Số bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 2-3 lần so với tuần trước, thêm 8 ổ dịch mới, chuyên gia y tế dự báo bệnh vào mùa trong bối cảnh cúm A, Covid đang bùng phát.
Ngày 8/8, đại diện Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết tuần qua Hà Nội ghi nhận gần 150 ca sốt xuất huyết, rải rác ở 26 quận, huyện. Trong đó, Ba Đình, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Oai, Thanh Xuân tập trung nhiều người bệnh, các quận huyện khác ghi nhận dưới 10 ca. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 608 ca sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với năm 2021, chưa ghi nhận ca tử vong.
Tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tăng lên. Đại diện Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn cho biết trung bình mỗi ngày tiếp nhận 10 bệnh nhân, đa số họ sốt cao liên tục, đau mỏi người. Còn Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận 5-7 bệnh nhân mỗi ngày, trước đó chỉ một vài người. Trong đó một số người bị sốt xuất huyết nặng gây tràn dịch màng bụng, phổi; một số trường hợp bị chảy máu răng, mũi; bệnh nhân nữ bị rối loạn kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo. Các bệnh nhân này đều phải nhập viện điều trị.
Đại diện CDC Hà Nội dự báo ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Lý do là sốt xuất huyết đã vào mùa, thành phố đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng. Do đó, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát chặt dịch bệnh, triển khai ngay chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực có chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ.
Theo các chuyên gia, triệu chứng của sốt xuất huyết khó phân biệt với các bệnh khác như Covid-19 và cúm. Trong bối cảnh Hà Nội cùng lúc đang tồn tại dịch cúm A và Covid-19, sốt xuất huyết có thể bị bỏ qua, khiến người mắc bệnh trở nặng.
Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết thường gặp gồm sốt cao 39-40 độ, có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như đau đầu, đau mỏi người, đau hốc mắt. Do đó, khi có các biểu hiện này, cần nhanh chóng đến bệnh viện khám, không tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh biến chứng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên tập thói quen ngủ màn để chống muỗi đốt, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, diệt bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không phát triển. Hàng tuần, mọi người loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm thường gặp tại Việt Nam, lây qua đường muỗi đốt. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị. Đến nay, toàn quốc ghi nhận hơn 136.000 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở miền Nam.