Lực lượng QLTT Hà Nội mới đây đã kiểm tra và tạm giữ 942 chai rượu do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, mới đây Đội QLTT số 9 (địa bàn quận Tây Hồ, Đông Anh) thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ kiểm tra và tạm giữ 942 chai rượu do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhập lậu.
Cụ thể, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với địa điểm kinh doanh tại địa chỉ số 76 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện nơi chứa hàng của cơ sở trên có 942 chai rượu do nước ngoài sản xuất, không dán tem rượu. Tại thời điểm kiểm tra chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên.
Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 9 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới tình trạng buôn bán, nhập lậu rượu, theo khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC, rượu nhập lậu là rượu thành phẩm, rượu bán thành phẩm có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, không đủ hoá đơn chứng từ.
Buôn bán rượu nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, việc buôn bán rượu nhập lậu sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị phạt tù đến 20 năm. Căn cứ Điều 188, cá nhân phạm tội buôn lậu sẽ bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi: Số rượu lậu có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên; Số rượu lậu có trị giá dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các hành vi quy định về tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vật phạm pháp trị giá từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên… thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 - 07 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 - 15 năm khi vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng.
Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 12 - 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: Vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên; Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Ngoài ra, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, cá nhân buôn bán rượu nhập lậu có thể bị phạt tiền đến 05 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 20 năm.