Sau Kovir của Sao Thái Dương, nhiều sản phẩm có dấu hiệu làm giá, làm giả để trục lợi
18:07 05/08/2021
Từ hiệu ứng của công văn số 5944/BYT-YDCT (đã bị Bộ Y tế thu hồi), nhiều sản phẩm trong danh sách hỗ trợ điều trị Covid-19 tại phụ lục đính kèm công văn này bất ngờ có mức giá tăng vọt hoặc được báo giá cao ngất ngưởng. Điển hình là viên nang Kovir của công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Không chỉ có Kovir, mới đây, một số sản phẩm khác trong danh sách này cũng có dấu hiệu khan hàng, làm giá. Đặc biệt, xuất hiện nhiều sản phẩm giả/nhái được chào bán tràn lan trên mạng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng – sức khỏe người dùng.
Nhiều sản phẩm có dấu hiệu “loạn giá”
Theo khảo sát của PV, tại một số hiệu thuốc trên đường Trung Kính, Trần Duy Hưng ,Cầu Giấy…đều cháy hàng sản phẩm Kovir và Xuyên tâm liên. Khi được hỏi đến 12 loại sản phẩm trong danh sách của công văn số 5944/BYT-YDCT, duy chỉ có Hoạt huyết Nhất Nhất được bán với giá dao động từ 99.000 – 110.000 đồng/hộp, tăng so với giá cũ. Hầu hết, các sản phẩm còn lại không có để bán.
Trao đổi với PV, nữ dược sĩ tại nhà thuốc trên đường Trung Kính (Cầu Giấy, HN) cho biết, “Bộ đã thu hồi công văn về các loại thuốc đó rồi mà người dân vẫn đổ xô đi mua. Các nhà thuốc giờ không có hàng để nhập, giá cũng tăng nhiều so với trước”.
Tìm mua các sản phẩm Imboot, Nasagast, Bạch Địa Căn… tại website của một số nhà thuốc và sàn thương mại điện tử đều thông báo hết hàng, nơi nào còn hàng giá bán đều có sự lệch nhau khá lớn.
Theo tìm hiểu, ở nhóm fanpage chợ thuốc Hapulico trên mạng xã hội, sản phẩm Xuyên tâm liên đang được nhiều nhà thuốc mời chào với nhiều loại giá khác nhau dao động từ 58.000 – 350.000 đồng/hộp, đa dạng chủng loại từ dạng viên nén, cao, siro, xịt họng…
TPCN/TPBVSK quảng cáo điều trị Covid là lừa đảo
Lợi dụng tâm lý người dân lo lắng về dịch bệnh, không chỉ nhiều sản phẩm trong danh sách 12 sản phẩm của công văn số 5944/BYT-YDCT có dấu hiệu thổi giá, loạn giá trên thị trường; đặc biệt, còn xuất hiện thực trạng nhiều trang mạng rao bán các sản phẩm giả/nhái nhãn hiệu, thành phần và công dụng, quảng cáo “thổi phồng” với chức năng điều trị Covid-19 để lừa đảo, trục lợi.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo, không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid 19 hay kháng Covid. Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.
Thời điểm này, thị trường TPCN đang trong thực trạng “vàng thau lẫn lộn”, vì vậy người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng với những sản phẩm quảng cáo công dụng điều trị Covid-19, cần tìm hiểu kĩ xuất xứ, công dụng và chỉ sử dụng theo chỉ dẫn của thầy thuốc./.