Sunday, 28/04/2024

Đêm buồn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

11:30 17/05/2021

Tạp chí Khỏe Đẹp 365 Khác với mọi ngày được về nhà ôm con ngủ, điều dưỡng Nhung sáng nay đặt lưng lên giường với cảm giác mệt nhoài, khô cổ, phần vì khát, phần do nghẹn ngào nhớ gia đình.

"Với thời tiết nóng như thiêu, mặc thêm bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy ròng trong người, cả tua trực thì chạy loạn, những tiếng hô 'bệnh nhân', 'nhanh lên' vang lên liên tục. Nhiều lúc tôi chỉ muốn ngồi bệt xuống khóc cho thỏa lòng. Nhưng nhìn đồng nghiệp, bệnh nhân chiến đấu, tôi lại tự an ủi phải cố lên, hoàn thành nhiệm vụ là sẽ được về nhà", điều dưỡng Lê Thị Hồng Nhung, 27 tuổi, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), chia sẻ.

Nhịn suốt 12 tiếng nhưng chẳng muốn ăn

Cảm xúc của điều dưỡng Nhung cũng là tâm trạng chung nơi các nhân viên y tế đang làm việc và cách ly tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Từ ngày 5/5, sau khi xác định được các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cơ sở y tế này, Bộ Y tế đã áp dụng biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 với toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.

Trong thời gian này, bệnh viện vẫn sẽ tiếp nhận và điều trị các trường hợp dương tính với nCoV, kết hợp phong tỏa, cách ly y tế. Trong hoàn cảnh đó, toàn bộ nhân viên y tế đều được yêu cầu cách ly tại bệnh viện, đồng thời khối lượng công việc cũng tăng lên nhiều lần.

Điều dưỡng Nhung trong trang phục bảo hộ tự nhủ phải cố gắng trước ca trực. Ảnh: NVCC.

"Trước khi cách ly, số lượng bệnh nhân vẫn đông. Tuy nhiên, các bệnh nhân còn có người nhà hỗ trợ. Hiện tại, tất cả công việc chăm sóc bệnh nhân như tắm rửa, vệ sinh, phát thuốc..., đều do chúng tôi thực hiện", điều dưỡng Nhung chia sẻ.

Khó khăn lên đến đỉnh điểm vào rạng sáng 15/5 khi các nhân viên khoa Hồi sức tích cực đã thức trắng đêm để cấp cứu cho 5 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng mới nhập viện. Một trong số bệnh nhân này thậm chí rơi vào tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, kể lại: "Đó là một đêm với nhiều kỷ lục buồn. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, số nhân viên y tế cả vòng trong, vòng ngoài được huy động tối đa lúc 0h đêm để theo dõi 18 bệnh nhân nặng. Tất cả sau đó lại hớt hải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân nguy kịch".

Theo điều dưỡng Nhung, các nhân viên y tế tại khoa sẽ được chia thành 3 ca trực. Ca 3 kéo dài từ 19h30 đến 7h30 sáng hôm sau. Tuy nhiên, ca trực đêm 14/5, rạng sáng 15/5 trong tâm trí mọi người bỗng trở nên rất dài.

Nữ điều dưỡng nói: "Đêm hôm đó quả thực rất kinh hoàng. Kết thúc ca trực, cả ê-kíp đều mệt mỏi, không thiết ăn gì cả, chỉ tắm thật nhanh, uống nước cho đỡ khát và lên giường ngủ".

Thời tiết nóng, các nhân viên phải mặc đồ bảo hộ kín nhưng không được dùng điều hòa theo nguyên tắc điều trị Covid-19. Bên cạnh đó là cường độ làm việc cao, không được phép nghỉ ngơi hay ăn uống trong ca trực.

"Khoa Hồi sức tích cực cũng có tính đặc thù. Chúng tôi phải theo dõi bệnh nhân rất sát, số lượng người bệnh lại đông nên không thể lơ là được. Chúng tôi cũng không dám bỏ vị trí để nghỉ vì phải luôn sẵn sàng can thiệp khi có sự cố xảy ra. Mệt quá thì cũng chỉ động viên nhau cố lên chứ không có giải pháp nào cả", điều dưỡng Nhung chia sẻ.

Các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa Hồi sức tích cực đêm 14/5. Ảnh: BVCC.

Thông thường, các nhân viên y tế sau khi hết ca trực, rời khỏi phòng bệnh sẽ phải thay quần áo, tắm sạch sẽ mới được phép về phòng, ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, theo lời kể của nữ điều dưỡng, mọi người đa phần lúc này đều đã thấm mệt, chỉ muốn uống nước rồi ngủ.

"Trong ca trực, mọi người cũng hay bảo nhau ước gì có chai nước lạnh để uống cho bớt khát chứ chẳng thiết ăn gì", Nhung cười.

Theo bác sĩ Phúc, đợt dịch nào các nhân viên y tế cũng vất vả. Tuy nhiên, số bệnh nhân diễn biến nặng lần này quá lớn, việc cấp cứu lại diễn ra vào giữa đêm, đa số người bệnh có nhiều bệnh nền, phải can thiệp thủ thuật. Do đó, số lượng nhân viên y tế được điều động tăng gấp 3 lần.

Bác sĩ này nói: "Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt. Nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước, nản chí. Bệnh viện cũng đã có kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư".

Chưa kịp ôm con trước khi đi

"Tôi vừa sinh một bé đến nay là 13 tháng tuổi thì giờ phải vào bệnh viện chống dịch. Đêm hôm ấy, sau khi nhận được lệnh phải vào bệnh viện khẩn cấp để xét nghiệm và cách ly, tôi còn chưa kịp ôm con, cũng không biết bao giờ mới được về", điều dưỡng Nhung kể lại.

Mẹ đi cách ly dài ngày, việc chăm sóc bé thời gian này gia đình phải nhờ ông bà. Dẫu vậy, thân là mẹ, Nhung vẫn không khỏi đau lòng.

Nữ điều dưỡng tâm sự: "Trong ngày có thời gian lúc nào, tôi đều gọi về cho con. Thấy con khóc, lại thêm cảm giác căng sữa trong giai đoạn cho bú, tôi nhớ con mà cũng bật khóc theo. Nhiều khi con đòi tìm mẹ trong điện thoại, tôi cũng chỉ bảo ông bà dỗ cho con quên đi được thôi".

Như những nhân viên y tế khác, bác sĩ Phúc cũng nhớ gia đình và con. Ảnh: Quốc Vương.

Tương tự điều dưỡng Nhung, dù đã quen với việc cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện hơn một năm qua, bác sĩ Phúc không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về gia đình.

Do trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, bệnh viện lại xuất hiện các ca F0, gia đình bác sĩ Phúc cũng vô tình trở thành F2 và phải cách ly tại nhà.

"Tôi cũng nhớ vợ, thương con nhiều chứ. Nhiều lúc nghỉ ngơi, tôi chỉ có mong muốn duy nhất là được về nhà ôm vợ, con vào lòng", bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nhân viên y tế khác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Phúc hay điều dưỡng Nhung phải tạm gác lại hạnh phúc cá nhân để thực hiện nghĩa vụ, sứ mệnh của mình trong công cuộc điều trị cũng như góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Quân đội khu khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung sau khi cơ sở y tế này bị phong tỏa từ ngày 5/5. Ảnh: Việt Linh.

Vượt qua những lo lắng ban đầu, tâm lý chung của các bác sĩ, điều dưỡng lúc này là phải cố gắng hết sức chăm sóc, điều trị bệnh nhân, từ đó hy vọng dịch sớm kết thúc.

"Việc đầu tiên tôi muốn làm khi hết hạn cách ly sẽ là thu dọn thật nhanh đồ đạc và chạy về ôm con. Ngày nào tỉnh dậy tôi cũng ước mơ như vậy", điều dưỡng Nhung cười.

Hiện nay, tổng số nhân lực tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung là 50 người, bao gồm 9 bác sĩ, 39 điều dưỡng, một hộ lý và một nhân viên vệ sinh.

Với các điều dưỡng, họ sẽ được chia làm 3 ca gồm ca 1 (7h - 13h30), ca 2 (1h30 - 19h30) và ca 3 (19h30 - 7h30). Trong khi đó, các bác sĩ ban ngày phải làm việc bình thường, mỗi đêm sẽ có 2 bác sĩ trực.

Theo Zing

 

Chia sẻ bài viết

Chế độ ăn giúp người bệnh viêm gan ngăn ngừa tổn thương gan

Khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan, ngoài việc ...

18/09/2023

Bệnh viện Bạch Mai thông tin về tình trạng 24 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Sáng 13/9, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí ...

13/09/2023

Bệnh viện Quân y 121 không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Với không gian rộng rãi, chất lượng khám chữa ...

13/09/2023

Bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, cách nào phòng tránh?

Không đưa tay lên mắt, mũi; thường xuyên rửa tay; ...

13/09/2023

Bổ sung collagen: Lợi và hại thế nào?

Collagen là một loại thực phẩm bổ sung khá phổ ...

13/09/2023

Các bài thuốc dân gian giải rượu

Rượu bia là một thức uống không thể thiếu trong ...

13/09/2023

Thời điểm tập thể dục tốt nhất cho sức khỏe?

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, ...

13/09/2023

Căn bệnh hơn 50% người già ở TP.HCM mắc phải

Qua khám sức khỏe và tầm soát bệnh mạn tính không ...

13/09/2023

Top các bệnh nghề nghiệp mà nhân viên văn phòng hay gặp phải

Những người thường xuyên làm việc trong phòng kín ...

13/09/2023

Mất tiền xăm môi, người phụ nữ nhận lại đôi môi bị nhiễm trùng

Phòng khám Da liễu, BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa tiếp ...

13/09/2023
Thong ke