Thu giữ số lượng lớn mỹ phẩm, thiết bị làm đẹp nhập lậu tại An Giang
09:44 13/09/2021
Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu An Giang đã kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn và tạm giữ số lượng lớn mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ.
Cụ thể, tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh phối hợp cùng Công an địa phương tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh Mỹ Kim, tại số 151, đường Trần Hưng Đạo, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, do bà Võ Tố Kiều làm chủ. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên 1.700 sản phẩm là kem thoa, thuốc nhuộm tóc, dầu gió và dung dịch vệ sinh miệng có xuất xứ nước ngoài. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất sứ số hàng hóa trên, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ để tiếp tục điều tra, xác minh xử lý theo quy định.
Từ kết quả điều tra ban đầu, Tổ công tác của Công an thành phố Long Xuyên tiếp tục tiến hành kiểm tra hành chính hộ kinh doanh mỹ phẩm, bách hóa Đặng Thị Ngọc Lan, trên đường Hùng Vương, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, phát hiện 33 máy hấp móng, hút mụn và xông da mặt không rõ nguồn gốc. Số hàng hóa trên cũng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cũng trong thời gian này, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM kiểm tra xe tải do Trần Văn Hoàng (SN 1993, quê Kiên Giang) điều khiển. Kiểm tra trên xe tải này, công an thu giữ 400 hộp thuốc nhãn hiệu Trung Quốc.
Khám xét kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Toyo tại KCN Bình Đăng (đường Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8), công an thu giữ thêm 9.200 hộp thuốc cùng loại, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Theo cơ quan chức năng, đây là loại thuốc mang nhãn hiệu Trung Quốc, được gọi là “Liên Hoa Thanh Ôn” mà các đối tượng quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19. Hiện tất cả số thuốc này đã được thu giữ để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Cục ATTP liên tục khuyến cáo không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nào chữa được hay kháng Covid-19. Đồng thời, các loại TPCN/TPBVSK không được phép ghi công dụng là giảm bệnh hoặc trị bệnh. Trên nhãn sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn phải ghi rõ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Do đó, người tiêu dùng không nên mua/sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện sản phẩmTPBVSK ghi các công dụng trên. Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, người dùng cần liên hệ ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.