Thursday, 18/04/2024

Loạn giá thuốc Tamiflu

15:19 28/07/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Cúm A bùng phát bất thường khiến thuốc cúm Tamiflu bị đẩy giá, trong khi bác sĩ khuyến cáo việc tùy tiện uống sản phẩm này có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Ngày 27/7, anh Lâm, 39 tuổi, ở quận Cầu Giấy tìm mua thuốc Tamiflu để dự trữ, phòng hai con nhỏ bị cúm A, khi Hà Nội đang bước vào cao điểm của đợt dịch. Nghe đồng nghiệp khuyên, anh vào các nhóm mua bán thuốc trên mạng xã hội tìm hiểu. Hầu hết người bán hàng khẳng định thuốc chính hãng, chỉ cần uống hai ngày là hết triệu chứng, "không mua là hết vì hàng rất khan hiếm".

Trước đó, anh tìm mua ở hiệu thuốc, mong có giá phải chăng hơn song đều không có hàng. Để yên tâm, anh "tặc lưỡi" mua với giá đắt gấp đôi, miễn là có thuốc trữ trong nhà. Tuy nhiên, vỉ thuốc anh mua không có hóa đơn hay nhãn phụ kèm theo.

"Một vỉ 10 viên, có nơi bán 950.000 đồng, có nơi hơn 1.000.000 đồng một vỉ, loạn giá như hồi mua test Covid khiến tôi rất hoang mang", anh Lâm nói và cho biết trước đó giá chỉ từ 400.000 đến 450.000 đồng một vỉ.

Cũng lùng mua Tamiflu, chị Trang ở Đông Anh trả hơn hai triệu đồng cho hai vỉ thuốc mua tại một cửa hàng ở quận Tây Hồ, do các nhà thuốc gần nhà hết hàng. Chị cho biết năm nay cúm A bùng phát trái mùa, bố mẹ chị không may mắc bệnh do lây từ cháu.

"Tiền thuốc bằng một phần ba tháng lương nhưng tôi vẫn cố gắng đi gần chục km tìm mua vì sợ bố mẹ bị biến chứng viêm phổi, phải nhập viện", chị Trang nói.

Anh Lâm cho biết, thuốc tamiflu giá cắt cổ nhưng phải mua để phòng, nói đây là tâm lý chung của gia đình có con nhỏ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo khảo sát của VnExpress, nhiều trang chuyên bán hàng sỉ lẻ, hàng xách tay hay các hội nhóm cư dân... rao bán thuốc Tamiflu, giá trung bình từ một triệu đến triệu rưỡi một vỉ. Ở một số nhà thuốc, giá sản phẩm cũng bị đẩy lên gấp đôi.

Một người bán hàng ở Cầu Giấy cho biết, hơn một tuần nay không đủ thuốc để bán, nhập hàng không kịp, thậm chí không dám lấy nhiều vì giá nhập cao "cắt cổ". Chị nói, dịch cúm A thường xảy ra vào mùa đông xuân, lúc này các cửa hàng mới nhập sản phẩm nhiều. Năm nay, dịch bệnh diễn biến bất thường, giá thuốc vốn chỉ 400.000 đồng một vỉ, nay lên đến cả triệu đồng, thay đổi từng ngày.

Tương tự, tại một hiệu thuốc khác ở Đống Đa, người bán hàng nói: "Hôm qua giá thuốc là 850.000 đồng/hộp nhưng hôm nay tăng lên 950.000 đồng, và có thể tiếp tục tăng, thậm chí không còn hàng để bán". Trong khi đó, giá thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp một vỉ gồm 10 viên trên website Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế là 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Cách đây hai năm, tình trạng Tamiflu khan hiếm và bị đẩy giá cao gấp ba lần cũng xảy ra tại Hà Nội. Ngày 28/7, trước tình trạng giá thuốc bị "đội" lên do nhu cầu thị trường, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các địa phương bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt giá thuốc điều trị cúm mùa. Các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc công khai và bán theo giá đã công khai, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ đã công bố. Các bên không được lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá để trục lợi.

Cục Quản lý Dược phải kêu gọi người dân không dùng thuốc này bừa bãi. Theo khuyến cáo của Cục Dược, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua chữa cúm. Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn. Nếu sử dụng không đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, sức khỏe.

Trả lời VnExpress, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết tích trữ Tamiflu là không cần thiết bởi cúm là bệnh có thể tự hết, những đối tượng có diễn tiến suy hô hấp nhanh mới cần uống loại thuốc này. Ngoài ra, thuốc cần uống đúng thời điểm mới đem lại hiệu quả tốt. Nếu uống quá 48 tiếng, đặc biệt là sau 72 tiếng từ khi mắc bệnh thì thuốc gần như không tác dụng.

"Lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này, thậm chí trầm cảm. Đây là loại thuốc được bác sĩ kê đơn, không tự ý mua hay dự trữ trong nhà", bác sĩ khuyến cáo.

Ngoài ra, việc tích trữ Tamiflu gây nên tình trạng khan hiếm thuốc, đẩy giá thuốc lên gấp nhiều lần. "Việc đổ xô đi mua Tamiflu dự trữ khiến 'người cần không có, người có không cần'", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nói.

Theo bác sĩ Dũng, không phải cứ bệnh cúm là sử dụng Tamiflu. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Nếu mắc cúm thông thường, không cần dùng đến Tamiflu.

"Do đó, khi trẻ bị cúm, việc nên ưu tiên không phải tìm mua Tamiflu mà cần phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ tăng đề kháng", bác sĩ cho hay.

Bệnh nhi mắc cúm A bị suy hô hấp nặng, phải liên tục vỗ long đờm, thở oxy tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó A và B là hai chủng virus phổ biến.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, giọt bắn của người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus. Biểu hiện chính là sốt, đau cơ, mệt mỏi, viêm long đường hô hấp, đau họng, có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy). Bệnh diễn biến lành tính, hồi phục 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, đặc biệt trẻ có bệnh nền, nguy cơ cao trở nặng. Ngoài ra, nhóm người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... cũng cần cẩn trọng.

Khi trẻ nhiễm cúm, gia đình cần điều trị theo triệu chứng, hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát.

Khi xuất hiện các dấu hiệu nặng như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... cần đến viện kiểm tra.

Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của virus.

Hiện, cả nước lưu hành chủ yếu chủng cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B, là những chủng đã có vaccine dự phòng. "Đến nay, hệ thống giám sát chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch bệnh, chiều 21/7. Số bệnh nhân đến bệnh viện tuyến cuối khám cúm tăng, song đa số nhẹ, không có trường hợp tử vong.

Theo báo Vnexpress

https://vnexpress.net/loan-gia-thuoc-tamiflu-4492605.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke