, mình làm sai thì mình chịu.

Nhưng thực tế câu chuyện bệnh nhân tổ chức bay lắc, buôn bán ma túy xảy ra ở khoa, ở cơ sở thì trách nhiệm đầu tiên, trách nhiệm chính phải thuộc về lãnh đạo khoa trực tiếp quản lý. Sự việc được phát hiện, Bệnh viện đã cách chức Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, khiển trách phó khoa.

Ngoài ra, tất cả tập thể, nhân viên khoa phải làm kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với từng người. Tôi là người đứng đầu cũng có trách nhiệm nhưng có đến mức phải cách chức không, tôi nghĩ chưa thỏa đáng.

Khoan hãy nói việc thỏa đáng hay chưa thỏa đáng, vì việc này vẫn còn nhiều ý kiến và dư luận khác nhau lắm. Nhưng xin hỏi ông, với vai trò là người đứng đầu đơn vị, ông đã phân công công việc và xây dựng quy trình làm việc như thế nào mà vẫn để xảy ra câu chuyện tày đình như vậy?

- Tôi nói lại, sự việc này chỉ xảy ra tại Khoa phục hồi chức năng và Y học cổ truyền. Bản thân trưởng khoa cũng đã nhận trách nhiệm khi để bệnh nhân sửa chữa, cải tạo buồng bệnh, không thông báo cấp trên, không quản lý chặt chẽ bệnh nhân... 

Ban lãnh đạo bệnh viện cũng xác định rõ khoa vi phạm quy chế của bệnh viện như quy chế quản lý bệnh nhân, quy chế khám chữa bệnh; vi phạm quy chế báo cáo, mua sắm sửa chữa; vi phạm trong việc cho thăm gặp bệnh nhân, không kiểm soát kỹ dẫn đến để lọt vụ việc này.

Bệnh viện luôn có quy chế rõ ràng. Ai phụ trách chuyên môn bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm quản lý các khoa chuyên môn. Ai phụ trách kinh tế thì đảm nhận những vấn đề liên quan như trang thiết bị bệnh viện… Phụ trách ngoại viện sẽ nhận nhiệm vụ chỉ đạo tuyến… Tôi đã phân cấp quyết định rõ ràng, nguyên tắc làm việc cụ thể.

Những ai đã phân công phải chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện các vấn đề được phân công. Bên cạnh đó, hàng tuần tôi đều yêu cầu các khoa, phòng có vấn đề gì phải báo cáo ngay, báo cáo trực tiếp, 24h/24h về các vấn đề, sự cố bất thường diễn ra trong khoa. Những gì khoa, phòng không giải quyết được phải báo lên. Các phó giám đốc tùy từng lĩnh vực phụ trách đều phải nắm tình hình hết. Những việc gì phó giám đốc không giải quyết được sẽ do giám đốc bệnh viện giải quyết.

Phân công rõ ràng như thế thì sao lại cách chức tôi? Có hơi nặng không? Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng liên tục nhắn tin, chia sẻ rằng tôi bị oan quá. Họ động viên tôi cố gắng vượt qua. Các sự việc xảy ra dưới khoa tôi hoàn toàn không nắm được, không liên quan gì cả. Kể cả cơ quan điều tra cũng xác định tôi không có liên quan gì đối với vấn đề xảy ra tại bệnh viện.

Hơn nữa, về trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, Nghị định 157/2020/CP về xem xét, xử lý người đứng đầu cũng nói rất rõ ràng. Cụ thể, sẽ xử lý cán bộ nếu biết sự việc có sai phạm nhưng không giải quyết; biết sự việc nhưng dung túng để tiếp diễn; biết sự việc không xử lý; trong quản lý không ban hành quy chế, quy định, kiểm tra, giám sát, không phân công nhiệm vụ rõ ràng…

Đối chiếu với bản thân thì tôi không hề biết chuyện xảy ra ở dưới khoa. Tôi cũng đã phân công trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng. Sự việc này tôi không liên quan gì cả. Bây giờ nghĩ lại thì đúng là nó như từ trên trời rơi xuống mà mình hoàn toàn không hề nghĩ đến.

Với cách lý giải đó, có lẽ như ông không catâm để người ta cách chức mình? Vậy xin hỏi, ngay sau nhận quyết định cách chức Giám đốc Bệnh viện, ông có kiến nghị, đề xuất gì Bộ Y tế và các cơ quan chức năng không hay chấp nhận với quyết định này?

- Tôi suy nghĩ việc này rất nhiều và nhận thấy nếu mình không có hồi âm, bày tỏ chứng kiến, người ta sẽ nghĩ mình có liên quan trực tiếp, bắt tay với kẻ xấu làm những cái chuyện bậy bạ đó. Vì lẽ đó, ngay sau khi nhận quyết định cách chức, tôi đã gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế đề nghị xem xét lại vấn đề này một cách thấu đáo. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi gửi đơn. Tôi hy vọng cấp trên sẽ xem xét lại.

Suốt 35 năm công tác, tôi đã cống hiến hết mình cho ngành tâm thần, từ điều trị bệnh nhân, đào tạo thế hệ trẻ, xây dựng cơ sở vật chất, cơ chế, sửa sang tu bổ lại bệnh viện… Đóng góp này đã được Bộ Y tế, Chính phủ nghi nhận, tặng nhiều bằng khen. Vụ việc xảy ra ở viện chỉ là một tai nạn.

"TÔI NHƯ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG RỒI"

Không như dư luận, mạng xã hội ra sức đả kích, đề nghị xử lý nghiêm ông vì vụ việc ở bệnh vin, đã có nhiều cán bộ, công nhân viên gửi tâm thư lên Bộ Y tế đề nghị xem xét lại mức kỷ luật đối với ông cũng như một số lãnh đạo Bệnh viện. Vụ việc của ông, dưới góc độ của cán bộ, nhân viên thì họ đánh giá như thế nào?

 

Tôi cũng có nghe nói về vấn đề này. Sau khi biết tin tôi bị kỷ luật, anh em trong bệnh viện đã có đơn gửi Bộ Y tế trình bày sự việc, đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật cho tôi và tất cả cán bộ viên chức ký trong đơn cũng gửi lên Bộ Y tế. Thực sự cán bộ, viên chức bệnh viện rất hiểu tôi là người lãnh đạo như thế nào? Có trách nhiệm với bệnh viện ra sao? 

Nhiều người nói thẳng tôi bị oan, động viên tôi gửi kiến nghị lên lãnh đạo. Sau sự việc xảy ra, tôi đi làm gặp cán bộ, viên chức thì thấy tình cảm vẫn bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Không ai nghĩ mình thế này thế kia cả. Mọi người nghĩ cho mình như thế, tôi vô cùng trân quý, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Sau khi bị cách chức Giám đốc, công việc hiện tại của ông là gì? Từ một lãnh đạo cao nhất của đơn vị, giả sử được giao một việc gì đó trái với mong muốn, ông sẽ ứng xử và chấp hành nhiệm vụ mới ra sao?

- Từ hôm qua đến thời điểm các anh xuống đây, tôi vẫn làm việc và đang cố hoàn thiện nốt công việc cũ chưa giải quyết xong. Các hồ sơ, giấy tờ anh em trình trong hôm nay, tôi bảo cứ giữ đó, chờ lãnh đạo mới ký và có các quyết định cụ thể. Giờ tôi như người bình thường rồi và cũng chưa được phân công công việc mới.

Lãnh đạo bệnh viện mới (ông Nguyễn Tuấn Hưng- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế được giao phụ trách bệnh viện - PV) giao nhiệm vụ nào tôi sẽ làm nhiệm vụ đó. Mình vẫn tuyệt đối phục tùng cấp trên.

ĐỐI TƯỢNG QUÝ RẤT TINH VI, AI CŨNG DỄ BỊ QUA MẶT

Quay về câu chuyện trách nhiệm của cá nhân, có thể thấy rằng ông đã giao nhiệm vụ cho khoa, trên khoa có Phó Giám đốc phụ trách. Tuy nhiên, dư luận thắc mắc mặc dù như thế nhưng sự việc xảy ra ngay tại bệnh viện, ông là người quản lý chung, nếu lãnh đạo sâu sát có thể phát hiện ra vụ việc và không để chuyện này xảy ra chứ?

- Nói thực ra thỉnh thoảng tôi có kiểm tra nhưng để sâu sát từng buồng bệnh nhân, tôi không đi hết được. Tôi chỉ kiểm tra, đề nghị khoa báo cáo có vướng mắc không, có gì đề xuất phải đề xuất để mình bổ sung, điều chỉnh.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tôi không biết sự việc đã đành, mà ngay cả nhiều nhân viên trong khoa tường trình cũng khẳng định không biết đối tượng tổ chức bay lắc, hút hít ma tuý lúc nào.

Đối tượng Quý rất tinh vi, hắn đã tổ chức sử dụng ma tuý vào ban đêm, trong khi ban ngày vẫn im ắng bình thường. Cứ buổi tối trực ít người đối tượng lại sử dụng. Các khoa xung quanh cũng không nghe thấy gì.

Giải thích của ông cũng chưa thuyết phục lắm, đành rằng đối tượng tổ chức tinh vi nhưng nếu sâu sát, có trách nhiệm thì vẫn có thể phát hiện và có những cảnh báo. Hiện nay rất nhiều giám đốc bệnh viện vẫn trực tiếp xuống khoa phòng thăm, khám cho bệnh nhân. Ông có hay làm việc này không?

 

- Tôi có khám chứ. Tôi tham gia hội chẩn khám cho bệnh nhân, không những kiểm tra khó khăn, vướng mắc của các khoa, phòng mà mình cũng tham gia buổi khám những bệnh nhân nặng, bệnh nhân cần hội chẩn rồi từ đó cho ý kiến chỉ đạo. Riêng bệnh nhân Quý tôi đã gặp, khám ở phòng hội chẩn. Bác sĩ điều trị cũng báo cáo bệnh nhân này chấp hành rất tốt, chỉ là nhiều khi có kích động phải dùng thuốc tiêm.

Tôi cho rằng sự việc xảy ra khoảng 1-2 tháng, bắt đầu từ thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua. Đối tượng có thể đã dựa vào dịp Tết nhân viên bệnh viện lơ là, rồi thực hiện hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý chứ không phải lâu dài.

Tôi khẳng định công an không phát hiện được thì chỉ một thời gian nữa hoặc dài nhất 1 tháng bệnh viện sẽ phát hiện ra. Hoặc nhiều anh em trong khoa phát hiện ra sẽ phản ánh. Về nguyên tắc không có chuyện bệnh viện chứa chấp, cho sử dụng ma tuý trong buồng bệnh. Có bác sĩ, nhà quản lý nào đó lại có thể dại dột mà làm thế.

Vậy ông giải thích sao khi có một nhân viên Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 bị truy tố vì sử dụng trái phép ma tuý?

- Nói thật tôi quản lý hàng trăm cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, làm sao biết được tính cách, chân tướng của từng người. Nhiều gia đình có con nghiện ngập, buôn bán ma túy cũng có biết đâu. Nhân viên bị truy tố chỉ là một kỹ thuật viên bình thường, hàng ngày đâu có biểu hiện gì bất thường. Khi bị bắt, chúng tôi mới biết anh này sử dụng ma tuý của bệnh nhân Quý và biết có ma tuý, biết có bay lắc nhưng không khai báo công an.

Nhiều điều dưỡng, trưởng khoa của tôi đã ngã ngửa khi biết anh này sử dụng ma tuý. Và nói thật, khi báo chí đưa lên hình ảnh phòng bay lắc tại phòng của Quý, anh em trong khoa cũng không nhận ra. Chỉ khi có hình ảnh ghi là Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền thì mới biết đó là đơn vị mình.

LỖ HỔNG QUẢN LÝ CAN PHẠM TÂM THẦN

Từ câu chuyện bay lắc, buôn bán ma túy xảy ra ở bệnh viện mà thủ phạm là bệnh nhân điều trị bắt buộc, có thể thấy đã xuất hiện quá nhiều bất cập trong quản lý đối tượng này? Ông có nghĩ vậy không?

- Vấn đề quản lý bệnh nhân điều trị bắt buộc (là những tù nhân ở các trại giam bị tâm thần được đưa đến Bệnh viện Tâm thần T.Ư điều trị - NV) rất khó khăn vì họ vừa là bệnh nhân tâm thần, vừa là can phạm.

Họ bị tâm thần nhưng rất tinh vi, ma mãnh. Sở dĩ đối tượng Quý qua mặt được bệnh viện vì Quý giấu ma túy ở quần áo, trong gói chè, hàng hoá và chỉ khi công an mật phục, đặt máy quay phim mới phát hiện.

Trong số đó có người là phạm tội về kinh tế, cờ bạc, ma tuý, buôn bán, có can phạm đánh nhau, giết người… Chính vì vậy, nhân viên y tế quản lý những trường hợp này rất khó. Từng có can phạm giết người nói hẳn với bác sĩ, nhân viên y tế "tôi đã giết người, tù chung thân rồi, muốn chém thêm ai cũng chẳng ngại".  Nghe thế ai chẳng sợ? Anh em các khoa hầu hết đều bị đe doạ, đánh đập. Trước kia họ không báo cáo nhưng sau sự việc đối tượng Quý mọi người mới dám bộc bạch, chia sẻ.

Các anh thử nghĩ mà xem, mình đi ngoài đường tự dưng gặp một người tâm thần  cảm giác như thế nào, có ngần ngại không? Có quá đi chứ. Vậy mà ở đây chúng tôi phải tiếp xúc, quản lý bao nhiều bệnh nhân không những bị tâm thần mà còn là tội phạm  sẽ vất vả, nguy hiểm thế nào?

Nghề của chúng tôi chỉ được đào tạo chữa bệnh, bắt mạch, hội chẩn thôi chứ, làm sao biết quản lý đối tượng này như công an? Từ bất cập này, nó nảy sinh muôn vạn vấn đề mà cá nhân tôi và anh em không lường hết được. Có trong cuộc mới hiểu được nỗi khổ của chúng tôi. Còn cứ ném đá, chê bai, rồi thích xử như thế nào thì xử thì dễ lắm.

Việc quản lý tù nhân tâm thần lộ rõ nhiều bất cập như vậy sao ông không kiến nghị Bộ Y tế và ngành chức năng giải quyết? Nếu ông không nói thì cũng không ai biết và nếu ai ở cương vị như ông chắc cũng khó trách khỏi những sai sót vừa qua?

- Cái này chúng tôi nói mãi rồi. Sau sự việc xảy ra vừa qua, Bộ Y tế đã mời Bộ Công an, Tư pháp… đến họp bàn, trong đó cốt lõi là phải sửa cho được Nghị định 64. Kết thúc cuộc họp này vẫn chưa thấy con đường nào sáng sủa cả. Bộ Y tế vẫn khẳng định sẽ cùng bệnh viện giải quyết bất cập đó và đề nghị cơ quan công an phối hợp công tác quản lý.

Chúng tôi cũng đề xuất thời gian tới thành lập khoa riêng, khu riêng để quản lý trường hợp này. Ngoài chúng tôi còn có các anh công an cùng quản lý, giám sát. Hiện bệnh viện có khoảng 60 bệnh nhân là bệnh nhân tâm thần là can phạm. Nhưng nói là nói vậy thôi chứ việc xem xét tập trung cũng khó vì bên công an chưa nhận quản lý.

Theo ông, trách nhiệm của công an thế nào trong quản lý bệnh nhân tâm thần điều trị bắt buộc?

- Bệnh viện mong muốn công an cùng quản lý những bệnh nhân này, còn nhân viên y tế chúng tôi phụ trách chuyên môn. Việc này bức thiết lắm. Thực tế thời gian qua, cơ quan công an đưa can phạm tâm thần đến bệnh viện xem như hết trách nhiệm và giao hết cho bệnh viện. Trong khi đó, như tôi nói ở trên, chúng tôi làm gì có nghiệp vụ để quản lý đối tượng này.

Chẳng thế mà thời gian qua, chúng tôi đã phải báo cáo lên cơ quan công an và Bộ Y tế có rất nhiều can phạm bỏ trốn khỏi bệnh viện. Họ không chấp hành quy chế của bệnh viện. Có hôm 13 trường hợp cùng kéo nhau ra ngoài, đe doạ nhân viên. Có trường hợp đi ra xong tối về, hoặc tối đi sáng về…

LÀM BÁC SĨ TÂM THẦN CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM LÝ

Cơ duyên nào đưa ông đến với ngành y? Tại sao ông lại lựa chọn ngành tâm thần mà không theo các ngành khác như đa khoa để tránh những phiền phức cho mình?

- Tôi sinh ra trong gia đình nông dân, có đến 9 anh chị em. Tôi là con thứ 5. Gia đình tôi không ai theo ngành y cả. Bố mẹ tôi đều là nông dân thuần tuý nhưng gia đình rất cơ bản. Cuộc sống khó khăn, nhưng ông bà đều bươn chải, làm thêm các nghề như buôn bán vặt, đan lát nên cũng đủ lo cho các con ăn học đầy đủ.

Cả làng tôi bạn bè đồng lứa đều bỏ học sớm nhưng chúng tôi đều tốt nghiệp lớp 10 hết. Xưa đi học tôi chịu khó lắm. Tôi học y, rồi làm bác sĩ, bố mẹ cũng chỉ biết bác sĩ chứ không phân biệt chuyện tôi làm chuyên ngành này kia.

Từ hồi sinh viên chuyên ngành tâm thần ở Đại học Y Hà Nội, khoá của chúng tôi được GS Nguyễn Việt - người đầu ngành chuyên ngành tâm thần đầu tiên dày công giảng dạy. Khi đó, lớp tôi là lớp chuyên khoa tâm thần cuối cùng.

Nói thật là học chuyên khoa này cả lớp có 26 người thì đến một nửa số đó không yên tâm, tư tưởng nhiều khi cũng xáo động vì làm bác sĩ tâm thần sẽ vất vả, lại còn nguy hiểm nữa.  Hiện lớp tôi chỉ còn 5- 6 người, còn lại bỏ đi làm chuyên khoa khác. Nói ra mới thấy nghề này khắc nghiệt không ai muốn làm.

Nhiều người bỏ sang chuyên khoa khác, vì sao cá nhân ông vẫn quyết định gắn bó với công việc này?

- Tôi về công tác tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư từ năm 1986, khi đó tôi không nghĩ đây là bệnh viện. Tất cả nhà tranh, mấy khu buồng bệnh nhà cấp 4, xung quanh cây cối mọc um tùm rậm rạp như rừng. Viện gì mà lạ thế. Nói thật lòng, lúc đó tôi cũng muốn đi chỗ khác nhưng sau nghĩ kỹ, thấy làm trong ngành y thì chuyên ngành nào cũng thế, ngành nào cũng đều phục vụ nhân dân.  

Tôi nghĩ để cho ngành lựa chọn mình hơn mình lựa chọn ngành. Nếu mình làm thật tốt chắc chắn sẽ nhận được những thành quả xứng đáng. Đã vào đến đây, phải hết mình xây dựng bệnh viện.

Trước đây rất nhiều người ngỏ ý muốn xin cho tôi chuyển sang chuyên khoa khác nhưng tôi từ chối, đến nay thì đúng là cả cuộc đời tôi theo ngành này, chưa ngã rẽ.

Có lúc tâm tư dao động đó nhưng rồi xác định lại. Đi làm dần dần cũng quen, trong cái khó anh em vẫn vui vẻ.

Làm bác sĩ tâm thần, rồi hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, ông và đồng  nghiệp có mắc bệnh nghề nghiệp không?

Trước  đây, tôi có làm nghiên cứu về thực trạng sức khoẻ nhân viên, điều dưỡng của bệnh viện. Kết quả nghiên cứu cho thấy: nhân viên y tế có bị ảnh hưởng nhân cách  khi tiếp xúc nhiều với bệnh nhân.

Hồi tôi làm ở khoa lâm sàng có anh nhân viên mới chuyển đến, rất hiền lành. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian sau tính cách thay đổi, liên tục quát mắng người khác. Tôi so sánh nhân viên của tôi với một cô giáo. Tôi nhận ra rằng một cô giáo hằng ngày luyện tập làm sao làm gương cho học sinh kể cả lời ăn tiếng nói, nắn nót từng chữ, từng lời. Chính vì vậy lời ăn tiếng nói của cô giáo vẫn nhẹ nhàng, dễ nghe.

Nhưng nhân viên chúng tôi nếu nói nhẹ nhàng không bệnh nhân nào nghe cả. Vậy nên họ  phải quát bệnh nhân. Chính điều đó ảnh hưởng tới tâm lý. Chúng tôi nói vui rằng có nhân viên khi vừa về tới khu tập thể mọi người đã biết đó là ai mặc dù chưa thấy mặt.

Tính cách thay đổi mình không nhìn thấy, nhưng có người ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Ví dụ có người con sống trong gia đình người mẹ nói chuyện dễ nghe thì cuộc sống của chúng dễ chịu hơn nhiều. Nhưng đứa trẻ có bố mẹ đụng cái là quát tháo, chắc chắn ảnh hưởng tâm lý của trẻ. 

Từ lý do đó, tôi đã làm nghiên cứu thay đổi thực trạng sức khoẻ tâm thần của nhân viên, điều dưỡng phục vụ chuyên ngành tâm thần. Tôi cũng đã báo cáo nghiên cứu cấp Bộ về việc này.

Tôi làm ở bệnh viện qua nhiều phòng ban, các phòng ban tôi qua hết từ làm nghiên cứu khoa học, tổng hợp, chỉ đạo tuyến, kinh qua nhiều nhiệm vụ. Rất tự hào về nghề nhưng đôi khi cũng mặc cảm lắm. Anh thấy có bao giờ, một bác sĩ như chúng tôi ra xã hội tự tin nói "Tôi là bác sĩ chuyên ngành tâm thần" không?

Vị giám đốc bệnh viện cũ của tôi từng kể, khi đi máy bay, ông đã cứu được một bệnh nhân cấp cứu nhưng không dám chia sẻ mình là PGS chuyên ngành tâm thần, vì chuyên ngành này xã hội vẫn mặc cảm lắm.

Tôi làm giám đốc bệnh viện nhưng nhiều người bạn bè của tôi không hề biết. Chỉ khi vụ việc kia lên báo, khối người mới té ngửa ra tôi là giám đốc Bệnh viện Tâm thần. Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc chắn sẽ có lúc nghề bác sĩ chuyên ngành tâm thần sẽ được xã hội tôn vinh, ghi nhận. Càng sau này bác sĩ tâm thần sẽ rất quan trọng.

NẾU ĐƯỢC CHỌN VẪN THEO NGHỀ CŨ

Khi mới xảy ra vụ việc, ông đã viết kiểm điểm và nhận hình thức khiển trách. Dư luận không phải không có lý khi nói mức tự nhận như vậy rất nhẹ vì sự việc bay lắc là rất hy hữu, lần đầu tiên xảy ra trong ngành. Trong khi thời điểm này dịch bệnh Covid-19 có biết bao nhiêu bác sĩ lao vào tâm dịch. Ông nghĩ sao?

- Đúng là vụ việc rất đáng tiếc, đó là sơ hở, sai sót tôi không ngờ tới. Tôi cũng hiểu cảm xúc cũng như thắc mắc của mọi người là đúng. Vì sự việc xảy ra trong bệnh viện của mình mà mình không biết thì vô lý. Tuy nhiên, mọi người cần phải xác định rõ mới hiểu được vấn đề. Tôi muốn dư luận tìm hiểu để có cái nhìn toàn diện hơn.

Câu chuyện bay lắc ở bệnh viện cũng có nhiều uẩn khúc, vậy tại sao báo chí muốn đặt vấn đề phỏng vấn ông, rồi chúng tôi cũng liên tục thuyết phục ông chia sẻ nhưng ông đều từ chối. Tại sao lần này ông lại mở lời?

- Tôi là người ít chia sẻ, không thích khen thưởng nhiều. Làm đơn xin khen thưởng này kia tôi cũng ngại lắm, mình chỉ muốn làm thôi. Nói thật Giấy khen, Bằng khen chỉ là chứng nhận tạm thời, còn sự ghi nhận của xã hội với mình mới là lâu dài, mãi mãi. Đôi khi tôi cũng muốn tâm sự, giãi bày nhưng sợ đưa cái này cái kia người ta lại bảo ông PR, đánh bóng hình ảnh. Đến bây giờ tôi cũng đã dùng mạng xã hội Zalo, Facebook đâu.

Còn tại sao đến thời điểm này, tôi lại muốn chia sẻ vì tôi nghĩ đã đến lúc rồi, là người đứng đầu, không nói ra thì dư luận không hiểu được. Tôi không muốn mọi người nghĩ chắc tôi có liên quan đến vụ việc kia, chắc tôi là tòng phạm trong vụ bay lắc bị công an triệt phá. Chắc tôi dung túng mới bị kỷ luật nặng nề như thế. Chính vì vậy đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ toàn bộ sự việc vừa qua.

Nhìn lại 35 năm trong nghề, như ông nói vất vả có, đắng cay đều có, vậy nếu được lựa chọn lại, ông có muốn tiếp tục gắn bó với công việc này không?

- Nói thật cho đến bây giờ nếu quay lại thời sinh viên, tôi vẫn sẽ lựa chọn công việc này. Tôi từng giảng với nhiều sinh viên chuyên khoa tâm thần rằng, dần dần sự kỳ thị của xã hội với nghề của chúng ta sẽ hết, và hiện cũng đã giảm đi rồi.

Thứ 2, vấn đề bệnh nhân tâm thần ngày càng được nói đến nhiều, thuốc điều trị tiên tiến, tốt hơn, hiệu quả hơn trước đây rất nhiều chứ không thuần tuý như xưa, nên chúng ta cũng phục vụ bệnh nhân hiệu quả hơn.

Hiện bệnh nhân tâm thần rất đông vì thế nhu cầu bác sĩ phục vụ cho chuyên ngành tâm thần cũng rất nhiều. Tôi động viên anh em đừng lo, làm bác sĩ hay làm nghề gì hễ nhiều việc là tốt rồi.

Nếu cho tôi làm tôi vẫn làm, có khi tôi còn làm tốt hơn xưa. Mỗi giai đoạn một khác mỗi người xác định nghề của mình. Mỗi nghề có lợi thế, khó khăn riêng. Nếu chỉ nhìn khó khăn sẽ không bao giờ đảm bảo thành công được.

- Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi thẳng thắn này!

Theo Dân Việt

 

 

 

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke