Su-30MKI Ấn Độ lọt tầm tấn công tên lửa từ khoảng cách 100 km: "Thoát chết" nhờ may mắn?
15:57 26/04/2021
Cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan ở Balakot năm 2019 với sự tham gia của các máy bay chiến đấu Su-30MKI và JF-17 cho đến nay vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi.
Su-30MKI "chết hụt" trong trận không chiến ở Balakot?
Ngày 26/2/2019, Không quân Pakistan (PAF) đã huy động tới 24 máy bay chiến đấu, gồm cả JF-17, để đáp trả cuộc không kích của Ấn Độ vào các trại khủng bố Balakot.
Một số máy bay phản lực trong số này đã tìm cách vượt qua Giới tuyến Kiểm soát (LoC), biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan, rồi sau đó phóng đi những quả bom lượn có điều khiển chính xác vào các cơ sở quân sự của Ấn Độ tại khu vực Rajouri ở Jammu và Kashmir.
Trong cuộc đối đầu này, Không quân Ấn Độ (IAF) cũng đã điều tới 8 máy bay chiến đấu, trong đó có 2 chiếc Sukhoi-30 MKI do Nga chế tạo, để đánh chặn máy bay Pakistan phóng một số tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 C5 (AMRAAM).
Các tên lửa AMRAAM được phóng đi khi các máy bay chiến đấu phản lực của PAF đang ở bên trong phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát đã gây bất ngờ cho Không quân Ấn Độ khi chúng vượt xa các tên lửa không đối của IAF.
Hai chiến đấu cơ Su-30MKI đã rơi vào tầm tấn công 100 km của các tên lửa AMRAAM và buộc phải tìm cách né tránh chúng. Các máy bay chiến đấu của Ấn Độ đã thoát nạn nhưng không thể đáp trả phi đội F-16 của đối thủ vì tên lửa R-77 của Nga chưa đủ tầm với.
Không quân Ấn Độ sau đó nói rằng các tên lửa của Nga không thể đạt được tầm bắn như quảng cáo và không thể tấn công các mục tiêu xa hơn 80 km.
Cuộc đọ sức trên không giữa Ấn Độ và Pakistan đã đặt ra yêu cầu buộc IAF phải cải tiến kho tên lửa không đối không của mình, một ưu thế mà Pakistan chứng tỏ đã vượt trội hơn.
Một chiếc MiG-21 Bison của Không quân Ấn Độ đã bị bắn hạ trong cuộc giao chiến này khiến phi công bị bắt dù Chính phủ Ấn Độ tuyên bố máy bay chiến đấu của họ cũng đã bắn rơi một chiếc F-16 của Pakistan.
Không thể xem thường JF-17 của Pakistan
Theo PAF, chiếc JF-17 do Pakistan sản xuất đã chứng tỏ “khí chất” của nó trong trận không chiến ngày 27/2 và chính chiếc máy bay phản lực này đã bắn hạ MiG-21 Bison của IAF.
JF-17 là dòng máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ còn tương đối mới và đang cạnh tranh với các máy bay chiến đấu như F-16, Saab Gripen và MiG-29 cho các hợp đồng xuất khẩu.
Theo các phi công lái JF-17, chiếc máy bay này đạt điểm cao về độ tin cậy, các đặc tính bay và ưu thế bảo dưỡng. Theo phi công lái JF-17 tham gia trận không chiến ngày 27/2/2019, JF-17 đã khóa radar Su-30MKI ở cự ly hơn 100 km.
Trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan đã chứng kiến các máy bay F-16 của Pakistan phóng tên lửa AIM-120C-5 AMRAAM ở các cự ly tương đối giống nhau, buộc máy bay Ấn Độ phải tìm chỗ ẩn nấp, mặc dù không có chiếc nào bị bắn hạ.
JF-17 trang bị tên lửa tấn công ngoài tầm nhìn (BVR) PL-12 có tầm bắn tương tự như AMRAAM và có thể có cùng hiệu suất động học.
Theo Tạp chí National Interest, “nếu JF-17 cho phép phi công điều khiển tên lửa ngắm bắn các máy bay đối phương ở tầm xa như vậy thì nó có thể đi trước một bước so với Su-30MKI của Không quân Ấn Độ”.
Các máy bay Su-30MKI được trang bị tên lửa R-77 của Nga có tầm bắn chỉ dưới 80 km và do đó, không hiệu quả trong các cuộc không chiến ngoài tầm nhìn (BVR).
Theo các chuyên gia chiến tranh, các trận không chiến trong thế giới thực không bao giờ xảy ra ở cự ly gần, vì vậy trận chiến thường nghiêng về bên có tên lửa BVR mạnh.
Các cuộc giao tranh trên không phần lớn được quyết định, hoặc sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi thời điểm tên lửa BVR tham chiến. Khi đó, khả năng của JF-17 có thể cạnh tranh được với các máy bay chiến đấu F-16 và Mirage.
Điểm yếu chính của JF-17 là tải trọng BVR hạn chế vì nó chỉ có khả năng mang theo 4 tên lửa BVR, không giống như Su-30MKI của Ấn Độ, có thể mang 8 tên lửa trở lên.
Để thu hẹp khoảng cách về khả năng không đối không này, IAF đang đưa vào sử dụng tên lửa Astra tấn công ngoài tầm nhìn hoạt động trong mọi thời tiết, chế tạo trong nước.
IAF cũng đang xem xét tích hợp tên lửa kéo dài tầm bắn I-Derby của Israel trên máy bay chiến đấu Su-30MKI. Những tên lửa này sẽ trở thành trụ cột cho khả năng chiến đấu không đối không của Ấn Độ cùng với tên lửa BVR tầm trung MICA và tên lửa tầm xa Meteor.