Saturday, 04/05/2024

Dịch sốt ở trẻ Bắc Kạn do cúm B

04:58 27/10/2022

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Chiều 27/10, Sở Y tế Bắc Kạn bước đầu xác định đợt dịch cúm B đang xảy ra trên địa bàn, nhưng không loại trừ bệnh khác như adenovirus, sau khi ghi nhận gần 700 học sinh bị sốt.

"Bước đầu xét nghiệm xác định cúm B, tuy nhiên hiện chưa thể kết luận tất cả học sinh Chợ Đồn nhiễm cúm B, Sở tiếp tục theo dõi các bệnh dịch khác như adenovirus, biến chứng cúm và có phản hồi sớm", ông Vi Duy Tuyến, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, cho biết.

Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 70 trẻ, trong đó có 42 bé dưới 5 tuổi, 23 bé 6-10 tuổi, trên 10 tuổi có 5 cháu. Hầu hết trẻ sốt cao, đau họng, mệt mỏi, không tức ngực, phác đồ điều trị là uống thuốc hạ sốt, bù dịch, nâng cao thể trạng. Không có trường hợp nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh lấy 7 mẫu bệnh phẩm gồm ba mẫu tại Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, 4 mẫu tại Trạm Y tế là học sinh trường Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng) chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 26/10 để xét nghiệm. Kết quả 5 mẫu dương tính cúm B, hai mẫu âm tính.

Căn cứ kết quả xét nghiệm này, Sở Y tế xác định ban đầu đây là đợt dịch cúm B, thường xảy ra tại thời điểm mùa thu - đông. Bà Mai Thị Thúy, Phó Giám đốc CDC Bắc Kạn, cho biết đợt cúm này có một trẻ tử vong nên người dân hoang mang. Thực tế mọi năm, từ khoảng tháng 9 cũng xuất hiện nhiều trường hợp bị cúm, riêng năm nay thì số ca tăng nhiều hơn. "Thời điểm này năm ngoái ghi nhận khoảng 400 ca, nhưng năm nay tăng gấp đôi", bà Mai nói.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Kạn khám, lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhi tại khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn. Ảnh: CDC Bắc Kạn cung cấp

Ngành y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn như thiếu vật tư, hóa chất... ảnh hưởng đến phòng chống dịch. Do đó, Sở Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh biện pháp phòng chống, giảm lây lan trong cộng đồng, đồng thời kiến nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cử chuyên gia hỗ trợ giám sát, điều tra dịch tễ và bổ sung một số vật tư, hóa chất.

Bác sĩ Nông Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, cho biết đang triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lan rộng; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân. CDC tiếp tục điều tra dịch tễ để loại trừ các dịch bệnh khác như adenovirus hoặc các biến chủng khác của cúm.

Điều tra dịch tễ cho thấy các ổ dịch xuất hiện rải rác ở tất cả xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10, đặc biệt tại Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. Ca đầu tiên là bé gái 6 tuổi, ngụ Đồng Thắng, nhập viện ngày 14/10 với biểu hiện lâm sàng sốt cao, ho, chảy nước mũi, không khó thở. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân xuất viện.

Đến sáng 24/10, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi sốt 40,5 độ C, hôn mê sâu. Kíp trực và tổ cấp cứu hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn, tử vong. Khai thác bệnh sử cho thấy bé ốm sốt hai ngày, không tiếp xúc với gia cầm, đến phòng khám tư truyền dịch nhưng không bớt.

Chiều hôm sau, trung tâm tiếp nhận thêm 12 bệnh nhi có biểu hiện sốt, đau họng, chủ yếu là học sinh các trường tiểu học, mầm non. Tại các trạm y tế xã trong huyện, số lượng trẻ em đến khám với biểu hiện sốt cao cũng tăng lên hàng ngày. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn ghi nhận tính đến ngày 25/10 có 736 trong số hơn 10.000 học sinh nghỉ học, trong đó gần 700 em ốm, sốt. Các trường có nhiều học sinh nghỉ do ốm, sốt là Tiểu học thị trấn Bằng Lũng với 70 em, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện có 31 em.

Các bác sĩ khuyến cáo, cúm là bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng vẫn biến chứng nặng nếu không được phát hiện, giám sát, tư vấn kịp thời. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần thường xuyên theo dõi, nếu trẻ sốt, có dấu hiệu bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế để hướng dẫn chăm sóc, điều trị.

Cúm B do virus lành tính gây ra, lây qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh từ một đến ba ngày và diễn biến bệnh từ ba đến 5 ngày. Bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là với những người hệ miễn dịch yếu. Biến chứng nặng nhất là suy hô hấp, biểu hiện rõ nhất là khi người mắc cúm đã quá 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn, kèm triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu.

Gia đình cần theo dõi trẻ, khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay, như khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều... Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay tích trữ thuốc tại nhà.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/dich-sot-o-tre-bac-kan-do-cum-b-4528733.html

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke